Trung Quốc, nước có tranh chấp chủ quyền trên biển với Nhật Bản ở biển Hoa Đông và với một số quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông, tháng trước đã thông qua luật mới, lần đầu tiên cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng bắn các tàu nước ngoài.
Tàu hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, tại một buổi họp báo thường kỳ hôm 19/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố, Washington “quan ngại về ngôn ngữ trong luật mới, vốn gắn một cách rõ ràng khả năng sử dụng vũ lực, kể cả sức mạnh vũ trang của lực lượng hải cảnh Trung Quốc với việc thực thi các yêu sách của Trung Quốc cũng như các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải đang diễn ra ở biển Hoa Đông và Biển Đông".
Ông Price cho hay, ngôn ngữ diễn đạt "ngụ ý mạnh mẽ rằng luật này có thể được sử dụng để đe dọa các nước láng giềng trên biển (của Trung Quốc)".
"Chúng tôi còn lo ngại rằng Trung Quốc có thể viện dẫn luật mới này để khẳng định các yêu sách hàng hải phi pháp của họ ở Biển Đông, vốn đã bị phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 bác bỏ triệt để", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ, ám chỉ đến một phán quyết quốc tế ủng hộ Philippines trong tranh chấp với đại lục.
Ông Price nói thêm, Washington tái khẳng định một tuyên bố hồi tháng 7 năm ngoái, trong đó Ngoại trưởng Mỹ khi đó Mike Pompeo tuyên bố các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với những nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu khắp Biển Đông là "hoàn toàn trái pháp luật". Quan chức này nhấn mạnh, Mỹ "giữ vững lập trường" trong các cam kết liên minh với cả Nhật Bản và Philippines.
Mỹ hiện có các hiệp ước phòng thủ chung với cả hai nước nói trên và thường xuyên tuần tra hải quân trong khu vực nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc.
Hồi tháng 1, Philippines thông báo đã gửi công hàm ngoại giao phản đối luật hải cảnh mới của Trung Quốc, mô tả đó là "đe dọa chiến tranh".
Tuấn Anh
Pháp xúc tiến chiến dịch hàng hải qua Biển Đông
Các chiến hạm của Hải quân Pháp đã rời căn cứ quê hương để bắt đầu sứ mệnh hàng hải Jeanne d’Arc 2021 ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả việc di chuyển qua Biển Đông.
'Bộ tứ' cực lực phản đối Trung Quốc thay đổi hiện trạng ở Biển Đông
Đại diện nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ xác nhận cực lực phản đối các nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.