Vũ khí chính xác cao (VKCXC) là loại vũ khí được điều khiển để bảo đảm tiêu diệt có lựa chọn các mục tiêu cơ động hoặc cố định với xác suất gần bằng 100% ngay trong lần bắn đầu tiên, trong mọi điều kiện thời tiết ngày đêm, trong mọi tình huống chiến trường.
Phân loại
Tùy vào hệ thống dẫn đường, VKCXC được chia thành: VKCXC với các hệ dẫn quang-điện tử (truyền hình, ảnh nhiệt, laser); VKCXC với hệ dẫn radar thụ động hoặc chủ động; VKCXC với hệ dẫn kết hợp… Tùy thuộc vào cự ly sử dụng tối đa từ phương tiện mang, VKCXC được chia thành: tầm xa (hơn 100km), tầm trung (đến 100km) và tầm ngắn (đến 20km).
VKCXC cũng có thể phân loại thành các hệ thống cấp chiến trường/chiến lược và chiến thuật. Ví dụ, các hệ thống chiến trường/chiến lược như tên lửa hành trình Tomahawk và AGM-86 (Mỹ); tên lửa không đối không S-400 AD (Nga), AMRAAM (Mỹ) và R-77 (Nga); tên lửa đối hạm Harpoon (Mỹ), Exocet (Pháp), Granit và Yakhont (Nga).
Ảnh: Navalpost |
Vũ khí dẫn đường chính xác chiến thuật như đạn pháo chính xác cao Strix 120mm (Thuỵ Điển), Krasnopol 152mm (Nga), đạn chống giáp (SADARM) Copperhead 155mm (Mỹ), SMArt (Đức và Pháp), đạn pháo chính xác cao Smelchak 240mm (Nga), Hellfire và TOW-2A (Mỹ), Metis, Konkurs và Shturm-S (Nga), tên lửa điều khiển chống tăng (ATGM), các tổ hợp tên lửa Tor-M, Buk-M AD (Nga) và AIM-9 (Mỹ), tên lửa không đối không R-73 và tên lửa đối hạm Moskit (Nga).
VKCXC được phát triển theo các hướng sau: tăng tầm, độ chính xác và sức công phá; chuyển từ hệ thống dẫn tự động sang hệ thống “bắn rồi quên”; sử dụng rộng rãi máy tính và các hệ thống tự động hoá khác hỗ trợ cho các nhiệm vụ đường không và kiểm soát vũ khí; tích hợp và thống nhất vũ khí về chủng loại, loại và lớp...
Ưu thế nổi trội
Vài chục năm lại đây, VKCXC trở thành phương tiện chủ yếu giành chiến thắng trong các cuộc xung đột quân sự. Đặc biệt, các hệ thống vũ khí chính xác tầm xa có thể làm giảm thiểu những thương vong quân nhà vì họ ở xa khu vực mục tiêu.
Thứ hai, VKCXC giúp làm giảm đáng kể thời gian, nhân lực và chi phí liên quan đến các hoạt động quân sự. Trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, tỉ lệ VKCXC không vượt quá 3-5%. Do vậy, giai đoạn chuẩn bị chiến dịch kéo dài hơn 5 tháng; hơn 300.000 quân lính, 2.000.000 tấn vũ khí trang bị và 500.000 tấn hàng các loại phải vận chuyển bằng đường biển và đường không đến khu vực vùng Vịnh.
Đến chiến tranh Nam Tư năm 1999, giai đoạn chuẩn bị chỉ kéo dài vài tuần, số binh lính can dự vào chiến dịch ít bởi quy mô, số lượng vũ khí trang bị và hàng hậu cần thấp hơn 12 lần. Trong cuộc chiến Iraq năm 2003, số bom đạn "thông minh" được sử dụng lên đến 70%.
