Youk Chang là giám đốc điều hành của Trung tâm Tư liệu Campuchia và là người sáng lập Học viện Sleut Rith tại Phnom Penh. Ông là một người sống sót tại Cánh đồng Chết.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Một người đàn ông đứng trước một bức tường gồm nhiều tấm ảnh chụp các tù nhân của nhà tù Tuol Sleng, dưới chế độ Khmer Đỏ. Ảnh chụp ngày 6/8/2014. Ảnh: Getty image |
Ông được Chương trình Diệt chủng Campuchia thuộc Đại học Yale, Mỹ, bổ nhiệm tiến hành nghiên cứu, tập huấn và làm tư liệu liên quan tới chế độ Khmer Đỏ. Dưới đây là câu chuyện ông kể lại từ trải nghiệm của mình dưới thời Khmer Đỏ trên kênh CNN.
Trong suốt chế độ Khmer Đỏ, tôi bị bắt vào tù khi mới 15 tuổi vì đã hái nấm ở các cánh đồng lúa. Tôi làm vậy để nuôi người chị gái đang mang bầu. Khi đó, mọi thứ đều thuộc về Khmer Đỏ, và nhặt nhạnh bất kỳ thứ gì trên mặt đất mà không được họ đồng ý đều bị khép tội.
Trước mặt hàng trăm người dân làng, Khmer Đỏ công khai tra tấn tôi trong nhiều giờ. Tôi không khóc, bởi vì họ bảo tôi không được khóc. Sau đó, họ bỏ tù tôi. Nhiều tháng sau đó, sau khi không còn lời nào để nói dối khi van xin mạng sống cho tôi, một trong những tù nhân lớn tuổi đã nhân danh tôi, bước tới và khẩn cầu lãnh đạo nhà tù.
Ngạc nhiên thay, lãnh đạo nhà tù đã đồng ý, và tôi được tha bổng. Tuy nhiên, rất lâu sau đó tôi mới biết rằng chính người tù đó đã bị giết để đổi mạng sống cho tôi.
Trải nghiệm của tôi chỉ là một ghi chú quá nhỏ nhoi so với hàng triệu người dân Campuchia khác đã chịu cảnh đày đọa và chết dưới chế độ này, nhưng đó là một minh họa cho cuộc đấu tranh vẫn đang tiếp diễn để kiếm tìm công lý và một sự kết thúc.
Người chết không thể sống lại
Khi bản án trong phiên xử thứ nhất trong vụ án thứ hai được tuyên, chẳng có ai là người thắng, cũng như không có lý do để ăn mừng.
Tác giả Youk Chang |
Trong khi sự kiện này đánh dấu một thành quả to lớn tại Campuchia và cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh dai dẳng để đòi lại nhân quyền, hòa bình và luật pháp, đây cũng là một chiến thắng chỉ có thể ghi dấu trong một sự trầm tư u buồn.
Bởi vì các phán quyết đó không thể mang người chết trở lại, cũng như không thể khôi phục lại lòng tin.
Không có bất kỳ điều gì có thể làm nguôi ngoai nỗi thống khổ, buồn đau, cũng như sự hối tiếc đeo đẳng lấy những người còn sống cho tới ngày nay. Đã hơn 35 năm qua kể từ khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, chúng ta vẫn chứng kiến những hệ quả rơi rớt của giai đoạn đó trong hầu như mọi khía cạnh của xã hội Campuchia.
Từ những vết sẹo về mặt thể chất cho tới những khuyết tật, sang chấn và các điều kiện về tâm lý, những nỗi sợ hãi của thời gian đó vẫn tiếp tục hiển hiện trong những người còn sống sót, các gia đình, các cộng động và các thể chế.
Những mất mát
Nhiều ước tính cho thấy khoảng hơn một triệu người đã bỏ mạng dưới thời Khmer Đỏ, trong khoảng từ năm 1975-1979, do bị xử tử, bệnh dịch, chết đói hoặc bị khổ sai.
Cũng như nhiều gia đình khác, mẹ tôi, người chị gái bị điếc của tôi là Keo Kolthida Ekkasakh, và bản thân tôi, đều phải khổ sở dưới chế độ này. Mẹ tôi đã mất cả ba người anh trai, một chị gái, một con gái và rất nhiều cháu. Cho tới nay, gần 60 thành viên của gia đình vẫn còn mất tích.
Xã hội vẫn có sự chia rẽ, và những ký ức về thời kỳ này – thậm chí là những ký ức về sự tử tế - vẫn chất chứa nặng nề.
Tôi sẽ chẳng thể nào quên được hành động của người đàn ông trong tù.
Tôi thậm chí còn không thể biết tên của người đã cứu mạng cho tôi. Tôi đã cố công tìm kiếm các thành viên trong gia đình ông suốt nhiều năm trời, với hy vọng rằng có thể gửi tới họ sự tôn kính cho lòng quả cảm và lòng tốt của ông đối với tôi.
“Quá ít, quá trễ”
Để đạt được công lý thực sự trong những bối cảnh này là một kỳ tích đối với nhân loại, và là nỗ lực chung dù muộn mằn.
Không biết bao nhiêu lần, cộng đồng quốc tế phải chứng kiến những cuộc diệt chủng, những tội ác cực kỳ tàn bạo diễn ra mà không hề bị ngăn chặn. Chúng ta không nên lơ là nhu cầu bức thiết của việc ngăn chặn các tội ác này trước khi chúng xảy ra.
Việc ngăn ngừa này sẽ là khẩu lệnh trong việc định hình nên cuộc chiến của chúng ta, cuộc chiến chống lại quỷ dữ và phải được tiến hành bắt đầu từ lòng can đảm. Chúng ta phải có đủ dũng cảm chỉ ra sự dã man ngay khi nó xuất hiện, và có các biện pháp để ngăn các tội ác như vậy, chứ không phải là phản ứng sau khi sự đã rồi.
Bản án dành cho hai cựu lãnh đạo cấp cao của Khmer Đỏ có ý nghĩa rất lớn đối với tôi, cũng như với tất cả người dân Campuchia, bởi vì nó khép lại nhiều chuyện – nhưng kết cục đó vẫn là quá ít, quá trễ với rất nhiều người.
Chỉ khi nào cộng đồng quốc tế có thể hành động một cách quả cảm như người đàn ông trong tù đã làm với tôi, thế giới sẽ không cần nhiều các bản án như thế này.
Huỳnh Thị Chuyên