Theo truyền thống ở nhiều nước châu Á, Tết Nguyên Đán là dịp để nhiều gia đình xum vầy và tổ chức những buổi gặp gỡ, ăn Tết cùng nhau. Tuy nhiên trong năm nay, những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động này bị đảo lộn hoàn toàn

Một phóng sự của SCMP cho thấy một số người tại Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia đã xoay xở để đón một cái Tết đặc biệt ra sao giữa mùa Covid-19.

Singapore

Các biện pháp giãn cách xã hội đã được chính phủ Singapore thắt chặt từ ngày 26/1. Theo đó, các hộ gia đình chỉ được mời tối đa 8 khách mỗi ngày, không đến thăm quá 2 hộ gia đình/ ngày và chỉ được thăm các thành viên trong gia đình trong dịp Tết Nguyên Đán.

Một số người Singapore đã “lách luật” bằng cách chia các thành viên gia đình của mình thành những nhóm 8 người, và luân phiên đến thăm hỏi vào những ngày khác nhau. Song đối với Patsy Tan, một giám đốc nhà in đã nghỉ hưu, việc tuân thủ này sẽ diễn ra nghiêm ngặt hơn.

Ngoài việc dùng bữa trưa với các anh chị em của mình (mỗi người không mang theo vợ/chồng hoặc con cái), và đi thăm nhà mẹ chồng, bà Tan sẽ không gặp bất kỳ ai khác trong dịp Tết. Thay vào đó, bà đã dành 2 tuần vừa qua để thăm từng thành viên một trong đại gia đình của mình. Theo bà Patsy, ưu điểm của việc này là sẽ giúp những mối tương tác trở nên ý nghĩa hơn và mang tính riêng tư hơn những cuộc tụ họp đông đúc theo truyền thống.

{keywords}
Bà Patsy Tan (đứng giữa) trong một buổi ăn Tết cùng gia đình vào  năm ngoái. Ảnh: Handout

Patsy Tan cũng đã thu nhỏ quy mô các bữa ăn Tết của mình. Thay vì tổ chức một buổi tiệc với tất cả 18 thành viên trong đại gia đình như đã từng làm suốt 40 năm qua, bà sẽ chỉ nấu bữa ăn đơn giản tại nhà với chồng con của mình.

“Tết Nguyên Đán luôn hướng tới sự gắn kết gia đình, nên đối với tôi, năm nay sẽ dành cho gia đình của riêng mình. Đây sẽ là thời điểm dành cho những người quan trọng nhất”, bà cho biết.

Thái Lan

Khi nói đến các hoạt động đón Tết Nguyên Đán tại Thái Lan, ít nơi nào có thể sánh được với Phuket, điểm đến lý tưởng của các du khách Trung Quốc, cũng là nơi có cộng đồng người gốc Hoa đông đảo.

Tuy nhiên, mọi thứ đã trở nên ảm đạm trong năm nay. Theo Amnuaywit, chủ một khách sạn trên bãi biển Patong thuộc Phuket, kể từ khi Thái Lan đóng cửa không phận từ tháng 4 năm ngoái, lượng du khách đến Phuket, kể cả người trong nước, đã thưa thớt hơn hẳn. Hòn đảo giờ trở nên vắng lặng chưa từng thấy.

{keywords}
Các diễn viên kinh kịch vừa đeo tấm bảo hộ, vừa biểu diễn ngoài trời tại Bangkok, Thái Lan hôm 3/1. Ảnh: EPA-EFE

Bất chấp sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19, trong một nỗ lực nhằm quảng bá du lịch mùa Tết Nguyên Đán, chính quyền Phuket vào tháng trước đã hủy bỏ yêu cầu cách ly 2 tuần đối với du khách từ tủ đô Bangkok và các tỉnh khác của Thái Lan. Tuy nhiên, hàng loạt hoạt động kỷ đón Tết Nguyên Đán tại đây, dự kiến được ấn định từ 19 đến 21/2, đều đã bị hủy bỏ.

Trớ trêu thay, điều này lại phù hợp hơn với truyền thống của người gốc Hoa tại Phuket. Theo nhà sử học Pranee Sakulpipatana, những cộng đồng này vốn không thích những lễ kỷ niệm hoành tráng, Họ chỉ tổ chức các buổi thờ cúng quy mô nhỏ tại nhà và gặp gỡ người thân của mình trong dịp Tết.

