Một phần quan trọng nhưng lại ít người để ý tới trong lễ nhậm chức của tân tổng thống là cuộc chuyển giao quyền chỉ huy và kiểm soát đối với kho hạt nhân của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump có thể sẽ không tham dự lễ nhậm chức của ông Joe Biden.

{keywords}
Tổng thống Donald Trump rời trụ sở CIA. Một trợ lý quân sự đi đằng sau mang theo một chiếc cặp màu đen được gọi là “quả bóng hạt nhân”.

Ông Trump từ chối trả lời câu hỏi ông có dự lễ nhậm chức của ông Biden hay không, nhưng nhiều thông tin cho rằng ông sẽ không dự lễ tuyên thệ của người kế nhiệm và thay vào đó sẽ tổ chức một sự kiện chính trị ở một nơi khác.

Tình huống chưa có tiền lệ

Vậy điều gì sẽ xảy ra với “quả bóng hạt nhân” - chiếc cặp đen vốn thường xuất hiện bên cạnh tổng thống, nếu ông Trump không xuất hiện? Nó sẽ được chuyển đến tay Biden như thế nào?

“Đó là một câu hỏi rất hay và cũng là một tình huống chưa từng có tiền lệ”, Hans Kristensen, một chuyên gia vũ khí hạt nhân tại Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ nói với Insider.

Tổng thống có thẩm quyền độc nhất để tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân, và cho dù ở bất cứ đâu, ông cũng luôn có một trợ lý quân sự tháp tùng. Người này sẽ mang theo chiếc cặp được gọi là “chiếc cặp khẩn cấp của tổng thống”, hay phổ biến hơn là “quả bóng hạt nhân”.

Mọi tổng thống Mỹ từ thời John F. Kennedy luôn được tháp tùng bởi một trợ lý mang theo chiếc cặp “quyền lực”, trong đó trao cho “tổng tư lệnh” khả năng điều hành các lực lượng hạt nhân của Mỹ dù ở cách xa các trung tâm tư lệnh và điều khiển hàng vạn dặm.

Chiếc cặp không chứa nút bấm có thể ngay lập tức khai hỏa hàng trăm đầu đạn hạt nhân được triển khai trên các tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa phóng từ tàu ngầm và các máy bay ném bom chiến lược. Thay vào đó, chiếc vali chứa các công cụ liên lạc, mật mã và các lựa chọn cho chiến tranh hạt nhân.

Ngoài “quả bóng hạt nhân”, các tổng thống còn đem theo trên người một tấm thẻ, đôi khi được gọi là “bánh quy” (biscuit), có chứa các mật mã xác nhận. Trong trường hợp xảy ra xung đột hạt nhân, tổng thống sẽ sử dụng các mật mã này cùng với các công cụ trong chiếc cặp để xác nhận bản thân mình với quân đội và ra lệnh tấn công hạt nhân.

Các tổng thống đắc cử thường được thông báo về trách nhiệm hạt nhân của mình trước khi tuyên thệ nhậm chức. Trong ngày nhậm chức, các mật mã mà họ nhận được trong buổi sáng hôm đó hoặc ngày trước đó bắt đầu có hiệu lực, và quyền kiểm soát “quả bóng hạt nhân” được chuyển giao một cách lặng lẽ và suôn sẻ cho tân tổng thống.

Trả lời phỏng vấn ABC News năm 2017, Tổng thống Trump từng mô tả khoảnh khắc này là “lạnh gai người” và “rất đáng sợ”.

Lầu Năm Góc đã có sẵn kịch bản

Việc chuyển giao “quả bóng hạt nhân” được cho là diễn ra vào buổi trưa khi tân tổng thống tuyên thệ. Trợ lý quân sự - người xách chiếc cặp hạt nhân sẽ bàn giao nó cho trợ lý quân sự mới, cựu Phó Tổng thống Dick Cheney cho biết trong một bộ phim tài liệu của Discovery. Truyền thống này diễn ra bên lề chứ không phải là một phần của sự kiện.

Nếu Tổng thống Trump không tới dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm, thì quá trình chuyển giao này sẽ có sự khác biệt. Dù vậy, việc chuyển giao sẽ phải thực hiện ngay lập tức, theo trung tá nghỉ hưu của Không quân Mỹ Buzz Patterson, người từng xách chiếc vali hạt nhân cho Tổng thống Bill Clinton. Cách thức diễn ra như thế nào sẽ tùy thuộc vào Lầu Năm Góc.

{keywords}
Một trợ lý quân sự mang theo “chiếc cặp khẩn cấp của tổng thống”. Ảnh: AP

Người phát ngôn Lầu Năm Góc nói với Insider rằng Bộ Quốc phòng đã có kế hoạch chuyển giao trong Ngày Nhậm chức nhưng từ chối tiết lộ thông tin cụ thể.

“Chúng tôi đã có sự sắp xếp cho vấn đề này và đã thực hiện nó năm này qua năm khác. Có những hệ thống được đặt ra để đảm bảo việc chuyển giao sẽ diễn ra ngay lập tức. Cũng không có bất cứ câu hỏi nào về việc ai sẽ cầm nó, ai sẽ chịu trách nhiệm về nó vào thời điểm cần chuyển giao. Chúng tôi không coi nhẹ vấn đề này. Không có sự ngắt quãng nào. Đó là cách mọi thứ sẽ diễn ra”, Patterson nói.

Kristensen, chuyên gia vũ khí hạt nhân tại Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, nhận định rằng kế hoạch này có thể giống với các kế hoạch được đặt ra trong tình huống tổng thống bất ngờ qua đời hoặc mất năng lực. Khi đó quyền chỉ huy và kiểm soát hạt nhân cùng các thiết bị đi kèm khác phải được chuyển giao ngay lập tức cho phó tổng thống hoặc người sống sót cụ thể.

Stephen Schwartz, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Mỹ mới đây đã thảo luận với Trung tâm về kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị về những gì có thể xảy ra với chiếc cặp hạt nhân nếu ông Trump không dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm.

Theo ông Schwartz, không chỉ có 1 chiếc cặp hạt nhân, mà có ít nhất 3 chiếc như vậy, cho tổng thống, phó tổng thống và cho người sống sót cụ thể.

Chiếc cặp hạt nhân cho tân tổng thống sẽ được chuẩn bị trước lễ nhậm chức. Sẽ có một trợ lý quân sự sẵn sàng và luôn ở bên cạnh Biden ngay khi ông nhậm chức. Vào thời điểm đó, quyền chỉ huy và kiểm soát hạt nhân của ông Trump cũng sẽ hết hiệu lực.

“Hy vọng Tổng thống Trump sẽ ở đó và đó sẽ là một cuộc chuyển giao như đã diễn ra hàng chục năm qua” Patterson nói.

Theo vov.vn

Ông Trump định sa thải Bộ trưởng Tư pháp vì vụ con trai ông Biden

Ông Trump định sa thải Bộ trưởng Tư pháp vì vụ con trai ông Biden

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập đến khả năng sa thải Bộ trưởng Tư pháp William Barr trong một cuộc họp ở Nhà Trắng vì không hài lòng cách quan chức này xử lý vụ điều tra con trai đối thủ Joe Biden.

Tổng thống Putin nhận định về tương lai của ông Trump

Tổng thống Putin nhận định về tương lai của ông Trump

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có những nhận định thú vị về tương lai của người đồng cấp Mỹ Donald Trump sau khi kết thúc nhiệm kỳ.