Theo hãng thông tấn Sputnik, thông tin này được ông Alexander Gintsburg, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia về Dịch tễ học và Vi sinh vật Gamaleya, cho biết hôm 19/12.
“Tôi cho rằng việc thử nghiệm lâm sàng (thuốc điều trị mới) sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm 2022”, ông Gintsburf chia sẻ với kênh truyền hình Rossiya 1 của Nga, “Đây là hợp chất phân tử có đặc tính ức chế khả năng nhân bản của virus trong cơ thể người bệnh, kể cả những người đang trong giai đoạn bệnh nặng. Rõ ràng loại thuốc này rất cần thiết, đặc biệt đối với những bệnh nhân chưa tiêm vắc xin”.
Chuyên gia y tế này cũng tiết lộ, loại thuốc trị Covid-19 thứ ba của Nga, có tên gọi Ftortiazinon, có khả năng ngăn ngừa biến chứng nặng do nhiễm khuẩn của bệnh nhân Covid-19. Hiện loại thuốc này đang được thử nghiệm giai đoạn hai.
Ảnh minh họa: Sputnik |
Liên quan đến vắc xin Covid-19 Sputnik V, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cùng ngày 19/12 đã bày tỏ tin tưởng rằng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ sớm cấp phép cho loại vắc xin này trong vài tháng tới, và Nga sẽ cố thúc đẩy châu Âu làm điều tương tự.
Ông Peskov nhấn mạnh, việc vắc xin Sputnik V chưa được cấp phép là do những khác biệt về yêu cầu thủ tục giấy tờ, dẫn đến khó khăn trong việc nộp các số liệu cần thiết cho việc cấp phép. Ông khẳng định sẽ phải mất một thời gian để các bên dung hòa được những yêu cầu này.
Iran ghi nhận ca nhiễm Omicron đầu tiên
Bộ Y tế Iran hôm 19/12 đã xác nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên.
Phát biểu trên truyền hình nhà nước, một quan chức Bộ Y tế Iran cho biết bệnh nhân nhiễm biến thể mới của virus corona là một người đàn ông trung niên, mới từ UAE về nước. Ngoài ra, hai trường hợp khác thuộc diện nghi ngờ cũng đang được theo dõi thêm.
Với việc phát hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên trong nước, giới chức y tế Iran cũng đưa ra cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu các quy trình y tế không được tuân thủ. Ủy ban khoa học của lực lượng đặc trách phòng chống Covid-19 của quốc gia này đã kêu gọi các địa điểm tụ tập trong không gian kín như trường học, sân khấu ca nhạc và nhà hàng phải đóng cửa trong ít nhất 4 tuần để ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của biến thể mới.
Cũng trong ngày 19/12, Bộ Y tế Iran đã công bố thêm 1.968 ca nhiễm và 50 trường hợp tử vong do Covid-19. Tổng cộng, quốc gia Trung Đông này đã ghi nhận hơn 6,1 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 131.000 ca tử vong. 60% trong tổng dân số hơn 85 triệu người ở Iran đã được tiêm đủ liều vắc xin Covid-19.
Anh để ngỏ khả năng áp đặt hạn chế phòng dịch mới trước Giáng sinh
Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid ngày 19/12 cho biết, nước này sẽ không loại trừ khả năng áp đặt thêm các hạn chế để phòng chống dịch Covid-19 trước lễ Giáng sinh, trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan rất nhanh.
Phát biểu trên kênh truyền hình BBC, Bộ trưởng Javid cho hay chính phủ Anh đang nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, theo dõi số liệu gần như hàng giờ và sẽ cân đối giữa lợi ích phòng dịch với tác động đến xã hội, kinh doanh và giáo dục của việc áp đặt các hạn chế.
Theo ông Javid, thế giới dù còn biết rất ít về biến thể Omicron, nhưng nếu đợi đến khi các số liệu trở nên rõ ràng hơn rồi mới hành động thì có lẽ đã quá muộn. “Nếu chính phủ thấy cần phải hành động, chúng tôi sẽ trình ngay lên Quốc hội để họ ra quyết định”, Bộ trưởng Y tế Anh khẳng định.
Vương quốc Anh trong hôm 19/12 đã ghi nhận 82.886 ca nhiễm Covid-19 mới trong 24 giờ qua, giảm nhẹ so với mức 90.418 ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận trước đó một ngày. Dù vậy, tỷ lệ ca nhiễm trong 7 ngày qua của nước này đã tăng tới 51,9% so với tuần trước.
Trong khi đó, đã có 12.133 ca nhiễm biến thể Omicron được ghi nhận tại Anh trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm Omicron được xác nhận trong nước là 37.101.
Australia tuyên bố ‘không cần học theo Hà Lan’
Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt hôm 19/12 cho biết, ông tin tưởng đất nước của mình sẽ không cần học theo Hà Lan để tái áp đặt các lệnh cấm nghiêm ngặt trong thời điểm Giáng sinh và đầu năm mới để hạn chế sự lây lan của biến thể Omicron.
"Chúng ta đang bước vào mùa hè, chúng ta có một trong những tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trên thế giới và có hoàn cảnh rất khác. Vì vậy, chúng tôi không thấy (viễn cảnh tại Hà Lan) là một tình huống có thể xảy ra ở Australia", vị bộ trưởng nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo trên truyền hình.
Theo ông Hunt, số ca nhiễm và tử vong bởi Covid-19 ở Hà Lan đang cao hơn rất nhiều so với Australia một phần vì ở châu Âu lúc này đang là mùa đông, thời điểm số ca nhiễm có xu hướng tăng mạnh.
"Chúng ta đã chuẩn bị kỹ lưỡng, và mọi người đang tiếp tục tạo nên một thành quả đáng kinh ngạc", Bộ trưởng Y tế Australia nói thêm, đề cập đến việc hơn 90% người dân trên 16 tuổi trong nước đã được tiêm chủng đầy đủ.
Australia trong hôm 19/12 ghi nhận 2.566 ca nhiễm Covid-19 mới ở New South Wales – bang đông dân nhất cả nước, trong khi số ca nhiễm mới trong cùng ngày ở bang Victoria là 1.240 còn ở bang Tasmania là 3. Giới chức y tế Australia cho biết vẫn chưa có sự phân chia rõ ràng giữa các trường hợp nhiễm biến thể Omicron và Delta trong số các ca nhiễm mới.
Quốc gia châu Đại Dương hiện ghi nhận tổng cộng khoảng 247.000 ca nhiễm và 2.142 ca tử vong bởi virus corona.
>>> Cập nhật tình hình dịch Covid-19 mới nhất
Việt Anh
Châu Âu, Mỹ đứng trước 'hố đen' biến thể Omicron
Các quốc gia châu Âu đang đứng trước nguy cơ lớn khi biến thể Omicron lây lan mạnh, buộc nhiều nước phải áp đặt các biện pháp hạn chế trở lại.
Omicron nhân đôi ca nhiễm trong vài ngày, châu Âu tái áp hạn chế
Theo thông cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể Omicron có thời gian nhân đôi ca nhiễm chỉ từ 1,5 - 3 ngày.