Kể từ khi các ca mắc đầu tiên được phát hiện trong đợt bùng phát dịch mới nhất tại một sân bay ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô vào ngày 20/7, virus đã lan truyền đến hơn 10 tỉnh và khu vực khắp Trung Quốc. Đây được coi là đợt lây lan Covid-19 rộng nhất kể từ khi dịch bùng phát đầu tiên ở thành phố Vũ Hán năm ngoái và số ca mắc mới hàng ngày có thời điểm vượt quá 100 người.
Trung Quốc đã cho phong tỏa Nam Kinh sau khi phát hiện chùm ca bệnh mới ở một sân bay trong thành phố ngày 20/7. Ảnh: VCG |
Đến ngày 23/8, các quan chức y tế Trung Quốc thông báo không ghi nhận bất kỳ ca nhiễm mới nào trong cộng đồng. Dù cuối ngày xuất hiện một ca mắc không triệu chứng, nhưng các chuyên gia ở đại lục vẫn tin nước này đã vượt qua làn sóng lây nhiễm mới thành công trong 35 ngày.
Dập dịch thần tốc
Theo Thời báo Hoàn cầu, sau hơn một tháng áp hạn chế nghiêm ngặt để dập dịch, cuối tuần qua, những nơi như thủ đô Bắc Kinh, tỉnh Giang Tô hay tỉnh Tứ Xuyên đã thông báo sẽ dỡ bỏ dần các hạn chế, khôi phục cuộc sống và sản xuất bình thường.
Cụ thể, kể từ ngày 23/8, những người rời Nam Kinh, tâm chấn của đợt bùng phát dịch vừa qua sẽ không cần xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính. Những người có ý định vào Nam Kinh từ các khu vực có nguy cơ thấp sẽ chỉ cần có mã QR sức khỏe màu xanh lá cây và nhiệt độ cơ thể bình thường. Giao thông công cộng trong tỉnh cũng đã được khôi phục.
Tính đến 23/8, Nam Kinh đã 10 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng, trong khi toàn tỉnh Giang Tô lần đầu tiên không xuất hiện ca bệnh mới.
Từ ngày 22/8, tỉnh Tứ Xuyên đã nối lại hoạt động du lịch xuyên vùng. Tất cả các tuyến đường giao thông chính ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc cũng được khôi phục hoạt động. Bắc Kinh đã cho xóa các phân vùng kiểm soát dịch sau khi dỡ bỏ những biện pháp hạn chế đối với hai khu vực dân cư ở quận Phòng Sơn vào chiều cùng ngày và hai cộng đồng ở Wangjing, quận Chaoyang từ ngày 24/8.
Trịnh Châu, thành phố thủ phủ tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc cũng không còn bị coi là vùng nguy cơ cao khi không có thêm ca mắc mới trong cộng đồng suốt 8 ngày qua. Các xe buýt, taxi và dịch vụ gọi xe công nghệ ở trung tâm thành phố cũng được phép hoạt động trở lại từ đầu tuần này.
Chiến lược "không Covid", "4 sớm"
Wang Guangfa, một chuyên gia về hô hấp tại Bệnh viện số 1 thuộc Đại học Bắc Kinh tuyên bố trên tờ Thời báo Hoàn cầu rằng, chiến lược chống dịch "không Covid" một lần nữa đã bảo vệ Trung Quốc khỏi sự càn quét của dịch bệnh, bất chấp biến thể Delta có khả năng lây truyền cao và các khu vực lớn hơn bị ảnh hưởng. Kết quả tiếp tục chứng minh hiệu quả của mô hình ứng phó "4 sớm" của nước này, gồm phát hiện sớm, báo cáo sớm, cách ly sớm và điều trị sớm những trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.
Nhà chức trách Trung Quốc nhanh chóng tiến hành xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và cách ly F0. Ảnh: Global Tímes |
Ông Wang nói, so với lần dập dịch năm 2020, lần này, Trung Quốc đã phản ứng chính xác hơn trong truy vết các trường hợp tiếp xúc gần và áp phong tỏa, bảo đảm các hoạt động sản xuất và sinh hoạt nói chung của người dân diễn ra bình thường.
Ví dụ, Bắc Kinh vẫn mở cửa và chỉ áp phong tỏa một số cộng đồng xuất hiện ca mắc mới. Người dân ở Vũ Hán xếp hàng làm xét nghiệm một cách trật tự, bình tĩnh và thành phố chỉ triển khai phong tỏa ở vài chục cộng đồng dân cư.
Để phát hiện các ca bệnh tiềm ẩn, Dương Châu đã triển khai 12 đợt xét nghiệm Covid-19 quy mô lớn, Nam Kinh tổ chức 7 đợt và Trịnh Châu đang tiến hành đợt xét nghiệm thứ 5. Khi các trường hợp dương tính với virus được phát hiện, họ và các đối tượng tiếp xúc gần sẽ lập tức được cho đi cách ly và điều trị.
