Theo hãng thông tấn Sputnik, phát biểu trong một cuộc họp hôm 29/3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết năng lực chiến đấu của các lực lượng vũ trang Ukraine đã suy giảm đáng kể và từ nay, quân đội Nga có thể tập trung vào mục tiêu chính "giải phóng Donbass".

Cũng theo ông Shoigu, Nga đã thành công trong việc chống lại "các  lính đánh thuê nước ngoài" tham chiến ở Ukraine trong tháng qua. Cụ thể, khoảng 600 lính đánh thuê nước ngoài đã thiệt mạng và 500 người khác quyết định tự nguyện rời Ukraine.

{keywords}
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong cuộc họp hôm 29/3

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga cũng lên án quyết định cung cấp vũ khí sát thương của phương Tây cho Ukraine, đồng thời gọi Kiev là "vô lương tâm, thiếu suy nghĩ" khi chuyển giao những vũ khí đó cho người dân địa phương và 'lính đánh thuê'. Điều này có thể tạo ra mối đe dọa cho chính người dân châu Âu trong tương lai.

Bộ trưởng Shoigu khẳng định, Nga sẽ đáp trả "tương xứng" nếu các nước phương Tây cấp máy bay phản lực và hệ thống phòng không cho Ukraine, nhưng không nói rõ Nga sẽ hành động như thế nào.

Ukraine muốn trưng cầu dân ý về quy chế trung lập

Phát biểu sau khi kết thúc cuộc đàm phán với Nga hôm 29/3, ông Mykhaylo Podoliak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về thỏa thuận quy chế trung lập để đổi lấy bảo đảm an ninh cho Ukraine.

"Sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý, mọi công dân Ukraine có thể bày tỏ lập trường của họ về thỏa thuận này,  và về cách nó được thực thi", ông Podoliak tuyên bố.

Vị quan chức cũng cho biết chính phủ Kiev cần có sự ủng hộ của người dân mới có thể cam kết quy chế trung lập, và thỏa thuận sẽ chỉ được Quốc hội Ukraine thông qua sau khi đã được đa số người dân nước này chấp nhận.

{keywords}
Ông Mykhaylo Podoliak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Zelensky. Ảnh: Reuters

Theo đề xuất được đoàn đàm phán Ukraine công bố ngày 29/3, Kiev có thể chấp nhận quy chế trung lập, tức không gia nhập liên minh quân sự và không cho phép nước ngoài đóng quân trên lãnh thổ Ukraine. Đổi lại, Ukraine muốn có sự bảo đảm an ninh từ các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cùng Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Italia, Canada, Ba Lan và Israel.

Theo giới chức Ukraine, nguyên tắc bảo đảm an ninh sẽ tương tự quy chế tự vệ tập thể theo Điều 5 của Hiến chương NATO, "thậm chí với cơ chế kích hoạt nghiêm ngặt hơn".

Ukraine bị nghi pháo kích căn cứ ở Nga

Hãng thông tấn TASS, dẫn một nguồn tin thân cận, cho biết một quả đạn pháo được cho là bắn từ phía Ukraine đã rơi trúng một căn cứ quân sự tạm thời của Nga vào tối 29/3.

Tin tức trên được đưa ra ngay sau khi một quan chức địa phương cấp cao báo cáo về một loạt vụ nổ bên ngoài thành phố Belgorod miền tây nước Nga, sát biên giới với Ukraine.

Video: Twitter

Một số Video được người dân địa phương chia sẻ trực tuyến cho thấy cảnh căn cứ nổ tung có thể được nhìn thấy từ phía xa. Một nguồn tin của Belgorod cho hay 4 người đã bị thương sau vụ nổ.

Trước đó, Thống đốc Vyacheslav Gladkov của vùng Belgorod từng viết trên mạng xã hội rằng, nhiều vụ nổ đã xảy ra gần làng Krasny Oktyabr, cách Belgorod khoảng 30km về phía tây nam. Nguyên nhân của chúng hiện chưa được làm rõ.

Phía Ukraine chưa đưa ra phản hồi trước thông tin này.

Mỹ nghi ngờ động thái rút quân của Nga

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Nga đã bắt đầu di chuyển một số lượng nhỏ quân đội khỏi các vị trí xung quanh thủ đô Kiev ở Ukraine. Cơ quan này cũng cho rằng đây là hoạt động tái phân bổ quân số của Nga hơn là rút lui khỏi cuộc chiến.

“Có phải đã có một số đơn vị Nga di chuyển khỏi Kiev trong ngày vừa qua không? Vâng, chúng tôi có nghĩ vậy”, Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết trong một cuộc họp báo hôm 29/3.

“Nhưng chúng tôi tin rằng, đây chỉ là một cuộc tái phân bổ quân số chứ không phải một cuộc rút lui thực sự”, ông Kirby nói. "Tất cả chúng ta nên chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc tấn công lớn nhằm vào các khu vực khác của Ukraine. Điều đó không có nghĩa là mối đe dọa đối với Kiev đã kết thúc”.

Mỹ, EU sẽ ‘họp cấp cao’ về Nga tại Washington D.C.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 29/3 đã xác nhận, các nhà ngoại giao của nước này và Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức một "cuộc đối thoại cấp cao về Nga" tại Washington D.C. trong hôm nay (30/3).

"Phiên họp sẽ tập trung vào các mục tiêu chiến lược của Mỹ và EU, cùng với việc phối hợp chính sách giữa các bên nhằm mục đích chấm dứt xung đột ở Ukraine", một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói với trang tin Al Jazeera.

Các cuộc đàm phán diễn ra 1 tuần sau khi Tổng thống Joe Biden tổ chức họp với các quan chức hàng đầu của châu Âu tại Bỉ và Ba Lan. Victoria Nuland, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị, sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ trong cuộc họp sắp tới, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao nước này.

Việt Anh

Quy chế trung lập 'kiểu Ukraine' sẽ như thế nào?

Quy chế trung lập 'kiểu Ukraine' sẽ như thế nào?

Việc cân nhắc quy chế trung lập cho Ukraine đang được xem như một trong những giải pháp nhằm sớm chấm dứt xung đột với Nga.

Nga hứa xuống thang chiến dịch, Ukraine đề xuất trạng thái 'trung lập'

Nga hứa xuống thang chiến dịch, Ukraine đề xuất trạng thái 'trung lập'

Vòng đàm phán Nga-Ukraine tại Istanbul đã kết thúc với việc phía Kiev đề xuất trạng thái trung lập, trong khi Moscow cam kết sẽ giảm quy mô các hoạt động quân sự ở phía bắc Ukraine.