Trang tin Bloomberg, dẫn thông báo từ lực lượng đặc nhiệm Biển Đông của Philippines hôm 12/4, cho biết 4 tàu tuần tra của hải quân của Philippines đã được cử đến hỗ trợ lực lượng tuần duyên và tàu cá của nước này đang neo đậu gần các khu vực Đá Ba Đầu, Bãi Cỏ Rong và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

“Các phương tiện trên biển đang và sẽ được triển khai liên tục đến các khu vực khác nhau để tuần tra", thông báo cho biết.

Cũng theo một tuyên bố khác của lực lượng đặc nhiệm Biển Đông của Philippines vào cuối ngày 13/4, trích dẫn những phát hiện từ cuộc tuần tra ngày 11/4, hơn 200 tàu thuyền bị cáo buộc của lực lượng dân quân biển Trung Quốc vẫn đang “nán lại” trong vùng biển đang tranh chấp, chủ yếu xung quanh vùng Đá Gaven.

Tuyên bố còn cho biết, ít nhất 6 tàu hải quân Trung Quốc cũng bị phát hiện trong khu vực này, và một số nhóm đánh bắt trái phép của Trung Quốc được nhìn thấy đang câu những con trai khổng lồ.

{keywords}
Các tàu Trung Quốc xuất hiện trái phép ở Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 27/3. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin, trong một bài đăng trên Twitter hôm thứ 14/4, đã chỉ đạo cơ quan của mình đệ trình công hàm phản đối ngoại giao dựa trên báo cáo của các lực lượng đặc nhiệm.

Hôm 12/4, Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Hoàng Hoát Liên để bày tỏ “thái độ không hài lòng về sự hiện diện kéo dài và bất hợp pháp” của các tàu Trung Quốc xung quanh Đá Ba Đầu, theo một tuyên bố của cơ quan này hôm 13/4.

Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc đã gia tăng kể từ khi hơn 200 tàu Trung Quốc được nhìn thấy đang neo đậu gần Đá Ba Đầu hôm 7/3. Manila sau đó cảnh báo sẽ liên tục đưa ra các phản đối ngoại giao nếu Bắc Kinh không rút các tàu biển của mình. Về phần mình, Trung Quốc khẳng định các tàu biển này chỉ đang "tránh gió" và vẫn neo đậu ở các vị trí hợp pháp trên Biển Đông.

Mỹ đã lên tiếng ủng hộ Philippines trong vụ tranh chấp này. Vào tuần trước, Bộ Quốc phòng Philippines tuyên bố có thể tìm kiếm sự trợ giúp của Mỹ nhằm bảo vệ các lợi ích của họ tại Biển Đông, dựa trên một thỏa thuận quốc phòng chung giữa hai nước.

Hôm 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định hoạt động của tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển.

Điều này cũng đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về Ứng xử của các nước trên Biển Đông (DOC), làm phức tạp thêm tình hình và gây bất lợi cho quá trình đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cũng nhấn mạnh, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, và trật tự pháp lý trên vùng biển khu vực.

Việt Anh

Sự thật về dân quân biển của Trung Quốc

Sự thật về dân quân biển của Trung Quốc

Theo các chuyên gia quân sự, Bắc Kinh có một lực lượng hải quân mà họ không thừa nhận là tồn tại và đội quân này hiện diện ở nhiều khu vực của Biển Đông.

Trung Quốc cảnh báo Mỹ đừng 'đùa với lửa'

Trung Quốc cảnh báo Mỹ đừng 'đùa với lửa'

Trung Quốc cảnh báo Mỹ đừng "đùa với lửa" về Đài Loan (Trung Quốc) và đưa ra phản đối sau khi Washington ban hành hướng dẫn cho phép giới chức Mỹ gặp gỡ tự do hơn với các quan chức hòn đảo này.