Hôm 10/2, phát ngôn viên Không quân Mỹ Ann Stefaniek tiết lộ rằng, áp lực về ngân sách đã dẫn đến quyết định từ bỏ chương trình HCSW. Thay vào đó, Không quân Mỹ sẽ tiếp tục phát triển vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW).
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác làm việc với các lực lượng anh em nhằm tìm ra cách hiệu quả nhất để tận dụng nguồn lực của nhau, đảm bảo rằng tiền thuế của người dân được sử dụng một cách thận trọng nhất”, bà Stefaniek cho biết.
Hình ảnh mô phỏng của một tên lửa siêu thanh khi được phóng |
Bà cũng cho hay, hãng Lockheed Martin sẽ phải kết thúc các công việc liên quan đến chương trình HCSW sau lần đánh giá phê bình thiết kế từ phía Không quân vào mùa xuân này. Chương trình ARRW còn lại dự kiến sẽ đạt đến khả năng vận hành ban đầu trong năm tài chính 2022.
“Trong khi Mỹ sẽ đầu tư khoảng 576 triệu USD vào vũ khí siêu vượt âm trong năm tài chính 2020, con số này được dự kiến sẽ giảm xuống còn 382 triệu USD trong năm tài chính 2021”, trang Defense News cho biết.
Thông tin này nhiều khả năng là một cú sốc đối với đội ngũ phát triển ở Lockheed Martin cũng như Aerojet Rocketdyne, đơn vị mới thông báo vào tháng 12/2019 về việc đạt được một hợp đồng phụ trị giá 81,5 triệu USD để phát triển động cơ tên lửa nhiên liệu rắn được sử dụng cho tên lửa siêu vượt âm.
Trong bài phát biểu trước toàn dân hôm 8/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khoe về kho vũ khí gồm các tên lửa “to lớn, mạnh mẽ, chính xác, nhanh và gây chết người”, và rằng nước này có “rất nhiều” tên lửa siêu thanh “đang được sản xuất”.
Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng John Hyten đã thừa nhận vào tháng trước rằng quân đội Mỹ đã tụt lại phía sau trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển vũ khí siêu thanh.
“Hiện giờ chúng ta đang ở trong một cuộc cạnh tranh khốc liệt với các quốc gia khác trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh. 10 năm trước, chúng ta đã từng dẫn đầu”, ông nói ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế hôm 17/1.
Anh Thư