Thứ ba, VKCXC có khả năng lựa chọn mục tiêu và cho phép giảm thiểu những tác dụng phụ của việc sử dụng vũ khí, như gây thương vong cho dân thường, thảm hoạ sinh thái…
Những yếu tố làm giảm hiệu quả của VKCXC
Thứ nhất, thiếu tin tình báo có độ tin cậy cao. Việc sử dụng VKCXC nhằm vào một số loại mục tiêu (di động, truyền phát vô tuyến, kích cỡ nhỏ, kiên cố…) chỉ hiệu quả nếu có thông tin thời gian thực và chính xác về mục tiêu. Dữ liệu tình báo về mục tiêu phải đảm bảo tính đầy đủ, gồm phương vị của các bộ phận cấu thành mục tiêu và thông tin về các chủng loại của nó; mức độ bảo vệ mục tiêu của đối phương; điều kiện bề mặt nền trong khu vực mục tiêu...
Hơn nữa, tiêu diệt mục tiêu bằng VKCXC hoàn toàn khác với tiêu diệt mục tiêu bằng vũ khí thông thường, ở chỗ đây là sự phá huỷ chính xác và có lựa chọn phần lớn các bộ phận của mục tiêu, làm tê liệt toàn bộ mục tiêu trong một thời gian dài. Điều này đặt ra những yêu cầu cao cho hỗ trợ thông tin của VKCXC, vì dữ liệu phải được cung cấp về toàn bộ mục tiêu và phần lớn các bộ phận then chốt.
Hai là, sự thiếu hụt những đặc tính kỹ thuật cụ thể của những loại VKCXC cụ thể, như sử dụng đạn chính xác cao chống lại các mục tiêu mà chúng không được chỉ định. Trong chiến dịch Bão táp sa mạc, hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) của Mỹ được sử dụng để tiêu diệt xe tăng trong hành tiến, nhưng hệ thống này không hoàn thành được nhiệm vụ vì nó được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu vỏ mềm cố định.
Một số tên lửa hành trình cũng được sử dụng để tiêu diệt mục tiêu di động. Tuy nhiên, các biện pháp phòng chống của phía Iraq (triển khai lại các đơn vị) đã làm giảm thiểu số mục tiêu bị tiêu diệt xuống còn 40%.
Ba là, sự vênh nhau giữa các số liệu thực nghiệm và thực tế chiến đấu, dẫn đến những sai sót trong đánh giá hiệu quả tập kích. Ví dụ, hiệu quả của máy bay F-117 chỉ là 60% thay vì 90% như tuyên bố, tên lửa Tomahawk chỉ đạt 50% thay vì 85%. Bom GBU-24 và GBU-84E đã chứng tỏ hiệu quả thấp chống lại các boong-ke chôn sâu dưới lòng đất, còn đầu đạn của tên lửa hành trình AGM-84E SIAM không tới được mục tiêu dự kiến.
Ngoài ra, công tác huấn luyện không đầy đủ cũng là yếu tố tác động bất lợi đến hiệu quả của VKCXC. Thời bình, giá thành cao của những vũ khí này làm hạn chế số lượng các cuộc tập trận thực binh. Do đó, các kíp chiến đấu không được huấn luyện đầy đủ và đôi khi hành động ngớ ngẩn.
>>> Đọc tin quân sự mới nhất trên Vietnamnet
Nguyên Phong
Giận Thổ mua 'rồng lửa' Nga, Mỹ chỉ muốn bán tiêm kích đời cũ thay F-35
Mỹ đề nghị bán cho Thổ Nhĩ Kỳ các tiêm kích F-16 nhằm bồi hoàn chi phí đầu tư vào chương trình phát triển siêu tiêm kích F-35 tân tiến hơn, sau khi Ankara mua các hệ thống phòng thủ tên lửa Nga bất chấp sự phản đối của Washington.
Nga thử thành công tên lửa siêu thanh không đối thủ
Hôm nay (4/10), Nga tuyên bố lần đầu tiên phóng thành công tên lửa hành trình siêu thanh đỉnh cao Zircon từ một tàu ngầm chạy bằng hạt nhân.