Phát biểu trong chương trình tọa đàm với kênh NHK hôm 12/9, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Yasutoshi Nishimura, người chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng chống dịch ở đất nước mặt trời mọc cho hay, khoảng 60% dân số toàn quốc dự kiến sẽ được tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid-19 vào cuối tháng 9, tương đương mức hiện tại ở châu Âu.
Nhật đang xem xét bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế chống Covid-19 từ tháng 11 năm nay. Ảnh: Japan Times |
Theo ông Nishimura, chính phủ đang nghiên cứu lộ trình nới lỏng các biện pháp hạn chế vào khoảng tháng 11, khi phần lớn người dân dự kiến hoàn thành tiêm chủng. Khi đó, những người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc có xét nghiệm âm tính sẽ được phép đi du lịch, tụ tập tiệc tùng hoặc tham dự các sự kiện đại chúng.
Nhật bắt đầu xúc tiến chiến dịch chủng ngừa quốc gia hồi giữa tháng 2, chậm hơn vài tháng so với các nước giàu có khác vì các quy định thử nghiệm lâm sàng và thủ tục phê duyệt vắc xin kéo dài. Những nỗ lực tiêm chủng đại trà từng bị chậm lại do thiếu nguồn cung vắc xin cho tới tận cuối tháng 5 và kể từ đó đã tăng tốc đến 1 triệu mũi tiêm/ngày.
Những tiến triển về tiêm chủng đã giúp giảm số ca bệnh nặng và tử vong ở người lớn tuổi ở Nhật. Song, số ca mắc mới tăng vọt hồi tháng 8 vì các biến thể, ở những người trẻ tuổi hơn chưa được chủng ngừa đã gây căng thẳng nghiêm trọng cho hệ thống y tế quốc gia.
Nhà chức trách ngày 10/9 đã kéo dài tình trạng khẩn cấp đang áp dụng ở thủ đô Tokyo và 18 khu vực khác đến ngày 30/9. Các biện pháp tập trung vào việc yêu cầu các quán ăn đóng cửa sớm và không phục vụ rượu bia.
Cho đến nay, Nhật ghi nhận hơn 1,6 triệu ca mắc, trong đó 16.742 trường hợp tử vong.
Malaysia lập kỷ lục về số ca tử vong
Giới chức y tế Malaysia thông báo, nước này hôm 12/9 ghi nhận thêm 592 ca bệnh thiệt mạng vì Covid-19, mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ đầu dịch, nâng tổng số trường hợp tử vong trên toàn quốc lên 20.711. Trong 24 giờ qua, nước này cũng có thêm 19.550 ca mắc mới, khiến tổng số ca bệnh trên toàn quốc xấp xỉ 2 triệu.
Theo báo The Star, để đối phó với diễn biến dịch phức tạp, Bộ giáo dục Malaysia đã quyết định cho các trường học mở cửa trở lại theo tiêu chí đánh giá của Kế hoạch Phục hồi Quốc gia (NRP) gồm 4 giai đoạn. Cụ thể, những trường tại các bang đang trong giai đoạn 1 sẽ tiếp tục phải ngưng hoạt động. Các trường ở những bang giai đoạn 2 có thể tái mở cửa, nhưng chỉ với 50% công suất.
Các trường ở những bang giai đoạn 3 và 4 sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 3/10, nhưng với hình thức luân phiên theo tuần với cấp tiểu học và trung học. Nhà chức trách dự kiến sẽ chia các lớp thành hai nhóm gồm 50% đến trường và 50% học trực tuyến, luân phiên nhau.
Báo New York Times thống kê, 66% dân số Malaysia đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin ngừa virus SARS-CoV-2 và 53% đã hoàn thành tiêm chủng.
Mỹ công bố các biện pháp chống dịch mới trước họp LHQ
Tổng Y sĩ Mỹ Vivek Murthy hôm 12/9 cho biết, Tổng thống Joe Biden sẽ công bố các bước đi mới nhằm làm chậm lại sự lây lan của Covid-19 trước khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc dự kiến nhóm họp vào ngày 14/9.
