Số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ đang giảm. Ảnh: The Atlantic |
Cách đây một tháng, Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ công bố hơn 20 mẫu dự báo về đại dịch Covid-19. Hầu hết các mẫu đều dự đoán các ca nhiễm Covid-19 sẽ tiếp tục tăng cho tới hết tháng 2 hoặc ít nhất là ổn định.
Tuy nhiên, Covid-19 đang lui dần ở Mỹ. Số ca nhiễm mới hàng ngày đã sụt giảm, số ca nhập viện giảm gần 50% trong tháng qua. Điều này không phải là do xét nghiệm không thường xuyên vì tỷ lệ các xét nghiệm hàng ngày trong khu vực có kết quả dương tính giảm. Một số thống kê về đại dịch còn mù mờ nhưng sự suy giảm hiện thời số ca nhiễm Covid-19 là rất rõ ràng.
Đằng sau những thay đổi này là gì? Cách cư xử tốt của người Mỹ trong tháng qua cùng với nhiệt độ ấm lên trên khắp Bắc Bán cầu đã làm chậm tốc độ phát triển của đại dịch. Cùng lúc đó, miễn dịch một phần và vắc-xin đã làm giảm số lượng cơ thể phù hợp để virus corona sinh sôi. Tuy nhiên, theo Atlantic, câu chuyện đầy đủ còn phức tạp hơn.
Hành vi: Cuối cùng người Mỹ cũng học được cách đeo khẩu trang và cách ly xã hội
“Nếu bạn muốn có những lý giải cho sự sụt giảm các ca nhiễm Covid-19 thì hành vi là yếu tố đầu tiên”, Ali Mokdad, giáo sư về y tế toàn cầu tại Đại học Washington, ở Seattle nói.
“Nếu bạn theo dõi dữ liệu di động vào tuần lễ sau ngày Giáng sinh và lễ Tạ ơn, bạn có thể thấy các hoạt động giảm đi”.
Người Mỹ tuân thủ đeo khẩu trang. Ảnh: EPA |
Số ca nhiễm Covid-19 phải nhập viện đạt đỉnh vào tuần thứ hai của tháng 1 là một dấu hiệu khác cho thấy cách ly xã hội trong những tháng lạnh nhất của năm đã làm cong đường cong.
Có một điểm cần chú ý là, vào mùa xuân, các bang miền nam và tây nước Mỹ cho rằng đã tránh được tác động tồi tệ nhất của làn sóng lây nhiễm đầu tiên, do đó, các thống đốc từ chối ban hành các quy định đeo khẩu trang. Sau đó, số ca nhiễm lại tăng cao ở Texas, Florida và Arizona và số người đeo khẩu trang tại miền nam lại tăng. Khi các ca nhiễm giảm, mọi người là thả lỏng, số ca nhiễm lại tăng và những việc khủng khiếp lại tiếp tục.
Bài học ở đây là đừng để tin tốt của ngày hôm nay trở thành tin xấu của ngày mai. Cho tới khi phần lớn dân số được tiêm chủng, đừng coi sự sụt giảm của số ca nhiễm Covid-19 là dấu hiệu tốt để bạn tái lặp các hành vi ở thời gian trước khi đại dịch xảy ra.
Tính mùa vụ: Virus corona có lẽ giảm vào thời điểm này trong năm
Hành vi không thể lý giải cho mọi thứ. Đeo khẩu trang, cách ly xã hội và các thói quen giảm thiểu virus khác rất khác nhau giữa các bang, các quốc gia. Tuy nhiên, Covid-19 đang lui dần trên khắp Bắc Mỹ và châu Âu. Kể từ 1/1, số ca nhiễm hàng ngày giảm 70% ở Anh, 50% ở Canada và 30% ở Bồ Đào Nha.
Điều này làm dấy lên khả năng rằng SARS-CoV-2 (virus corona) gây ra đại dịch Covid-19, mang tính mùa vụ. Năm ngoái, một cuộc nghiên cứu tổng hợp về virus corona cho thấy, nó thường đạt đỉnh vào mùa đông tại Bắc Bán Cầu, với tháng cao điểm thường là tháng 1 và 2.
Cái mà chúng ta gọi là tính thời vụ dường như là sự kết hợp của các yếu tố môi trường với những thứ mà con người làm để ứng phó với chúng. Nhiều loại virus hoạt động mạnh trong điều kiện khô và lạnh, nó không hợp để phát triển ở những khu vực ngoài trời ấm hơn, nhiều ánh nắng hơn và ẩm ướt hơn.
Tuy nhiên, theo mùa không chỉ là không khí hay thời tiết, vì virus corona không phát triển trong không khí hay sống trong thời tiết. Nó phát triển và nhân lên trong cơ thể chúng ta và mọi người làm những việc khác nhau với cơ thể mình khi nhiệt độ thay đổi. Khi nhiệt độ giảm, chúng ta ở trong nhà, ngồi lì trên ghế, đóng cửa sổ và hạn chế thông gió, giúp cho virus dễ dàng truyền từ vật chủ này sang vật chủ khác.
Miễn dịch một phần
Virus corona cần các cơ thể để tồn tại và tái tạo, nhưng hiện giờ nó tiếp cận được ít vật chủ thích hợp. Theo ước tính của CDC, có 15-30% người Mỹ trưởng thành đã nhiễm Covid-19. Vì những người hồi phục sau khi nhiễm Covid-19 thường có miễn dịch kéo dài ít nhất là vài tháng nên số lượng kháng thể ở dân số Mỹ có thể tự nhiên hạn chế đường tiến của virus corona.
Miễn dịch một phần trong nhóm những người dễ nhiễm bệnh nhất có thể đã làm thu hẹp đường tiến của virus corona ban đầu.
Vắc-xin ngừa Covid-19
Số ca nhiễm Covid-19 bắt đầu giảm vào tháng 1, khi hầu như không có ai ngoài các nhân viên y tế được tiêm vắc-xin. Vì thế, vắc-xin có thể không giúp chúng ta biết được số ca nhiễm tại sao lại giảm. Tuy nhiên, nó có thể cho chúng ta biết tại sao số ca nhập viện giảm và tại sao tỷ lệ này có khả năng tiếp tục giảm.
Các vắc-xin ngừa Covid-19, đặc biệt là vắc-xin của Pfizer-BioNTech và Moderna đặc biệt hữu hiệu trong ngăn ngừa lây nhiễm. Tuy nhiên, ngăn ngừa lây nhiễm không phải là tất cả những gì vắc-xin làm được. Trong số những người nhiễm virus có triệu chứng, vắc-xin giúp làm giảm thời gian ở viện và giảm khả năng tử vong xuống con số 0.
Hoài Linh (Dịch)