Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 6/2 (theo giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lây nhiễm cho gần 105,9 triệu người, trong đó hơn 2,3 triệu ca tử vong. Song, gần 71,7 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã được chữa khỏi.
Các nhân viên y tế đang di chuyển một bệnh nhân Covid-19 ở Mỹ. Ảnh: Reuters |
Mỹ phê duyệt gói cứu trợ 1.900 tỷ USD
Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19 trên thế giới với xấp xỉ 27,4 triệu ca mắc, trong đó 470.240 trường hợp đã tử vong. Tuy nhiên, làn sóng lây nhiễm virus ở nước này bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt khi số ca mắc mới trong 7 ngày qua có xu hướng giảm trên toàn quốc, dù vẫn trên 100.000 người/ngày.
Báo New York Times thống kê, số ca nhiễm trung bình hàng ngày ở xứ sở cờ hoa đạt đỉnh hôm 8/1 với gần 260.000 ca. Song, đến ngày 3/2, con số này đã giảm gần một nửa xuống còn 136.422 ca nhiễm.
Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 108.582 trường hợp dương tính với virus và 3.107 bệnh nhân thiệt mạng. Tuy nhiên, cuộc chiến chống dịch của nước này có thêm niềm hy vọng khi cả Thượng viện và Hạ viện đều chính thức phê duyệt dự luật ngân sách mới, mở đường cho chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden triển khai gói cứu trợ lớn nhất lịch sử, trị giá 1.900 tỷ USD.
Phát biểu trước quốc gia ngày 5/2, Tổng thống Biden nhấn mạnh, ông sẽ nhanh chóng thúc đẩy các nỗ lực nhằm chống lại sự suy thoái của nền kinh tế vì ảnh hưởng của dịch bệnh mà không cần sự ủng hộ của phe Cộng hòa khi cần thiết, do đảng đối lập "không sẵn sàng tiến xa" đến mức ông mong muốn.
Lãnh đạo Nhà Trắng cũng thông báo kế hoạch phân bổ trực tiếp 160 tỷ USD để tăng cường việc sản xuất, phân phối và thiết lập các cơ sở tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 trên toàn quốc. Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định cử 1.000 binh sĩ hỗ trợ chiến dịch chủng ngừa đại trà cho người dân.
Bỉ kéo dài phong tỏa
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo thông báo, nước này sẽ kéo dài các biện pháp phong tỏa nhằm dập dịch cho đến tận ngày 1/4. Song, một số lệnh giới hạn sẽ được nới lỏng kể từ ngày 13/2.
Theo quy định mới, các tiệm làm tóc sẽ được phép tái mở cửa vào ngày 13/2 trong các điều kiện nghiêm ngặt. Các nghề khác không liên quan đến y tế như làm đẹp hay xăm cơ thể có thể hoạt động trở lại từ ngày 1/3. Song, các quán bar, nhà hàng cũng như các cơ sở công cộng khác sẽ tiếp tục đóng cửa như sắc lệnh có hiệu lực từ tháng 10 năm ngoái.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 5/2, Thủ tướng De Croo cho hay, nhờ người dân tuân thủ nghiêm các chỉ dẫn của nhà chức trách, tình hình Covid-19 ở Bỉ đã tương đối ổn định kể từ đầu tháng 12 năm ngoái với số bệnh nhân phải nhập viện cũng như số ca tử vong giảm dù tỷ lệ lây nhiễm vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ Bỉ lưu ý, người dân nước này vẫn phải "đặc biệt cẩn trọng" khi các biện pháp phòng chống dịch được nới lỏng.
Bỉ hiện ghi nhận gần 719.000 ca mắc với 21.260 bệnh nhân đã tử vong.
Hy Lạp siết chặt các biện pháp hạn chế
Hy Lạp sẽ siết chặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn đà lây lan của virus corona chủng mới ở một số khu vực, bao gồm cả thủ đô Athens và thành phố lớn thứ hai của đất nước Thessaloniki, theo lời Thứ trưởng Bộ Bảo vệ Dân sự Nikos Hardalias.
CNN dẫn lời ông Hardalias cho hay, quyết định được ban hành sau khi các vùng kể trên chứng kiến sự gia tăng số ca mắc hàng ngày. Các biện pháp mới, bao gồm cả việc giới nghiêm chặt chẽ vào cuối tuần, đóng cửa các trường trung học và cho học sinh trở lại học trực tuyến, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/2 và kéo dài đến ngày 15/2.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
- Cơ quan Quản lý An ninh giao thông vận tải Mỹ (TSA) đã đề nghị tăng mức phạt từ 250 - 1.500 USD đối với các hành vi vi phạm nhiều lần yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng do chính phủ liên bang ban hành gần đây. Ngoài xử phạt do TSA khuyến nghị, các nhà quản lý giao thông công cộng cũng có thể áp dụng hình phạt riêng đối với những hành vi trên.
- Theo quy định mới của Chính phủ Anh, từ ngày 15/2, những người đến từ 33 nước bị London xếp vào danh sách có nguy cơ mắc Covid-19 cao sẽ phải cách ly bắt buộc 10 ngày tại khách sạn sau khi nhập cảnh vào xứ sở sương mù. Người bị cách ly sẽ phải chi trả toàn bộ chi phí ước tính khoảng 1.500 bảng Anh (2.060 USD) cho quá trình này.
- Viết trên trang Facebook cá nhân, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen tiết lộ nước này sẽ triển khai tiêm chủng vắc-xin ngừa virus corona chủng mới từ ngày 10/2 sau khi tiếp nhận lô hàng đầu tiên của hãng dược Trung Quốc Sinopharm vào cuối tuần này. Buổi tiêm chủng đầu tiên tại bệnh viện Calmette sẽ được phát trực tiếp trên truyền hình và các nền tảng truyền thông xã hội.
- Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức ngày 5/2 cảnh báo nước này vẫn chưa thể sớm kiểm soát được đại dịch do sự xuất hiện của những biến thể virus mới nguy hiểm hơn. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh Đức đang có những tranh luận về khả năng nới lỏng các biện pháp hạn chế từ giữa tháng này khi số ca nhiễm mới đang có chiều hướng giảm dần.
Tuấn Anh
Australia phong tỏa thành phố, nhiều nước đóng biên chống biến thể Covid-19
Làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới bùng phát cùng với sự xuất hiện của các biến thể virus lây lan nhanh hơn buộc nhiều nước phải khóa chặt biên giới cũng như cho triển khai những biện pháp mạnh tay dập dịch.
Thượng viện Mỹ phê duyệt ngân sách cứu trợ Covid-19 'khủng' của ông Biden
Thượng viện Mỹ vừa thông qua nghị quyết ngân sách, cho phép phe Dân chủ thúc đẩy Quốc hội phê chuẩn gói cứu trợ Covid-19 trị giá tới 1.900 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất mà không cần sự ủng hộ của phe Cộng hòa.