Bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Liên Xô (22/6/1941), cụm Tập đoàn quân (TĐQ) Bắc quân đội Đức Quốc xã do Thống chế Wilhelm von Leeb chỉ huy được giao nhiệm vụ tấn công về hướng Leningrad và vùng tây bắc Liên Xô. TĐQ này có tổng quân số trên một triệu người với 20 sư đoàn bộ binh, 4 sư đoàn xe tăng, 2 sư đoàn cơ giới, 7 sư đoàn quân Phần Lan và một trung đoàn quân của Franco.
Ý đồ của quân Đức là sử dụng những mũi đột kích mạnh của các binh đoàn xe tăng để chia cắt và đẩy lùi ba TĐQ Liên Xô phòng ngự tại vùng biên giới. Sau đó, khép chặt sườn phải với cụm TĐQ Trung tâm hợp vây các TĐQ phía sau của Liên Xô trên vùng cửa ngõ nam Leningrad, cắt đứt các tuyến giao thông từ Moscow đi Leningrad, hội quân với Phần Lan tại vùng hồ Ladoga, cô lập Leningrad trên bộ.
Binh sĩ Liên Xô chiến đấu tại Leningrad. Ảnh: Wikipedia |
Tại hướng ven biển, Đức sử dụng Quân đoàn cơ giới 57 phối hợp với TĐQ 18 dồn quân đội Liên Xô ra biển ở hướng Tallin-Riga, bao vây và tiêu diệt các binh đoàn này. Hướng phát triển tấn công của cụm quân được hoạch định đến Arkhangelsk.
Về phía Hồng quân, ngay trước chiến tranh, vùng Leningrad là khu vực đảm trách của quân khu Leningrad sau là Phương diện quân (PDQ) Miền Bắc, với 21 sư đoàn được biên chế trong các TĐQ 7, 23, 42 và 54. Ngoài ra còn có TĐQ 14 phòng thủ khu vực Murmansk trong vòng Bắc Cực.
Tại các nước cộng hòa Litva, Latvia và Estonia, quân khu Pribaltic sau là PDQ Tây Bắc có trong biên chế 25 sư đoàn bộ binh, 4 sư đoàn xe tăng, 2 sư đoàn cơ giới, được biên chế trong các TĐQ 8, 11 và 27, các quân đoàn cơ giới 3 và 10.
Đến ngày thứ ba của chiến tranh, quân Đức đã đẩy lùi các TĐQ 8, 11 và Quân đoàn cơ giới 3 của PDQ Tây Bắc vào sâu nội địa Liên Xô có nơi từ 80 đến 100km. Ngày 24/6/1941, Bộ Chỉ huy Hồng quân điều động Quân đoàn cơ giới 21 từ quân khu Moscow kéo ra phản kích vào TĐQ xe tăng 4 của Đức đang tiến công vào hai bên sườn TĐQ 27 tại khu vực Daugapinsk.
Tuy nhiên, TĐQ xe tăng 4 Đức đã đi trước một bước. Quân đoàn cơ giới 56 thuộc TĐQ này đã chiếm các bến vượt quan trọng trên sông Tây Dvina và đánh chiếm Daugapinsk. Quân đoàn cơ giới 21 chỉ chặn được TĐQ xe tăng Đức đến ngày 2/7. Ngày 11/7, TĐQ xe tăng 4 tiếp tục đẩy lùi các cuộc phản kích của Hồng quân và tiến đến vùng đông nam Leningrad. Tại cánh nam của mặt trận, TĐQ 16 Đức tiến về phía thành phố Pskov.
Tại cánh bắc mặt trận, TĐQ 18 Đức bao vây số quân còn lại của TĐQ 8 Hồng quân và Bộ Tư lệnh tiền phương PDQ Tây Bắc tại Tallin. Đến ngày 11/7, cụm TĐQ Bắc quân Đức chiếm được Litva, Latvia, Estonia (trừ khu vực xung quanh Tallin). Leningrad bắt đầu bị uy hiếp với nguy cơ quân Đức vượt sông Luga trên đoạn phòng ngự mỏng nhất của quân đội Liên Xô.
Ngày 11/7/1941, cụm TĐQ Bắc (Đức) tiếp tục tấn công. Cánh phải TĐQ xe tăng 4 phối hợp với cánh trái của TĐQ 16 tấn công và đánh chiếm thành phố Pskov. Mặc dù không quân Liên Xô ném bom vào các bến vượt tại sông Tây Dvina, nhưng quân Đức vẫn chiếm được một số đầu cầu quan trọng. Ngày 12/7, quân Đức tiếp tục tiến đến Kunda và Kingishep.
