Trung Quốc
Năm 1985, Trung Quốc thử nghiệm tên lửa hành trình đầu tiên sử dụng động cơ tua-bin phản lực X-600. Tiếp đó, năm 1988 là tên lửa hành trình sử dụng động cơ tua-bin cánh quạt HongNiao-1 (HN-1).
Phiên bản tiếp theo của tên lửa X-600 có tầm phóng 1.500 km, mang ký hiệu HN-2, thử nghiệm năm 1995-1997. Đến tên lửa HongNiao-3 (HN-3), thử nghiệm thành công tháng 8/2004, thì đã có khả năng tàng hình tốt hơn, độ chính xác cao hơn HN-2 với tầm phóng 2.500 km.
Các bệ phóng tên lửa hành trình đất đối đất Đông Hải 10 (DH-10) của Trung Quốc. Ảnh: armyrecognition.com |
Hiện Trung Quốc đang phát triển tên lửa hành trình thế hệ mới HongNiao-2000 (HN-2000), sử dụng công nghệ tiên tiến để đạt được độ chính xác tấn công điểm (1,3 m).
Tên lửa hành trình tấn công đất liền Đông Hải 10 (DH-10)/ChangJian-10 (CJ-10) được giới thiệu công khai lần đầu tháng 10/2009, phát triển bởi Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC). Đây là tên lửa hành trình tấn công đất liền mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường, sử dụng hệ thống đạo hàng quán tính kết hợp GPS và so sánh địa hình số hóa, tầm phóng 4.000 km.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã phát triển thành công tên lửa YJ-6 thành tên lửa hành trình phóng từ trên không KD-63 (Kong Di-63)/YJ-63. Đây là tên lửa phóng từ trên không ngoài tầm hỏa lực phòng không phát triển trong nước đầu tiên của Trung Quốc. Hiện tên lửa này đã được tích hợp đầu tìm quang điện tử và đường truyền dữ liệu.
Về tên lửa hành trình chống tàu, Trung Quốc đã đưa vào trang bị dòng tên lửa YJ-2 (C-802), động cơ tua-bin phản lực, mang đầu đạn nặng 165 kg, tầm phóng 130 km. Các phiên bản cải tiến của YJ-2 là tên lửa YJ-21 có tầm bắn 180 km, tên lửa YJ-22 có tầm phóng 400 km và tên lửa YJ-83 (C-803) có tầm phóng 150 - 250 km.
Những loại tên lửa này có thể phóng từ trên không, tàu nổi, tàu ngầm. Ngoài ra, tên lửa hành trình chống tàu C-802 còn có phiên bản tấn công đất liền phóng từ trên không KongDi-88 (KD-88, phiên bản xuất khẩu ký hiệu C-802KD), sử dụng động cơ tua-bin phản lực, tên lửa mang đầu đạn nặng 164 kg, tầm phóng 180-200 km.
Một số tên lửa hành trình khác của Trung Quốc gồm C-701, C-704, C-705 và YJ-62 (C-602) sử dụng động cơ tua-bin phản lực. Tầm bắn 280 km, độ cao bay hành trình 30 m, đầu đạn nặng 300 kg, có khả năng chống tàu và tấn công các mục tiêu trên mặt đất.
Bên cạnh phát triển để trang bị trong nước, Trung Quốc còn mua một số loại tên lửa hành trình của Nga gồm: Kh-65SE, tầm phóng 600 km; Kh-41 Moskit (SS-N-22 Sunburn) là tên lửa hành trình chống tàu siêu âm bay sát mặt biển, tầm phóng 250 km; tên lửa 3M-54 Club (SS-N-27 Sizzler) trang bị cho tàu ngầm lớp Kilo của Trung Quốc. Tên lửa Kh-55 (AS-15 Kent) mua của Ukraina có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, tầm phóng 3.000 km...
Là quốc gia sở hữu số lượng lớn tên lửa hành trình với quan niệm, những vũ khí như tên lửa hành trình sẽ bù đắp sự thiếu hụt về lực lượng máy bay đủ khả năng xuyên thủng lực lượng phòng không của đối phương, Trung Quốc chủ trương ưu tiên cho các chương trình phát triển tên lửa đường đạn và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất và đang mở rộng kho trang bị tên lửa. Hiện có 10 loại tên lửa được Trung Quốc phát triển để đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu.
