Trong một bài viết được nhiều tờ báo châu Âu đăng tải hôm 15/5, ông Borrell viết, sự tin tưởng và "có đi, có lại" là những thành tố cần thiết cho mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc.

{keywords}
Lãnh đạo chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell. Ảnh: Reuters

Theo báo South China Morning Post, bình luận của quan chức phụ trách chính sách đối ngoại EU được đưa ra đúng vào ngày Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc điện đàm với Thủ tướng Hungary Viktor Orban, trong đó ông khẳng định Bắc Kinh "nhất quyết ủng hộ Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong cuộc chiến chống Covid-19 và sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước nhằm kiểm soát đại dịch".

Tân Hoa xã đưa tin, trong cuộc điện đàm nói trên, ông Orban không đề cập đến EU dù là nước thành viên, mà thay vào đó tập trung vào cơ chế "17+1" do Bắc Kinh đứng đầu, gồm Trung Quốc và 17 quốc gia Đông và Trung Âu. EU hiện coi nhóm "17+1" là một ví dụ điển hình cho nỗ lực "chia rẽ và thống trị" của Bắc Kinh.

Đáng chú ý, mặc dù Chủ tịch Trung Quốc đã có các cuộc điện đàm với nhiều lãnh đạo châu Âu về cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, kể cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhưng ông chưa trò chuyện trực tiếp với bất kỳ quan chức EU nào về cùng vấn đề.

Trong lúc Bắc Kinh đang tìm cách khôi phục các tổn hại về hình ảnh trước quốc tế do dịch Covid-19 khởi phát tại đại lục, EU đã chỉ trích giới chức Trung Quốc cũng như các chiến dịch tuyên truyền và "thông tin sai lệnh" của nước này nhằm vào dư luận châu Âu.

Ông Borrell kêu gọi các quốc gia thành viên liên minh duy trì nguyên tắc tập thể khi Trung Quốc tìm cách khai thác những khác biệt quan điểm của họ về ngoại giao. Quan chức này cho rằng, những thay đổi trong quan hệ EU - Trung Quốc đã tăng tiến khi dịch Covid-19 bùng phát. Ví dụ, mặc dù hai bên vẫn hỗ trợ y tế lẫn nhau và các nơi khác, nhưng Trung Quốc đã làm mọi cách để "đảm bảo thế giới biết" về những nỗ lực của họ trong khi EU kín đáo hơn, "tránh chính trị hóa các trợ giúp y tế khẩn cấp".

Ông Borrell cũng bày tỏ sự hoài nghi về các cam kết của Trung Quốc đối với việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hệ thống Liên Hợp Quốc, khi EU và nước này có nhiều quan điểm khác biệt liên quan đến Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) và những căng thẳng ở Biển Đông.

Tuấn Anh