Ông Murthy không nói rõ các bước đi mới là gì. Song, phát biểu trên đài CNN, quan chức y tế này đã lên tiếng bảo vệ những nỗ lực của Tổng thống Biden trong việc mở rộng tiêm chủng ở Mỹ. "Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện thêm nhiều biện pháp nữa, đặc biệt trên mặt trận toàn cầu”, ông Murthy nói.
Ông Biden hôm 9/9 thông báo sẽ yêu cầu các nhân viên liên bang phải tiêm chủng, đồng thời bắt buộc các công ty có hơn 100 nhân viên phải đảm bảo mọi nhân sự tiêm vắc xin hoặc thường xuyên xét nghiệm kiểm dịch. Lãnh đạo Nhà Trắng thông báo, Mỹ đã viện trợ 140 triệu liều vắc xin cho các nước khác, "đi đầu toàn cầu và đó chỉ là khởi điểm".
Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch trên thế giới với gần 41,9 triệu ca mắc, 677.985 bệnh nhân không qua khỏi. 54% dân số ở xứ sở cờ hoa đã hoàn thành tiêm chủng.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
- Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 13/9 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 221 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 225,4 triệu người, trên 4,6 triệu ca tử vong. Song, gần 202 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.
- Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid hôm 12/9 xác nhận, chính phủ nước này đã quyết định hủy bỏ kế hoạch bắt buộc người dân phải có hộ chiếu vắc xin Covid-19 khi tham gia các sự kiện lớn hoặc đến các câu lạc bộ đêm. Trong tuần này, Thủ tướng Boris Johnson dự kiến sẽ công bố chiến lược kiểm soát dịch trong các tháng thu - đông sắp tới, kể cả việc dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế nhờ chiến dịch tiêm chủng đại trà.
- Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi người dân hưởng ứng tuần lễ thúc đẩy tiêm phòng Covid-19 quy mô lớn. Theo đó, từ ngày 13/9, người dân có thể đến tiêm vắc xin miễn phí mà không cần đặt lịch hẹn trước tại các điểm giao thông công cộng, các địa điểm chơi thể thao hoặc các cơ sở tôn giáo.
- Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo đã ký thỏa thuận mua lại 500.000 liều vắc xin Pfizer/BioNTech từ Đan Mạch, nước mới đây tuyên bố đã khống chế dịch thành công. Số vắc xin này dự kiến sẽ được chuyển tới New Zealand trong những ngày tới nhằm duy trì tốc độ chủng ngừa đại trà cho công dân từ 12 tuổi trở lên.
- Chính quyền thành phố Phủ Điền thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc ngày 12/9 đã quyết định đóng cửa các địa điểm đông người, dừng dịch vụ xe buýt và tàu hỏa, đồng thời yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài sau khi phát hiện 19 ca mắc mới trong cộng đồng. Kết quả giải trình tự gien cho thấy, tất cả những ca bệnh này đều mắc biến thể Delta. Kể từ đầu dịch tới nay, Trung Quốc mới ghi nhận tổng cộng 95.199 ca mắc, bao gồm 4.636 bệnh nhân không qua khỏi.
Tuấn Anh
>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất
Bangkok mở cửa đón khách quốc tế, Mỹ tính tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 5 tuổi
Thái Lan đã lên kế hoạch tái mở cửa thủ đô Bangkok từ tháng 10 với các du khách quốc tế đã hoàn thành tiêm phòng Covid-19, một động thái nhằm hồi sinh ngành du lịch bị đại dịch tàn phá.
Dân châu Á rộ mốt du lịch tới đảo Mỹ để tiêm vắc xin Covid-19
Hàng nghìn du khách châu Á đã đến đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương kể từ đầu hè năm nay để được tiêm vắc xin ngừa Covid-19.