Trang Nikkei Asia đưa tin, ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) nhất trí sẽ thực thi cấm vận đối với những người trực tiếp chịu trách nhiệm về cuộc chính biến cùng các lợi ích kinh tế của họ.
Tuyên bố ngày 22/2 của Hội đồng EU cho biết khối sẵn sàng "áp đặt các biện pháp hạn chế" và "sẽ tiếp tục xem xét tất cả các công cụ chính sách của mình khi tình hình tiến triển, bao gồm cả chính sách về hợp tác phát triển và các ưu đãi thương mại".
Người biểu tình phản đối đảo chính quân sự ở Yangon ngày 22/2. Ảnh: Reuters |
Cùng ngày, Bộ trưởng phụ trách châu Á của Anh đã triệu Đại sứ Myanmar tại nước này tới lần thứ 2 kể từ đầu tháng và lên án hành động của quân đội Myanmar nhằm vào người biểu tình. Đến nay, Anh cùng Canada và New Zealand đều đã tuyên bố lệnh trừng phạt nhắm đến một số quan chức quân đội Myanmar.
Trong khi đó, Mỹ cũng thông báo áp trừng phạt lên 2 thành viên quân đội Myanmar và cảnh báo sẽ có thêm hành động liên quan cuộc đảo chính.
Theo Reuters, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, động thái này nhằm vào Tướng Maung Maung Kyaw - Tổng tư lệnh lực lượng Không quân và Tướng Moe Myint Tun, cựu Tham mưu trưởng Lục quân và là chỉ huy một trong những cơ quan giám sát các chiến dịch từ thủ đô Naypyidaw.
"Quân đội phải đảo ngược các hành động của mình và khẩn trương khôi phục chính phủ dân bầu ở Myanmar, nếu không Bộ Tài chính Mỹ sẽ không ngần ngại thực hiện các hành động khác", tuyên bố của Washington nêu rõ.
Trong cuộc chính biến ở Myanmar vừa qua, nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức cấp cao khác thuộc đảng cầm quyền Liên minh quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã bị bắt giữ với cáo buộc gian lận bầu cử. Quân đội Myanmar tạm nắm quyền, dẫn tới hàng loạt cuộc biểu tình rộng khắp ở đất nước này.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày 22/2, EU cũng đưa nhiều quan chức Nga vào "danh sách đen" vì liên quan đến vụ xét xử nhân vật đối lập Alexei Navalny. Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrel không xác nhận cụ thể những ai bị trừng phạt nhưng bày tỏ kỳ vọng các biện pháp sẽ có hiệu lực trong vòng một tuần.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko lên án hành động của EU là "gây khó chịu".
Một số nguồn thạo tin cho biết, những công dân Nga nằm trong danh sách trừng phạt sẽ đối mặt với lệnh cấm nhập cảnh vào EU và bị đóng băng tài sản.
Thanh Hảo
Biểu tình 'lớn chưa từng có' rung chuyển Myanmar
Hàng trăm nghìn người dân Myanmar đã xuống đường tham dự một trong những cuộc biểu tình lớn nhất nước này sau cuộc chính biến hôm 1/2.
Mỹ tuyên bố hành động ‘cứng rắn’ với giới quân sự Myanmar
Động thái của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken được đưa ra trong bối cảnh ít nhất ba người thiệt mạng kể từ khi các biểu tình chính biến ở Myanmar nổ ra.