Các chuyên gia cũng chỉ ra một số vấn đề thổi bùng đợt lây nhiễm vừa qua, bao gồm cả việc quản lý kém đối với công nhân vệ sinh ở cả Nam Kinh và Trịnh Châu, dẫn đến sự lây lan của biến thể Delta từ sân bay quốc tế Nam Kinh Lộc Khẩu sang các tỉnh khác cũng như việc quản lý lỏng lẻo ở những nơi công cộng đông đúc như các tiệm mạt chược ở Dương Châu, khiến những địa điểm này trở thành “mắt bão” của đợt dịch.
Ở giai đoạn đầu, chính quyền Nam Kinh cũng bị công chúng và một số chuyên gia chỉ trích đã tương đối chậm trễ trong ra tay ứng phó và thực hiện điều tra dịch tễ học.
Bài học lớn cần rút ra từ đợt bùng phát dịch liên quan đến Nam Kinh và Trịnh Châu này là, các nhân viên tại các sân bay và bệnh viện cần phải được xét nghiệm thường xuyên. Ban quản lý cũng phải áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt khác đối với hàng hóa và vật dụng.
Chuyên gia Wang nhấn mạnh, kiểm soát nguồn lây nhiễm và cắt đứt kênh lây nhiễm là hai cách chính để ngăn chặn và khống chế bất kỳ đợt bùng phát dịch bệnh nào ở đại lục. Nếu những người liên quan không thực hiện tốt công việc giám sát và bảo vệ sức khỏe hàng ngày, họ sẽ khiến các ổ dịch xuất hiện bất kỳ lúc nào.
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh chung của Quốc vụ viện Trung Quốc đã ra chỉ thị yêu cầu các bệnh viện và chính quyền địa phương phải nỗ lực hơn nữa nhằm tối ưu việc sắp xếp nhân sự phòng chống dịch tại các bệnh viện, không giảm lương của họ để củng cố thành tích đã đạt được.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, trong đợt bùng phát mới nhất, việc xử phạt kịp thời những quan chức chây ỳ trong công tác phòng chống dịch cũng góp phần đem lại hiệu quả cho cuộc chiến chống mầm bệnh nguy hiểm của Trung Quốc. Ít nhất 70 quan chức đã bị xử phạt, một vài trong số họ bị cách chức hoặc sa thải, trong khi số khác bị cảnh cáo vì thiếu trách nhiệm trong công tác đối phó với sự bùng phát dịch tại địa phương.
Một quan chức giấu tên thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc nói, việc buộc các quan chức tắc trách phải chịu trách nhiệm đang giúp tăng cường công tác phòng chống dịch. Lí do cho điều này bắt nguồn một phần từ thực tế rằng, việc duy trì mức cảnh giác cao ở Trung Quốc về bản chất rất khó khăn do nước này có dân số khổng lồ, nhiều cảng biển, lãnh thổ rộng lớn và việc phân cấp quản lý khác nhau ở các khu vực là khác nhau trên toàn quốc.
Một nhà miễn dịch học ở Bắc Kinh bày tỏ lạc quan rằng, trong tương lai, cách ứng phó của Trung Quốc có thể nhanh hơn và chính xác hơn vì nước này sẵn sàng điều chỉnh mô hình chống virus không khoan nhượng bất cứ lúc nào, khi đối mặt với sự xuất hiện của nhiều biến thể mới hơn. Tuy nhiên, nhà chức trách sẽ tiếp tục duy trì chiến lược "không Covid", đồng thời có thể tăng cường các nỗ lực đẩy mạnh tiêm chủng đại trà, tiêm bổ sung mũi vắc xin thứ 3 cho các nhân viên chống dịch tuyến đầu nhằm làm chậm lại đà lây nhiễm và giảm số ca bệnh nặng.
Báo New York Times thống kê, cho tới nay, Trung Quốc đã tiêm hơn 1,96 tỷ liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó 56% dân số được chủng ngừa đủ liều. Bắc Kinh và Thượng Hải đang dẫn đầu cả nước về tiêm chủng với hơn 80% người trưởng thành đã hoàn thành cả 2 mũi tiêm. Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, điều này đồng nghĩa, về mặt kỹ thuật, cả hai thành phố đã đạt miễn dịch cộng đồng.
Tuấn Anh
Phát hiện ổ dịch ở sân bay, Thượng Hải cách ly hàng trăm người
Nhà chức trách Thượng Hải, Trung Quốc đã cách ly hàng trăm người để ngăn chặn đợt bùng phát Covid-19 mới ở thành phố sau khi phát hiện các ca nhiễm mới ở nhân viên bốc vác tại sân bay.
Vũ Hán xét nghiệm Covid-19 toàn thành phố trong 6 ngày
Thành phố Vũ Hán, Trung Quốc đã làm xét nghiệm Covid-19 cho hầu như tất cả các cư dân, ngoại trừ trẻ em dưới 6 tuổi và những người đang đi nghỉ.