Nhà Trắng hôm 26/3 phát đi thông cáo nêu rõ: "Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo về khí hậu sẽ nhấn mạnh tính cấp thiết cũng như các lợi ích kinh tế của hành động khí hậu mạnh mẽ hơn. Trong lời mời của mình, Tổng thống (Biden) kêu gọi các nhà lãnh đạo sử dụng hội nghị thượng đỉnh như một cơ hội để đề ra cách thức mà các quốc gia của họ sẽ đóng góp vào tham vọng khí hậu mạnh mẽ hơn".
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters |
Các chủ đề chính của sự kiện sắp tới sẽ là nỗ lực của các nền kinh tế thế giới nhằm giảm lượng khí thải các-bon; huy động tài chính của cả khu vực công và khu vực tư nhân để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang không phát thải khí gây hại; các lợi ích kinh tế của hành động khí hậu; phát triển các công nghệ giúp thích ứng với biến đổi khí hậu và các các vấn đề khác.
Theo Sputnik, cùng ngày, ông Biden xác nhận với báo chí rằng, cả hai nguyên thủ Nga và Trung Quốc đều được mời dự hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Song, lãnh đạo Nhà Trắng tiết lộ ông chưa trực tiếp trao đổi với cả hai người này.
AP trích dẫn lời các quan chức trong chính quyền Biden cho hay, hội nghị thượng đỉnh do Mỹ triệu tập sẽ được tổ chức trong 2 ngày 22 - 23/4, dự kiến quy tụ nguyên thủ của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Trong khuôn khổ sự kiện sẽ có các cuộc thảo luận về những nỗ lực toàn cầu để hạn chế ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch. Hội nghị rất có thể sẽ được tổ chức bằng hình thức trực tuyến do đại dịch Covid-19.
Theo lời một quan chức Mỹ, việc Washington chủ động tổ chức sự kiện cho thấy chính quyền Biden sẵn sàng bắt tay cùng các nước khác giải quyết vấn đề khí hậu ở cấp cao.
Hồi tháng 1, ông Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp đưa Mỹ tái tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đảo ngược quyết định xé bỏ thỏa thuận của người tiền nhiệm Donald Trump vào năm 2017.
Ông Biden cũng ký các sắc lệnh khác nhằm bảo tồn ít nhất 30% đất đai và các đại dương của liên bang vào năm 2030 cũng như loại bỏ các hợp đồng thuê dầu khí mới trên những vùng biển và vùng đất công. Chính quyền của ông cũng hứa sẽ cắt giảm lượng khí thải các-bon từ ngành điện vào năm 2035 và muốn đảm bảo Mỹ có được nền kinh tế năng lượng sạch 100%, không phát thải khí gây ô nhiễm trước năm 2050.
Tuấn Anh
Tổng thống Biden ký sắc lệnh đảo ngược chính sách thời ông Trump
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký sắc lệnh về y tế, mở lại đăng ký cho Đạo luật Chăm sóc giá cả phải chăng thời Obama, còn gọi là Obamacare.
Những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của ông Biden
Tân Tổng thống Joe Biden tuyên bố "nước Mỹ đã trở lại" và ngoại giao sẽ khôi phục vị thế trung tâm trong chính sách ngoại giao của chính quyền mới.