Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 1/3 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 114,7 triệu người với hơn 2,5 triệu ca tử vong. Song, hơn 90,2 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục, tương đương tỉ lệ khỏi bệnh lên tới xấp xỉ 78,7%.
Một nhân viên y tế đang được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Bệnh viện Methodist ở Indianapolis, bang Indiana, Mỹ. Ảnh: Reuters |
Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với trên 29,2 triệu ca dương tính với virus corona chủng mới, trong đó 525.802 người không qua khỏi. Tuy nhiên, cuộc chiến chống đại dịch của xứ cờ hoa đang dấy lên nhiều hy vọng khi số ca mắc mới trung bình hàng ngày đã giảm 6 tuần liên tiếp và giảm tới 72% so với mức đỉnh điểm trên 100.000 trường hợp/ngày hồi giữa tháng 1.
Theo báo The Hill, diễn biến tích cực đã khiến thống đốc của nhiều bang trên khắp nước Mỹ quyết định dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế phòng chống dịch.
Tại Massachusetts, Thống đốc Cộng hòa Charlie Baker tuần trước thông báo sẽ bỏ giới hạn về số khách được phục vụ trong các nhà hàng, trong khi các nơi tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong không gian đóng kín như phòng hòa nhạc có thể mở cửa trở lại trong tuần này với 50% lượng khán giả. Các thống đốc Cộng hòa ở Iowa và Montana thậm chí đã cho bãi bỏ lệnh đeo khẩu trang bắt buộc trên toàn bang.
Tại Texas, Thống đốc Greg Abbott thông báo đang cân nhắc dỡ bỏ mọi sắc lệnh phòng chống virus trên toàn bang. Thống đốc Dân chủ Roy Cooper của bang Bắc Carolina đã cho nới lỏng một số hạn chế, cho phép các quán bar với 30% công suất phục vụ và nhà hàng với 50% công suất phục vụ hoạt động trở lại từ ngày 25/2. Tại New York, Thống đốc Dân chủ Andrew Cuomo cũng cho phép các nhà hàng tái mở cửa và đón lượng khách bằng 25% so với trước bùng dịch.
Nhà Trắng đang tránh đối đầu với các thống đốc bằng cách từ chối nêu tên cụ thể các bang nào đang dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch quá sớm. Tuy nhiên, Andy Slavitt, cố vấn cấp cao của Nhà Trắng về ứng phó với Covid-19 cảnh báo sẽ là sai lầm khi nới lỏng những hạn chế quá sớm vào thời điểm hiện tại, đặc biệt khi Mỹ đang tăng tốc các nỗ lực chủng ngừa cho người dân.
Thái Lan khởi động chiến dịch tiêm chủng
Thái Lan hôm 28/2 đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul, các bộ trưởng nội các, quan chức y tế và y, bác sĩ nằm trong số những người được tiêm phòng đầu tiên tại một viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm ở ngoại ô thủ đô Bangkok.
Theo Reuters, những liều vắc-xin đầu tiên được sử dụng đợt này là CoronaVac, sản phẩm của hãng dược Trung Quốc Sinovac Biotech. Vì CoronaVacđược khuyến nghị dùng cho người từ 18 - 59 tuổi nên Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, 66 tuổi không tiêm vắc-xin này.
Tuần trước, Thái Lan đã nhận 200.000 liều Sinovac đầu tiên từ Trung Quốc và 117.000 liều vắc-xin nhập khẩu từ hãng dược Anh AstraZeneca. Bộ Y tế nước này cho biết, vắc-xin Trung Quốc đã được chuyển tới 13 tỉnh có nguy cơ cao để bắt đầu tiêm cho các nhân viên y tế tuyến đầu vào những người tình nguyện từ 28/2.
Thái Lan sẽ tiếp nhận thêm 1,8 triệu liều CoronaVac trong tháng 3 và tháng 4. Nước này dự kiến bắt đầu chiến dịch chủng ngừa quy mô lớn với 10 triệu mũi tiêm/tháng từ tháng 6, với 61 triệu liều vắc-xin của AstraZeneca được công ty dược trong nước Siam Bioscience sản xuất.
Cho tới thời điểm hiện tại, Thái Lan ghi nhận 25.951 ca mắc với 83 trường hợp tử vong.
Thủ đô Na Uy siết phong tỏa
Raymond Johansen, Thị trưởng thủ đô Oslo của Na Uy tuyên bố, thành phố này sẽ siết chặt các biện pháp phong tỏa nhằm đối phó với tình trạng gia tăng các ca nhiễm liên quan đến một biến thể virus corona chủng mới nguy hiểm hơn.
