Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cuối ngày 30/11 (giờ địa phương) tuyên bố, những người nhập cảnh sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm Covid-19 được thực hiện trong vòng một ngày kể từ thời điểm khởi hành.
Các hành khách xếp hàng chờ làm thủ tục tại sân bay quốc tế Newark Liberty ở New Jersey, Mỹ. Ảnh: Reuters |
Theo quy định hiện hành, các du khách quốc tế đã tiêm phòng có thể xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày kể từ thời điểm khởi hành. Quy định mới sẽ được áp dụng như nhau đối với cả công dân Mỹ và công dân nước ngoài nhập cảnh vào xứ sở cờ hoa.
Reuters cho hay, nhà chức trách Mỹ cũng đang cân nhắc liệu có nên yêu cầu hành khách đi máy bay thực hiện một xét nghiệm khác trong vòng 3 - 5 ngày sau khi nhập cảnh hay không. Dù CDC chưa xác nhận yêu cầu trên, nhưng cơ quan này tiếp tục khuyến nghị "mọi du khách cần phải làm xét nghiệm Covid-19 trong khoảng 3 - 5 ngày sau khi đến" và "cách ly sau nhập cảnh đối bất kỳ du khách nào chưa tiêm".
CDC đã liệt kê khoảng 80 điểm đến ở nước ngoài vào "mức 4", mức đánh giá nguy cơ lây nhiễm virus cao nhất và khuyến cáo công dân Mỹ không nên đến.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ chính thức công bố các quy định siết chặt hoạt động đi lại xuyên biên giới trong ngày 1/12, nhằm tăng cường cuộc chiến chống đại dịch vào mùa đông.
Cho đến nay, Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với hơn 49 triệu ca mắc, gần 800.000 bệnh nhân tử vong. 59% dân số toàn quốc đã hoàn thành tiêm chủng và 12% được tiêm mũi vắc xin tăng cường.
Hà Lan cảnh báo về các biến thể phụ của Omicron
Giới chức y tế Hà Lan ngày 30/11 cho biết đã phát hiện các ca mắc Omicron ở nước này từ cách đây 11 ngày, trước cả khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông tin về biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Theo AP, Viện Y tế và môi trường quốc gia Hà Lan (RIVM) đã tìm thấy dấu vết của Omicron trong 2 mẫu bệnh phẩm được thu thập trong hai ngày 19/11 và ngày 23/11. Trong khi, WHO thông báo, Nam Phi phát cảnh báo về biến thể có tên ban đầu B.1.1.529 vào ngày 24/11.
RIVM hiện chưa rõ những ca mắc Omicron nói trên có đến miền nam châu Phi trước đó hay không. Nhà chức trách đang tích cực truy vết và tiến thành thêm nghiên cứu để đánh giá quy mô lây nhiễm biến thể mới tại Hà Lan.
"Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã xác định một số biến thể phụ khác nhau của Omicron. Điều này có nghĩa, mọi người rất có thể đã mắc chúng một cách riêng rẽ, từ các nguồn khác nhau và ở các địa điểm khác nhau", RIVM lưu ý thêm.
Cho đến nay, hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, như Nam Phi, Botswana, Hong Kong (Trung Quốc), Israel, Đức, Bỉ, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan, Áo, Italia, Canada, Brazil, Nigeria... đã ghi nhận ca mắc Omicron.
Phát hiện mới từ Hà Lan càng làm phức tạp thêm các câu hỏi về nguồn gốc cũng như thời điểm xuất hiện biến thể. Dù giới khoa học chưa tìm ra câu trả lời chính xác, nhưng do tâm lý lo ngại, ít nhất 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ, đã áp đặt các hạn chế đi lại đối với một số nước ở miền nam châu Phi.
Nigeria phát hiện ca mắc Omicron từ tháng 10
Sputnik trích dẫn thông báo của Bộ Y tế Nigeria ngày 1/2 cho hay, khi tiến hành giải trình tự gien của các trường hợp nhập cảnh và bị phát hiện mắc Covid-19 hồi tháng 10, các nhà nghiên cứu nước này đã phát hiện dấu vết của Omicron ở một số mẫu.
Tuần trước, Nigeria ghi nhận các ca mắc biến thể mới đầu tiên là hai hành khách đến từ Nam Phi.
WHO khuyên người chưa hoàn thành tiêm chủng hạn chế đi lại
WHO cho biết, tất cả những người chưa tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid-19 rất dễ mắc virus. Vì vậy, cơ quan Liên Hợp Quốc khuyến nghị những đối tượng này nên hoãn đi lại tới những khu vực đang có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
WHO cảnh báo rủi ro toàn cầu từ Omicron “rất lớn”, vì các nghiên cứu sơ bộ cho thấy biến thể này có số lượng đột biến cao bất thường. Tuy nhiên, cơ quan này không đồng tình với việc đóng cửa biên giới và cấm nhập cảnh của nhiều nước hiện nay vì lo ngại những biện pháp đó gia tăng gánh nặng đến cuộc sống và sinh kế của người dân.
WHO kêu gọi các nước nên đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng và chia sẻ vắc xin với những nơi còn bị hạn chế tiếp cận nguồn cung.
Hàn Quốc ghi nhận ca mắc cao kỷ lục
Hàn Quốc ngày 1/12 ghi nhận thêm 5.123 ca mắc Covid-19 trong vòng 24 giờ, mức cao kỷ lục kể từ đầu dịch và đánh dấu lần đầu tiên số ca mắc trong một ngày vượt mốc 5.000. Cùng ngày, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), số ca bệnh nặng cũng đạt mức cao chưa từng thấy, lên tới 723 ca, giữa lúc gia tăng lo ngại về sự lan rộng của biến thể Omicron trên toàn cầu.
Thêm 34 trường hợp tử vong trong 24 giờ đã nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi trên toàn quốc lên 3.658 người. Tính đến hiện tại, xứ sở kim chi ghi nhận tổng cộng 440.896 ca mắc. 79% dân số nước này đã tiêm đủ liều vắc xin và 5,9% đã tiêm mũi nhắc lại.
Nhà chức trách địa phương ngày 30/11 đã phát hiện một ca nghi nhiễm biến thể Omicron và đang kiểm tra thêm để xác thực. Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng ngày ở Seoul, Bộ trưởng Nội vụ Jeon Hae-cheol nói rằng Chính phủ Hàn Quốc đang cân nhắc triển khai các biện pháp bổ sung sau khi quyết định tạm ngưng nới lỏng thêm quy định giãn cách xã hội.
Tuấn Anh
Biến thể virus corona khiến WHO họp khẩn nguy hiểm thế nào?
Một số chuyên gia lo ngại biến thể virus corona chủng mới vừa được phát hiện có thể "nguy hiểm nhất" từ trước đến nay. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự kiến họp khẩn về biến thể này hôm nay, 26/11.
Thủ phạm cản trở cuộc chiến chống biến thể Omicron toàn cầu
Gần 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, sự đổ lỗi, tình trạng thiếu phối hợp hành động, thiếu thông tin và sự hoảng sợ tái diễn đang gây hại cuộc chiến chống biến thể Omicron của thế giới.