Ngược dòng lịch sử, năm 1619, một con tàu hải tặc cập bến ở Virginia, đổi hơn 20 nô lệ da đen để lấy lương thực, chính thức khởi đầu chế độ nô lệ ở các bang thuộc địa Anh và sau đó là Mỹ. Đến năm 1860, số nô lệ gốc Phi tại Mỹ đã lên đến 3,9 triệu người và đời sống của họ như kiếp ngựa trâu.
Do đó, tuy là người da trắng, nhưng thông cảm sâu sắc với nỗi thống khổ của người da đen, năm 1859 John Brown lãnh đạo cuộc nổi dậy của nô lệ và chiếm kho súng liên bang tại Harpers Ferry, Virginia. Dự định của John Brown là phân phát vũ khí cho những người nô lệ da đen để họ tiến hành cuộc khởi nghĩa.
Người biểu tình chống phân biệt chủng tộc tập trung phía sau hàng rào lưới thép mới dựng lên trước Nhà Trắng. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, kế hoạch của ông đã không thành công. Nhóm nổi dậy nhỏ bé của ông nhanh chóng bị lực lượng của chính quyền bao vây, trong đó có cả lính thủy quân lục chiến do Robert E. Lee chỉ huy. John Brown bị bắt và sau đó bị chính quyền treo cổ tháng 12/1859.
Tiểu thuyết "Túp lều của bác Tôm" (Uncle Tom’s Cabin) của tác giả Harriet Stowe là ngòi nổ để nổ ra chiến tranh giữa hai miền Bắc (phản đối chế độ nô lệ) – Nam (ủng hộ chế độ nô lệ) nước Mỹ từ năm 1961-1965.
Là một người da trắng nhưng bà Harriet Stowe đã cảm thông với đời sống của người da đen để viết nên cuộc đời thống khổ của một người nô lệ da đen là chú Tôm: Phải lìa bỏ vợ con, bị bán từ nơi này sang nơi khác, bị đánh đập tàn nhẫn đến chết.
Ngày 1/1/1863, Tổng thống Abraham Lincoln chính thức đưa ra Tuyên ngôn giải phóng nô lệ. Ngày 18/12/1865, Tu chính án thứ 13 của Hiến pháp Mỹ chính thức được phê chuẩn, bãi bỏ chế độ nô lệ ở nước Mỹ.
Khi có dịp diện kiến bà Beecher Stowe, Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã phải thốt lên: “Vậy ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách gây ra cuộc chiến vĩ đại này”.
Ngày 28/8/1963, mục sư người da đen Martin Luther King, Jr. đã đọc bài diễn văn “Tôi có một giấc mơ” từ những bậc thềm của Đài Tưởng niệm Lincoln: “Một trăm năm trước, một người Mỹ vĩ đại, người mà vinh dự cho chúng ta hôm nay được đứng dưới bóng tượng đài của ông, đã ký Tuyên ngôn giải phóng nô lệ… Một trăm năm sau, người da màu vẫn cô độc trên hòn đảo của đói nghèo ngay giữa đại dương của phồn thịnh vật chất. Một trăm năm sau, họ vẫn héo mòn bên rìa của xã hội Mỹ, tự thấy mình như những kẻ tha hương ngay trên quê hương mình. Và chúng ta đến đây hôm nay để nhắc nhở đất nước về nỗi xót xa này”.
Võ sĩ Quyền Anh huyền thoại Muhammad Ali (1942-2016) cũng đã chua xót nhận ra: “Quyền Anh thường là trận đấu giữa hai người da đen để người da trắng xem giải trí”. Năm 1966, ông cũng đã tuyên bố quan điểm của mình về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam: “Tại sao tôi phải mặc quân phục rồi đi cả vạn dặm để thả bom và nã đạn vào những người Việt Nam, trong khi nhiều người như tôi đang bị gọi là mọi đen ở đây, bị đối xử như những con chó và quyền con người cơ bản của họ đều bị phủ nhận?”.
Theo báo cáo của tổ chức Liên đoàn quốc gia các thành phố có trụ sở tại Mỹ, vào năm 2015 số gia đình người da đen sống dưới chuẩn nghèo nhiều gấp ba lần số gia đình người Mỹ da trắng.
Người biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại thủ đô Washington, Mỹ. Ảnh: AP |
Báo cáo còn nêu thực tế đáng buồn rằng, 70% người Mỹ da đen bị phân biệt đối xử khi đi xin việc làm. “Người da đen bị đuổi việc đầu tiên và là người cuối cùng được thuê” - báo cáo viết.
Các kết quả điều tra xã hội năm 2015 cũng cho thấy, biểu đồ phân bổ nhân lực của người da màu tại Mỹ hiện nay ở dạng hình nón, tức là càng lên các vị trí quan trọng như giám đốc điều hành các tập đoàn lớn hay quan chức cấp cao trong chính phủ thì càng ít người da đen. Tỷ lệ thất nghiệp của cộng đồng người Mỹ gốc Phi luôn ở khoảng 10%.
Theo kết quả khảo sát của Gallup thực hiện và công bố ngày 10/7/2016, có tới 49% người Mỹ cho rằng hệ thống luật pháp đang có xu hướng chống lại cộng đồng người Mỹ gốc Phi và 67% người da màu tin rằng, họ không được đối xử công bằng như người da trắng trong các vụ việc có liên quan tới cảnh sát.
Nguyễn Văn Toàn
Bức ảnh gây chú ý giữa cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc
Bức ảnh đầy ý nghĩa được phóng viên Reuters Dylan Martinez ghi lại giữa cảnh hỗn loạn tại London, Anh vào cuối tuần trước.
Hình ảnh cảnh sát da màu đồng cảm cùng người biểu tình ở Mỹ
Những khoảnh khắc dưới đây cho thấy các cuộc biểu tình ở Mỹ không chỉ có vũ lực hay bạo loạn, mà còn cả những tấm lòng chia sẻ đồng cảm giữa lực lượng an ninh và người biểu tình.