Theo Viện Sức khỏe cộng đồng Na Uy, biến thể virus tìm thấy lần đầu tiên tại Anh bắt đầu lây lan ở Oslo vào tháng 1 và hiện chiếm tới 50 - 70% tổng số ca nhiễm. Hôm 26/2, thành phố ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao kỷ lục, lên tới 245 trường hợp.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 28/2, Thị trưởng Johansen cho biết, sự gia tăng số ca nhiễm do hoạt động đi lại tăng, virus lây lan nhanh hơn và nhà chức trách cũng tiến hành xét nghiệm kiểm dịch nhiều hơn.
Theo quy định mới, mọi nhà hàng, ngoại trừ những nơi bán đồ mang đi và các hàng quán không thiết yếu, ngoại trừ cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc và cửa hàng bán rượu, sẽ phải đóng cửa từ ngày 2/3. Mức cảnh báo "đỏ" được áp dụng ở các trường trung học phổ thông, đồng nghĩa các học sinh sẽ chuyển một phần hoạt động học tập sang trực tuyến.
Thị trưởng thủ đô cũng yêu cầu mọi người tránh tổ chức các hoạt động giải trí ngoài trời dành cho người lớn, những cuộc tụ họp riêng tư cũng như thăm viếng gia đình người khác.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
- Theo Reuters, tính đến 28/2, hơn 20 triệu người trên khắp nước Anh đã được tiêm liều vắc-xin đầu tiên ngừa virus corona chủng mới. Dữ liệu cho thấy nước này đang triển khai chương trình chủng ngừa nhanh nhất châu Âu. Chính phủ Anh quyết định sẽ phát 2 bộ xét nghiệm nhanh mỗi tuần cho tất cả gia đình có con em trong độ tuổi đến trường nhằm đảm bảo an toàn cho trường học khi mở cửa trở lại.
- Philippines hôm 28/2 đã nhận 600.000 liều vắc-xin ngừa Covid-19 có tên CoronaVac do hãng dược Sinovac của Trung Quốc sản xuất. Song, vì những tranh cãi về tính hiệu quả của chế phẩm, cơ quan quản lý dược Philippines không khuyến nghị dùng CoronaVac cho nhân viên y tế. Nhiều y, bác sĩ tại nước này vẫn tỏ ra hoài nghi và muốn chờ được tiêm loại vắc-xin khác khi chương trình chủng ngừa chính thức bắt đầu.
- Tổng thống Argentina Alberto Fernandez đã yêu cầu điều tra và công bố đầy đủ danh sách 70 người, bao gồm cả cựu lãnh đạo chính phủ Eduardo Duhalde và hàng chục cựu quan chức khác "cướp lượt" để được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trước dù không thuộc những nhóm ưu tiên. Động thái diễn ra sau khi hàng nghìn người trên khắp toàn quốc đã xuống đường biểu tình để bày tỏ sự phẫn nộ. Bộ trưởng Y tế Gines Gonzalez Garcia đã nộp đơn từ chức vì bê bối này.
- Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador dự kiến sẽ yêu cầu người đồng cấp Mỹ Joe Biden chia sẻ một phần nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19 của Mỹ với nước láng giềng nghèo hơn ở phía nam khi hai nguyên thủ tổ chức hội đàm trực tuyến ngày 1/3, theo tiết lộ của các quan chức hai nước. Chương trình chủng ngừa của Mexico đang bị đình trệ do chậm trễ trong khâu phân phối vắc-xin, dù nước này đã ký kết thỏa thuận với các nhà sản xuất quốc tế nhằm mua đủ liều tiêm phòng cho 126 triệu dân.
- Chính phủ Slovakia thông báo sẽ tăng cường các biện pháp phòng chống đại dịch kể từ ngày 2/3, bao gồm cả siết chặt lệnh hạn chế đi lại để làm chậm lại đà lây lan của virus. Nếu đến ngày 21/3 tình hình vẫn không được cải thiện, nhà chức trách sẽ chuẩn bị áp các lệnh giới hạn nghiêm ngặt hơn, kể cả đóng cửa biên giới và cho các công ty tạm ngưng hoạt động.
Tuấn Anh
Campuchia trục xuất chủ báo Trung Quốc đăng tin giả về vắc-xin Covid-19
Bộ Nội vụ Campuchia quyết định trục xuất một người Trung Quốc là chủ báo điện tử Angkor Today, vì đăng thông tin bịa đặt việc Phnom Penh bán cho dân các vắc-xin ngừa Covid-19 được Bắc Kinh tặng.
Thế giới hơn 89,5 triệu người khỏi Covid-19, Mỹ đề xuất vắc-xin tiêm một liều
Đại dịch Covid-19 có nhiều dấu hiệu tiến triển tích cực khi số ca nhiễm mới giảm dần và số bệnh nhân hồi phục tăng lên ở nhiều nơi trên thế giới.
Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Link tải Bluezone trên Android
Link tải Bluezone trên iOS
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.