Chiến thắng của nhà báo Maria Ressa, người Philippines và nhà báo Dmitry Muratov, người Nga nằm ngoài dự đoán vì họ không nằm trong số những ứng cử viên được coi là nặng ký cho giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay.
Từ Trung tâm Hòa bình Nobel ở thủ đô Olso, Na Uy, bà Reiss-Andersen khẳng định, Ressa và Muratov là "đại diện của tất cả các nhà báo đứng lên bảo vệ lý tưởng này trong một thế giới mà dân chủ và tự do báo chí phải đối mặt với những điều kiện ngày càng bất lợi".
Dự kiến, một giờ sau khi Ủy ban Nobel Na Uy công bố kết quả, chim bồ câu, biểu tượng của hòa bình, sẽ được thả từ cửa sổ trung tâm để báo tin chủ nhân giải thưởng.
Giải Nobel hòa bình hàng năm vinh danh cá nhân hoặc tổ chức đã nỗ lực và hành động xuất sắc nhất trong việc thúc đẩy hòa bình thế giới. Năm nay có 329 ứng viên được đề cử giải thưởng này, bao gồm 234 cá nhân và 95 tổ chức.
Theo AP, hồi đầu tháng 10, các công ty cá cược Anh Betfair và William Hill đã đánh giá Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là ứng viên nhiều khả năng sẽ giành được giải Nobel hòa bình 2021, với tỉ lệ đặt cược cho chiến thắng của tổ chức này lần lượt 4 ăn 5 và 4 ăn 6.
Những ứng viên sáng giá khác cũng được đề cập đến là Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, nhà hoạt động môi trường Thụy Điển Greta Thunberg, sáng kiến chia sẻ vắc xin Covid-19 toàn cầu (Covax), thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexey Navalny, Tổng thống Mỹ Joe Biden, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSSF), Ủy ban Bảo vệ nhà báo (CPJ), Trung tâm Nhân quyền Palestine, ...
Rupert Adams, giám đốc truyền thông của công ty cá cược William Hill quả quyết, việc đoán trúng người đoạt giải Nobel là "công việc khó khăn nhất thế giới". Trong thế kỷ 21, nhà cái này mới dự đoán đúng một lần duy nhất, khi giải Nobel hòa bình 2014 vinh danh nhà hoạt động Pakistan Malala Yousafzai.
Năm ngoái, WHO cũng được đề cử giải Nobel Hòa bình, nhưng cuối cùng ban tổ chức đã quyết định trao giải thưởng cho Chương trình Lương thực thế giới, cũng thuộc Liên Hợp Quốc, vì thành tích giúp gần 100 triệu người ở 88 quốc gia khác nhau.
Năm nay, WHO dường như nhận được nhiều sự ủng hộ cho giải Nobel Hòa bình hơn sau gần 2 năm dẫn dắt thế giới ứng phó với đại dịch Covid-19 và chịu trách nhiệm điều hành Covax. Tuy nhiên, Dan Smith, giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết sẽ rất ngạc nhiên nếu WHO thắng giải. Ông Smith tin, các nhóm nghiên cứu vắc xin Covid-19 cũng khó có khả năng được trao giải vì đã có giải thưởng cho lĩnh vực y học.
Tuấn Anh
>>> Đọc tin thế giới trên Vietnamnet
Giải Nobel Y Sinh 2021 vinh danh khám phá về nhiệt độ và xúc giác
Ủy ban Nobel của Viện Karolinska ở Stockholm (Thụy Điển) công bố giải Nobel Y Sinh 2021 thuộc về hai nhà khoa học David Julius và Ardem Patapoutian, cho công trình khám phá của họ về nhiệt độ và xúc giác.
Hai nhà khoa học Đức và Mỹ chia nhau giải Nobel Hóa học 2021
Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở Stockholm, Thụy Điển vừa thông báo trao giải Nobel Hóa học 2021 cho hai nhà khoa học Đức và Mỹ vì phát triển một công cụ mới về xây dựng phân tử, hữu ích cho nghiên cứu dược phẩm.