Tổng thống Biden cùng các lãnh đạo của hơn 100 quốc gia đã tụ họp ở Glasgow, Scotland để dự phiên khai mạc Hội nghị thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) hôm 1/11 (theo giờ Việt Nam).
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh COP26 ngày 1/11. Ảnh: AP |
Sau khi thay ông Trump tiếp quản Nhà Trắng hồi tháng 1 năm nay, ông Biden đã cam kết rằng, Mỹ sẽ cắt giảm 50% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức của năm 2005. Nhà Trắng tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu này, ngay cả khi Quốc hội Mỹ vẫn trì hoãn phê chuẩn một dự luật có thể giúp thúc đẩy thực hiện nó.
Theo Reuters, vị tổng thống thứ 46 của Mỹ muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng, Washington có thể tin cậy được trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu, bất chấp những thay đổi trong chính sách giữa các chính quyền của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đã làm xói mòn những cam kết của nước này trong quá khứ.
Thời kỳ còn đương chức, cựu Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định khí hậu Paris, tạo ra đòn giáng đối với những nỗ lực quốc tế nhằm chống lại sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Ông Biden đã đảo ngược quyết định, đưa Mỹ tái tham gia hiệp định sau khi lên nắm quyền.
"Tôi đoán là mình không cần phải xin lỗi, nhưng tôi muốn xin lỗi vì thực tế rằng nước Mỹ thời chính quyền gần đây nhất đã rút khỏi thỏa thuận Paris", ông Biden nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu tại hội nghị COP26, lãnh đạo Nhà Trắng thừa nhận, Mỹ và các quốc gia phát triển, tiêu thụ nhiều năng lượng khác phải gánh phần lớn trách nhiệm về biến đổi khí hậu. Theo ông, các hành động được thực hiện trong thập kỷ này nhằm ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu sẽ là yếu tố quyết định trong việc ngăn chặn các hệ lụy cho thế hệ tương lai.
Ông Biden coi cuộc khủng hoảng rõ thấy đối với hành tinh, bao gồm cả lũ lụt, thời tiết bất ổn, hạn hán và cháy rừng, như một cơ hội khác thường để tái tạo nền kinh tế toàn cầu. Người đứng đầu chính phủ Mỹ khắc họa những chi phí khổng lồ của việc hạn chế khí thải từ than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên như một cơ hội để tạo ra các việc làm thông qua chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo và các ôtô điện.
Ông Biden đã thông báo một chiến lược dài hạn nhằm giúp Mỹ đạt được mục tiêu đưa phát thải khí độc hại ở nước này về con số 0 vào năm 2050. Ông cũng tuyên bố thế giới cần phải hỗ trợ các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Bản thân ông có kế hoạch thuyết phục Quốc hội Mỹ khởi động một chương trình trị giá 3 tỷ USD vào năm 2024 nhằm giúp các nước đang phát triển thích ứng và quản lý những tác động của biến đổi khí hậu tại chỗ.
Tuấn Anh
Các lãnh đạo G20 thống nhất về mục tiêu khí hậu
Trong tuyên bố bế mạc hội nghị thượng đỉnh G20, các lãnh đạo nhóm nhất trí về các hành động "có ý nghĩa và hiệu quả" nhằm giới hạn việc tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C, dù không đưa ra nhiều cam kết cụ thể.