Mặc dù Phó thủ lĩnh Abdul Ghani Baradar, "gương mặt công chúng" của Taliban được đồn đoán sẽ trở thành tổng thống trong chính quyền mới ở Kabul, nhưng Akhundzada vẫn là lãnh tụ tối cao của phong trào Hồi giáo này. Ông Akhundzada cũng có thể đóng một vai trò trọng yếu nào đó trong chính phủ sắp ra mắt.
Thủ lĩnh Taliban Haibatullah Akhundzada. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, việc Akhundzada đang ở đâu hiện vẫn còn là bí ẩn.
Hồi tháng 2 năm nay từng có thông tin rằng, thủ lĩnh Taliban đã thiệt mạng vài tháng trước đó trong một vụ nổ ở Pakistan. Song, các thông tin này chưa được xác nhận. Ahmadullah Wasiq, một chỉ huy cấp cao của Taliban thậm chí mô tả đó là "tin giả và những lời đồn thổi vô căn cứ".
Theo tạp chí Newsweek, Akhundzada đã trở thành thủ lĩnh của Taliban vào năm 2016, tiếp sau cái chết của người tiền nhiệm - Akhtar Mohammad Mansour trong một vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào ngày 21/5 cùng năm.
Trong di chúc, Mansour đã chỉ định "phó tướng" Akhundzada làm người kế nhiệm mình. Mansour nắm quyền lãnh đạo Taliban ngay sau cái chết của vị thủ lĩnh sáng lập Mullah Omar vào năm 2013, nhưng mãi tới năm 2015 thông tin mới được công bố.
Akhundzada là một học giả về tôn giáo, theo đường lối cứng rắn. Ông sinh ra ở tỉnh Kandahar của Afghanistan và trở thành một nhân vật cấp cao trong các tòa án Taliban nhiều năm trước khi được thăng chức lên hàng lãnh đạo của phong trào Hồi giáo này.
Với vai trò đó, Akhundzada được tin đã đưa ra những phán quyết ủng hộ sự trừng phạt hà khắc theo đạo Hồi, chẳng hạn như các buổi hành quyết công khai dành cho những kẻ bị kết tội giết người và ngoại tình hay cắt cụt tay với những ai bị kết tội ăn cắp. Ông ta cũng tham gia phong trào phản kháng của các tín đồ Hồi giáo chống Liên Xô ở Afghanistan những năm 1980.
Tuy nhiên, Akhundzada được mô tả giống như học giả Hồi giáo nhiều hơn một chỉ huy quân sự. Tháng 5/2016, ông đột ngột biến mất và cho đến nay vẫn không ai biết chính xác vị thủ lĩnh này của Taliban ở đâu.
Một người dân Afghanistan đang đọc tờ báo địa phương có đăng ảnh và tin Thủ lĩnh Taliban Mullah Akhtar Mansour thiệt mạng trong một vụ không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ tháng 5/2016. Haibatullah Akhundzada được chỉ định kế nhiệm Mansour lãnh đạo Taliban. Ảnh: AP |
Tricia Bacon, phó giáo sư tại Trường Các vấn đề công thuộc Đại học Mỹ ở Washington D.C. và cũng là tác giả cuốn sách "Tại sao các nhóm khủng bố hình thành liên minh quốc tế", đã giải thích về tầm quan trọng của Akhundzada.
"Là thủ lĩnh của Taliban, Akhundzada cũng được gọi là 'Lãnh tụ của những người trung thành' như dành cho những người tiền nhiệm. Đây là danh xưng của người đứng đầu Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Akhundzada đã chứng tỏ khả năng trong việc duy trì sự thống nhất Taliban vào các thời điểm phức tạp của đàm phán và chinh phạt quân sự. Akhundzada khó có khả năng tham gia vào việc ra quyết định hàng ngày, nhưng các quyết định chiến lược quan trọng sẽ cần tiếng nói của ông ".
"Akhundzada được những người tin theo kính trọng, đặc biệt vì ông là một học giả tôn giáo và là người điều hành cơ cấu khổng lồ của Taliban cùng ban lãnh đạo của tổ chức. Theo như chúng tôi biết, ông ấy đã ở Afghanistan, đồng nghĩa nghĩa ông ấy không ở Doha cùng ủy ban chính trị hoặc đang bị giam cầm ở Pakistan", bà Bacon cho biết thêm.
Theo giáo sư Bacon, việc thủ lĩnh Taliban sống ẩn dật, tránh khỏi sự dòm ngó của công chúng và chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trong một vài dự kiện mang nặng tính biểu tượng, không có gì bất thường. Và vì điều này, trong dự luận từng râm ran các lời đồn ông bị bệnh hoặc thậm chí đã thiệt mạng.
"Phân tích của tôi về điều này đã làm sáng tỏ bí ẩn theo cả hai cách: che giấu cái chết của một nhà lãnh đạo khác như từng xảy ra với trường hợp của Mullah Omar, sẽ có nguy cơ gieo rắc sự chia rẽ vào thời điểm quan trọng. Ngược lại, nếu ông ta chết thật, trong nội bộ Taliban sẽ đối mặt nguy cơ tranh giành quyền lực vào thời điểm mong manh này. Tôi nghiêng về hướng ông ấy còn sống",
"Al-Qaeda và tất cả các chi nhánh của al-Qaida đã thề trung thành với ông ta cũng như [thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al] Zawahiri. Trong khi, Akhundzada đã có quan điểm né tránh điều này - không chấp nhận hay chối bỏ những cam kết như vậy, giữa lúc Taliban đã cố gắng thực hiện theo cả hai cách trong quan hệ với các tay súng nước ngoài".
Dư luận vẫn đang chờ xem liệu Akhundzada có công khai trình làng khi Taliban tự thành lập chính phủ ở Afghanistan hay không.
Tuấn Anh
Taliban giàu tới mức nào?
Một điều ít người biết là, nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan Taliban có ngân sách hàng năm ước tính cao gấp 30 lần ngân sách quốc phòng của Chính phủ Afghanistan.
Phó thủ lĩnh trở lại Afghanistan sau 20 năm, dàn lãnh đạo Taliban sắp trình làng?
Một quan chức Taliban ngày 18/8 tiết lộ, các lãnh đạo tối cao của lực lượng này sẽ dần dần ra mắt thế giới trong thời gian tới.