Lầu Năm Góc hôm 22/8 cho biết đã điều động 18 máy bay dân dụng của United Airlines, American Airlines, Delta Air và một số hãng khác để chuyên chở các công dân Mỹ và những người Afghanistan nguy cơ cao đã được di tản khỏi Kabul và đang có mặt tại những địa điểm trú chân tạm thời bên ngoài quốc gia Nam Á.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng về tình hình Afghanistan ngầy 22/8. Ảnh: Reuters

Động thái diễn ra sau khi Lầu Năm góc kích hoạt điều khoản về Lực lượng Không quân dự bị (CRAF) ít dùng. CRAF được tạo lập năm 1951, trong khuôn khổ thỏa thuận giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Thương mại Mỹ theo Đạo luật Sản xuất quốc phòng (DPA), cho phép quân đội nước này trưng dụng máy bay dân sự cùng nhân công, hạ tầng của các hãng bay thương mại nhằm thiết lập cầu hàng không trong các trường hợp khẩn cấp thời bình và thời chiến.

Theo báo RT, đây mới là lần thứ 3, Lầu Năm góc kích hoạt CRAF. Hai lần trước đó nhằm phục vụ các chiến dịch sơ tán trong cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991 và cuộc tiến đánh Iraq năm 2003.

Động thái xảy ra giữa lúc tình hình ở khu vực sân bay quốc tế Kabul vẫn hỗn loạn. Hàng nghìn người hôm 22/8 tiếp tục tụ tập bên ngoài sân bay với hy vọng được đưa đi sơ tán sau khi Taliban tiếp quản thủ đô. Nhiều phụ nữ và trẻ em bị giẫm đạp khi đám đông khổng lồ tìm cách tràn vào sân bay.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Nhà Trắng chiều cùng ngày, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh: "Đây là chương trình được thiết kế sau cuộc không vận ở Berlin khi Thế chiến thứ hai kết thúc, nhằm sử dụng máy bay thương mại để tăng cường năng lực vận tải hàng không của chúng tôi”.

Lãnh đạo Nhà Trắng nói thêm, các hãng hàng không đã tự nguyện đăng ký tham gia chương trình và đây chỉ là giai đoạn mở màn. Các chuyến bay hỗ trợ sẽ đưa người di tản từ các địa điểm trung chuyển như Qatar và Đức tới Mỹ hoặc một nước thứ 3.

Một quan chức giấu tên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết, ít nhất 20 người đã thiệt mạng trong 7 ngày qua ở trong và xung quanh sân bay Kabul, trong nỗ lực rời bỏ Afghanistan đi lánh nạn. Trong khi đó, theo Bộ Quốc phòng Anh, ít nhất 7 dân thường đã bị giẫm đạp đến chết khi tìm cách vào sân bay hôm 21/8.

Taliban đổ lỗi tình trạng rối loạn nói trên do phía Mỹ gây ra. Amir Khan Mutaqi, một chỉ huy cấp cao của Taliban quả quyết, ngoại trừ sân bay Kabul, tất cả các khu vực khác trên cả nước nằm dưới sự kiểm soát của nhóm đều được hưởng "hòa bình và yên ổn".

Ông Biden để ngỏ khả năng trừng phạt Taliban

Tại cuộc họp báo vừa diễn ra, trước câu hỏi liệu Washington có cân nhắc áp các biện pháp trừng phạt Taliban hay không, Tổng thống Mỹ Biden trả lời "Có", nhưng ông nói thêm rằng tất cả phụ thuộc vào bối cảnh.

Theo Sputnik, ông Biden dường như ám chỉ mong muốn phong trào Hồi giáo sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế để tránh hứng chịu các đòn trừng phạt về kinh tế.

"Cho đến hiện tại, Taliban chưa có hành động nào chống lại các lực lượng Mỹ. Cho đến nay, nói chung, họ đã thực hiện những gì từng tuyên bố về việc cho phép người Mỹ đi qua và những thứ tương tự", ông Biden nhấn mạnh.

Khi phóng viên hỏi liệu ông có tin tưởng Taliban hay không, người đứng đầu chính phủ Mỹ đáp: "Tôi không tin tưởng bất kỳ ai, kể cả bạn".

Tuấn Anh

 >>> Chiến sự ở Afghansitan

Lãnh đạo đối lập đe dọa chiến tranh nếu Taliban từ chối đối thoại

Lãnh đạo đối lập đe dọa chiến tranh nếu Taliban từ chối đối thoại

Ahmad Massoud, một lãnh đạo phong trào chống Taliban ở miền bắc Afghanistan tuyên bố sẽ không đầu hàng, đồng thời cảnh báo hậu quả nếu phong trào Hồi giáo từ chối đối thoại với họ.

Sân bay Kabul tiếp tục hỗn loạn, thêm nhiều người chết

Sân bay Kabul tiếp tục hỗn loạn, thêm nhiều người chết

Quân đội Anh hôm nay (22/8) cho biết, 7 người thiệt mạng gần sân bay ở thủ đô Kabul, điểm tụ tập của hàng nghìn người Afghanistan đang tìm cách trốn chạy khỏi Taliban.