Tuy nhiên, những nỗ lực của quân Đức tấn công Leningrad bằng đường biển đều bị Hạm đội Baltic chặn đứng trước tuyến thủy lôi chặn ngang vịnh Phần Lan. Ngày 20/7, cụm TĐQ Bắc lại một lần nữa phải tạm dừng cuộc tấn công để đối phó với cuộc phản công của TĐQ 42 Hồng quân vào Narva.
Đến cuối tháng 8/1941, TĐQ 16 Đức cắt đứt đường sắt Moscow - Lenigrad và tiến đến phía nam hồ Ilmen, đe doạ cô lập Leningrad từ phía tây nam và dự kiến hội quân với quân đội Phần Lan tại bờ đông hồ Ladoga.
Ngày 7/9/1941, do phải điều TĐQ xe tăng 4 về hướng Moscow, quân Đức đã chuyển từ tấn công sang bao vây cô lập Leningrad. Ngày 8/9, con đường cuối cùng liên lạc với thành phố bị cắt đứt khi quân Đức tiến tới hồ Ladoga ở Orekhovets và Shlishenburg.
Hồng quân phá vỡ phong tỏa
Từ khi bị quân đội Đức bao vây, quân dân thành phố Leningrad phải trải qua những thử thách vô cùng khốc liệt. Nhưng đói rét và bom đạn không khuất phục được quân dân thành phố anh hùng này, họ đã chống lại vòng phong tỏa của kẻ thù với tinh thần dũng cảm.
Đến ngày 28/12/1942, phát hiện các TĐQ 16 và 18 của Đức chuyển sang phòng thủ mùa đông, Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô phê duyệt kế hoạch chiến dịch Iskra (Tia lửa) nhằm giải vây cơ bản cho Leningrad, khôi phục hoàn toàn và chắc chắn tuyến giao thông giữa Leningrad với nội địa Liên Xô.
Theo kế hoạch, TĐQ 67 thuộc PDQ Volkhov vượt sông Neva đánh vào tuyến phòng thủ của cánh trái TĐQ 18 Đức trên tuyến Moskovskaia - Dubrovka - Shlissenburg và hợp điểm với cánh phải của PDQ Volkhov. Yểm hộ sườn phải cho TĐQ 67 có TĐQ 55; chủ công cánh phải của PDQ Volkhov là TĐQ xung kích 2; yểm hộ sườn trái cho TĐQ này có TĐQ 8. Tham gia phối hợp còn có các tàu chiến và máy bay của Hạm đội Baltic.
Đêm 11 rạng ngày 12/1/1943, sau cuộc tập kích đường không với hàng trăm máy bay ném bom thuộc Tập đoàn không quân 14, hơn 4.500 khẩu pháo từ phía sau trận tuyến của quân đội Liên Xô pháo kích trong 2 giờ 20 phút dọn đường cho cuộc tấn công. Ngày 18/1/1943, TĐQ 67 và TĐQ xung kích 2 Hồng quân gặp nhau tại khu vực phía nam Shlisselburg, chọc thủng vòng phong tỏa của quân Đức.
Do đã điều động quá nhiều xe tăng, thiết giáp cho phía nam mặt trận Xô-Đức, quân Đức không còn các binh đoàn cơ giới đủ mạnh để phản kích lấy lại khu vực "cổ chai" Shlisselburg. Mặc dù vẫn còn sử dụng được pháo binh từ cứ điểm Siniavinsk để bắn phá thành phố nhưng về cơ bản, kế hoạch bóp chết Leningrad trong vòng phong tỏa của quân đội Đức đã hoàn toàn thất bại. Vòng phong tỏa Leningrad bị phá vỡ sau 871 ngày đêm.
Nguyên Phong
Trận chiến khiến phát xít Đức tấn công Liên Xô
Chiến dịch tấn công Pháp được coi là một trong những hoạt động quân sự thành công nhất của Đức trong Thế chiến Hai.
Vì sao phát xít Đức 'vuột mất' hàng trăm nghìn quân Anh-Pháp?
Sau khi chinh phục Đan Mạch và Na Uy, quân đội Đức quốc xã chuyển sang tấn công Hà Lan, Bỉ và Pháp.