Quân đội Đức đã huy động 56 sư đoàn, 2.500 xe tăng, 2.300 máy bay tiến theo 3 hướng vào Ba Lan. Mục tiêu cuối cùng của cả ba hướng tấn công đều là thủ đô Warsaw của Ba Lan.
Hướng tấn công chính xuất phát từ vùng phía nam biên giới Ba Lan, được giao cho Cụm tập đoàn quân (TĐQ) Nam do tướng Gerd von Runstedt chỉ huy. Hướng tấn công thứ hai từ Bắc Phổ được giao cho Cụm TĐQ Bắc dưới quyền chỉ huy của tướng Fedor von Bock chỉ huy, tiến đánh quân Ba Lan đóng tại "Hành lang Ba Lan", vượt qua phòng tuyến này và tiến sâu vào đất Ba Lan. Hướng tấn công thứ ba là từ đồng minh Slovakia của Đức có nhiệm vụ như Cụm TĐQ Nam. Ngoài ra, lực lượng thiểu số người Đức sống tại Ba Lan được giao nhiệm vụ nghi binh và phá hoại ngầm các cơ sở hạ tầng.
Binh sĩ Đức tiến đánh thủ đô Warsaw, Ba Lan. Ảnh: Wikipedia |
Bắt đầu các cuộc giao tranh ở các khu vực biên giới, không quân Đức oanh tạc mạnh mẽ vào các cơ sở hạ tầng, trục đường giao thông, trung tâm chỉ huy và nhất là các sân bay Ba Lan.
Ngày 3/9, theo tinh thần của các Hiệp ước liên minh tương trợ, Anh-Pháp đều tuyên chiến với Đức. Tuy nhiên, họ chỉ "tuyên" mà không “chiến”. Liên quân Anh-Pháp chỉ dàn quân tại biên giới Pháp-Đức, mà không hề tấn công Đức để chi viện cho Ba Lan. Pháo binh Anh-Pháp ở bên này sông Rhine im lặng nhìn những đoàn xe quân Đức vận chuyển vũ khí qua lại ở bên kia sông. Tại các trại đóng quân, binh sĩ Anh-Pháp thực hiện các hoạt động giải trí để giết thời gian. Binh lính Pháp thậm chí còn được phát... một vạn quả bóng để chơi.
Tuy nhiên, phía Pháp lại nói với Tổng tư lệnh Ba Lan, Nguyên soái Edward Rydz-Śmigły rằng một nửa số quân Pháp đã chạm trán với quân Đức và đã buộc Đức rút ít nhất 6 sư đoàn khỏi Ba Lan. Đại diện của quân đội Pháp tại Ba Lan là Louis Faury thông báo với Tổng tham mưu trưởng Ba Lan, tướng Wacław Stachiewicz rằng liên quân Anh-Pháp sẽ tấn công Đức vào ngày 20/9. Song, đúng vào ngày đó, quân Pháp bắt đầu rút về các vị trí ban đầu của họ tại phòng tuyến Maginot. Hành động của Anh-Pháp góp phần phá vỡ kế hoạch phòng thủ mà Ba Lan vạch ra trước đó.
Mặt khác, quân đội Ba Lan vẫn duy trì học thuyết quân sự từ Thế chiến I, họ phân tán lực lượng ra khắp các vùng lãnh thổ, với dự định là sẽ dùng “chiến tranh chiến hào” để phòng ngự, tiêu hao quân Đức. Thực tế cho thấy đây là cách bố trí sai lầm, các đơn vị phân tán không thể phòng ngự hiệu quả trước các mũi tấn công cơ động của xe tăng, thiết giáp Đức, liên tiếp các sư đoàn Ba Lan bị bao vây, cắt rời khỏi hậu phương rồi bị tiêu diệt nhanh chóng.
Nhờ ưu thế về quân số, vũ khí và phương tiện kỹ thuật, quân Đức dễ dàng chọc thủng phòng tuyến biên giới Ba Lan ở nhiều nơi, buộc quân đội Ba Lan phải bỏ biên giới rút về Warsaw và Lwow. Ngày 3/9, quân Đức tiến đến sông Vistula (cách biên giới 10km) và vượt sông Warta, ngày hôm sau tiến đến Lodz và Kielce. Ngày 5/9, Đức chọc thủng hành lang Ba Lan và nối liền Đông Phổ với lãnh thổ Đức. Ngày 8/9, thiết giáp Đức tiến đến ngoại ô Warsaw.
Như vậy chỉ trong một tuần đầu của cuộc chiến, quân Đức đã tiến được 225km. Ngày 9/9, một lực lượng thiết giáp nhẹ của Đức tiến đến khu vực nằm giữa Warsaw và thị trấn Sandomierz, trong khi cánh quân phía nam đã vượt qua sông San và chuẩn bị đến Przemysl. Cùng thời điểm, tướng Đức Guredian đưa TĐQ thiết giáp số 3 vượt sông Narew, tấn công các phòng tuyến Ba Lan tại sông Bug, chuẩn bị bao vây Warsaw.
Quân đội Ba Lan phải rút lui liên tục, bỏ Pomerania và Silesia lại cho người Đức. Ngày 10/9, Nguyên soái Śmigły ra lệnh cho quân đội rút về đông nam, tiến về đầu cầu Rumany.
Từ ngày 9-19/9 diễn ra trận đánh Bzura, phía bắc Warsaw. Quân Ba Lan sau khi rút lui từ biên giới đã tấn công vào TĐQ 8 của Đức. Sau 10 ngày chiến đấu, 225.000 quân Ba Lan bị tiêu diệt gần hết: 20.000 tử trận, 32.000 bị thương và 170.000 bị bắt. Phía Đức chỉ bị tổn thất khoảng 8.000 chết và khoảng 15.000 bị thương. Ngày 17/9, Chính phủ Ba Lan và bộ chỉ huy quân sự tối cao rời bỏ thủ đô Warsaw chạy sang Romania. Ngày 29/9, quân Đức tiến đến khu vực sông Narew, Vistula và San.
Ngày 6/10, tướng Ba Lan Franciszek Kleeberg đầu hàng quân Đức tại Lublin. Cuộc tấn công của Đức Quốc xã vào Ba Lan chính thức kết thúc sau hơn một tháng giao tranh.
Trong chiến dịch mà Đức đặt tên là Kế hoạch Trắng này, phía Ba Lan có 66.000 binh sĩ chết, 660.000 bị bắt làm tù binh, 140.000 chạy trốn được sang Romania, Hungary, Litva và Latvia. Thương vong của Đức là 16.000 người chết và 27.000 người bị thương. Chính phủ Ba Lan buộc phải sống lưu vong tại Anh. Đất nước Ba Lan bị tàn phá nặng nề.
Chiến thắng chóng vánh của quân Đức được xem là sự thử nghiệm đầu tiên cho học thuyết "Chiến tranh chớp nhoáng". Chiến dịch tấn công Ba Lan của Đức cũng đánh dấu sự khởi đầu Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Nguyên Phong
'Cối xay thịt' của Thế chiến hai
Đầu tháng 12/1941, qua ba đợt tấn công bị tổn thất rất nặng nề, tăng viện và tiếp tế khó khăn, quân đội Đức Quốc xã bị chặn đứng tại cửa ngõ Moscow và phải chuyển sang thế trận phòng ngự.
Số phận của những tư lệnh phương diện quân Liên Xô đầu tiên
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu số phận bi đát của các tư lệnh phương diện quân (PDQ) Liên Xô đầu tiên trong Thế chiến Hai.