Ấn Độ
Là khách hàng truyền thống của Nga trong mua sắm các hệ thống vũ khí hiện đại, Ấn Độ đã đưa vào trang bị một số tên lửa hành trình do Nga sản xuất như Kh-35 Uran/3M-24 (SS-N-25 Switchblade), Kh-31 (AS-17 Krypton) và 3M-54 Club (SS-N-27 Sizzler).... Ấn Độ cũng là đối tác của Nga trong hợp tác nghiên cứu phát triển và sản xuất phiên bản xuất khẩu tên lửa SS-N-26 (3M55 Oniks/Yakhont) mà sản phẩm mang tên PJ-10 hoặc BrahMos.
Tên lửa hành trình BrahMos của Ấn Độ. Ảnh: NDTV |
Tên lửa BrahMos được phóng bằng động cơ rốc-két và bay hành trình bằng động cơ phản lực 2 dòng khí, vận tốc trên 3.600 km/giờ. Tên lửa dài 8,4 m, khối lượng 3,9 tấn, có thể bay thấp ở độ cao 10 m, tầm phóng 290 km.
Đầu đạn tên lửa có trọng lượng 200 kg với phiên bản tên lửa phóng từ tàu chiến và xe phóng trên bộ, 300 kg đối với phiên bản tên lửa phóng từ trên không. Ấn Độ cũng đã thử nghiệm phóng phiên bản tên lửa BrahMos Block III, có khả năng bổ nhào từ trên xuống, sử dụng ở khu vực rừng núi, phóng từ xe phóng và vận chuyển tên lửa. Phiên bản phóng từ trên không và tàu ngầm cũng đã được phát triển.
Mới đây, Ấn Độ đã thử nghiệm thành công biến thể mới của tên lửa BrahMos với tốc độ 6,5 Mach (8.424 km/giờ). Theo các chuyên gia quân sự Ấn Độ, với vận tốc 6,5 Mach, BrahMos đã bay nhanh hơn vũ khí siêu thanh tiên tiến AHW với tốc độ 5 Mach của Mỹ.
Hải quân Ấn Độ trang bị tổ hợp tên lửa BrahMos cho tàu INS Rajput từ năm 2005, trong khi lục quân nước này sử dụng tên lửa BrahMos Block I từ tháng 6/2007. Một trong những trung đoàn được trang bị tên lửa BrahMos hiện được triển khai dọc biên giới với Trung Quốc.
Đến năm 2022, Ấn Độ dự kiến hoàn thành việc tiếp nhận khoảng 1.000 tên lửa BrahMos và đưa vào trang bị cho: tàu khu trục Rajput, tàu khu trục Kolkatan, tàu frigat Phivalik, tàu frigat Talwar, tàu ngầm lớp Kilo, máy bay tác chiến chống ngầm IL-38SD và Tu-142M, máy bay tiêm kích Su-30MKI.
Ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ hiện đang đẩy mạnh nghiên cứu phát triển tên lửa hành trình tầm xa Nirbhay, với các phiên bản phóng từ trên không, tàu ngầm và trên đất liền. Đầu đạn tên lửa này có trọng lượng 450 kg. Tên lửa phóng bằng động cơ rốc-két, bay hành trình bằng động cơ tua-bin phản lực, vận tốc gần tốc độ âm thanh, tầm phóng 800 - 1.000 km, dẫn quán tính kết hợp vệ tinh (INS/GPS) để bổ sung cho tên lửa BrahMos trong thời gian tới nhằm tăng cường khả năng răn đe chiến lược.
Nguyên Phong
>>> Đọc tin quân sự mới nhất trên Vietnamnet
Xem Ấn Độ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa
Vụ phóng được quân đội Ấn Độ tiến hành chỉ vài tuần sau khi có thông tin Trung Quốc thử nghiệm thành công tên lửa siêu vượt âm hồi hè năm nay.
Tướng Mỹ cảnh báo tiến bộ đáng kinh ngạc của quân sự Trung Quốc
Sau vụ thử tên lửa siêu thanh của Trung Quốc, vị tướng cao cấp thứ hai của Mỹ cho biết, tốc độ phát triển năng lực của quân đội Trung Quốc là đáng kinh ngạc trong khi sự phát triển của Mỹ gặp phải tình trạng quan liêu khủng khiếp.