Malaysia

Với việc chính phủ Malaysia hạn chế việc đi lại và giới hạn quy mô các cuộc tụ tập đông người, Erica Cheong sẽ phải đón một cái Tết yên ắng hơn bình thường. Tuy nhiên, nữ quản lý của doanh nghiệp ship đồ ăn Embun Eats đã tranh thủ thời gian để cải thiện công thức cho thực đơn của mình, trong đó có món gỏi cá Yee Sang, đặc sản dịp Tết của Malaysia

Erica cho biết việc tìm nguồn cung cấp nguyên liệu để nấu nướng gặp nhiều khó khăn hơn trong năm nay, do việc đi lại và chuỗi cung ứng bị gián đoạn vì dịch Covid-19. Dù vậy, doanh nghiệp của cô vẫn có thể kết nối với các nhà cung cấp bằng các phương thức liên lạc từ xa.

{keywords}
Món gỏi cá Yee Sang, đặc sản dịp Tết của Malaysia. Ảnh: Embun Eats

Malaysia gần đây đã nới lỏng các hạn chế trong dịp Tết Nguyên Đán, khi cho phép tổ chức các bữa ăn Tết với số lượng tối đa 15 người, với điều kiện các thực khách phải sống trong phạm vi 10km tính từ nơi ở của chủ nhà.

Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng cao, một số người Malaysia cảm thấy các quy định ban đầu vẫn an toàn hơn. Theo Ho Wen Hui, một luật sư Malaysia, việc cho phép các thành viên gia đình sống ở những nơi khác được đoàn tụ và tổ chức ăn Tết sẽ chỉ làm tăng rủi ro cho những người cao tuổi.

Indonesia

Theo truyền thống của một số nước, mùng Hai Tết Âm lịch là thời điểm một người con gái đã lấy chồng về thăm bố mẹ, để biếu quà bánh và tiền mừng thọ.

Nhưng đối với Marina Basuki, ngày mùng Hai Tết của bà đã kéo dài tới 5 năm. Dù đã lấy một người chồng Malaysia và chuyển đến sống tại Kuala Lumpur từ lâu, song người phụ nữ 62 tuổi trong những năm qua đã phải về nước để chăm sóc người mẹ già của mình.

Năm 2017, mẹ của Marina qua đời, thì đến lượt bố của bà đổ bệnh, khiến bà phải tiếp tục ở lại Indonesia thêm một thời gian nữa. Chồng của Marina phải liên tục đi lại giữa Jakarta và Kuala Lumpur để chăm sóc gia đình mình.

{keywords}
Marina Basuki và bố mẹ bà tại Indonesia. Ảnh: Handout

Tháng 12/ 2019, bố của Marina qua đời. Chồng bà có qua Indonesia dự tang lễ, và đó cũng là lần cuối cùng 2 người có thể gặp mặt nhau.

Trước đây, Marina và 3 em trai của bà sẽ tụ tập tại nhà bố mẹ họ để tổ chức một buổi ăn Tết lớn trong đêm Giao thừa và các ngày tiếp theo. Song giờ đây, giống như hàng nghìn người Indonesia khác, bà phải đón Tết một mình, xa cách những người thân vào đúng thời điểm tình cảm gia đình được đề cao nhất.

“Trong năm nay, tôi sẽ một mình đón Tết Nguyên Đán trong căn hộ của tôi ở Jakarta”, Marina Basuki chia sẻ, “Và đương nhiên, tôi rất nhớ chồng mình. Tôi sẽ trò chuyện với anh ấy ngay trong ngày đầu năm mới qua Whatsapp”.

Bà Marina cũng dự định sẽ dậy sớm và đến chùa để cầu nguyện vào ngày mùng Một Tết, vì số lượng người đi chùa trong năm nay đã ít đi nhiều.

“Tôi sẽ tự đến chùa cầu an rồi trở về nhà. Năm nay, ngày mùng Một Tết đối với tôi sẽ giống như bao ngày khác”, người phụ nữ 62 tuổi thổ lộ.

Việt Anh

Hình ảnh không khí đón Tết Tân Sửu khắp thế giới

Hình ảnh không khí đón Tết Tân Sửu khắp thế giới

Bất chấp những ảnh hưởng của dịch Covid-19, không khí đón Tết Tân Sửu vẫn diễn ra tương đối nhộn nhịp ở nhiều nơi trên thế giới.

Covid-19 làm thay đổi cách tặng quà Tết của người Hàn Quốc

Covid-19 làm thay đổi cách tặng quà Tết của người Hàn Quốc

Nỗi sợ đại dịch do virus corona gây ra đã khiến nhiều người Hàn Quốc phải bỏ kế hoạch đi thăm gia đình và bạn bè dịp Tết, song việc biếu quà lại trở nên đặc biệt hơn.