Tài năng đặc biệt này của ông được biết đến lần đầu tiên vào năm 1953, khi nhà cách mạng bị đưa ra xét xử liên quan vụ tấn công trại lính Moncada. Trước tòa án, ông đã tự bào chữa cho mình bằng bài phát biểu dài hơn 4 tiếng đồng hồ có tựa đề "Lịch sử sẽ bào chữa cho tôi", nhằm tìm cách truyền cảm hứng cho người dân Cuba tham gia cuộc khởi nghĩa chống lại nhà độc tài quân sự Fulgencio Batista.

{keywords}
ông  Fidel Castro tự bào chữa cho mình.

Do lo sợ về những gì Fidel Castro sẽ tố cáo bị lọt ra ngoài, các quan tòa tiến hành phiên xử ở một phòng bệnh, nhằm tránh xa tầm mắt công chúng.

Ông Fidel Castro bắt đầu bằng một bản cáo trạng gay gắt về các hành động của tòa án:

"Tôi cảnh báo các người, thật không thích hợp khi thực thi công lý tại một phòng bệnh đầy lính gác với lưỡi lê bao quanh, bởi vì người dân có thể nghĩ rằng công lý của chúng ta bị bệnh… và bị bỏ tù".

Batista đã đúng khi lo sợ về một phiên xử công khai. Ông Fidel đã dành một phần bài phát biểu để phơi bày chi tiết những hành động tàn bạo mà quân đội đã gây ra sau khi cuộc tấn công Moncada kết thúc.

Khi phản bác những tuyên bố của Batista rằng quân khởi nghĩa là những chuyên gia quân sự nhằm biện minh cho việc rất nhiều người của ông ta đã thiệt mạng trong trận chiến, người hùng Fidel Castro nhấn mạnh:

"Đó là cách mọi người chiến đấu khi họ muốn giành lại quyền tự do của mình: họ dùng đá để chiến đấu với máy bay, và họ lật ngược những chiếc xe tăng".

Ông Castro còn đưa ra một định nghĩa đẹp về "nhân dân" để giải thích cuộc Cách mạng là vì ai:

"Khi nói đến nhân dân, chúng ta không nói về những thành phần giàu có và bảo thủ của đất nước, vì với họ, bất kỳ chế độ đàn áp nào, bất kỳ chế độ độc tài nào, bất kỳ chế độ chuyên chế nào đều thích hợp cả; họ quỳ gối trước mọi chủ nhân… Những gì chúng ta hiểu về "nhân dân", khi chúng ta nói về cuộc đấu tranh, là số đông không được đền đáp, là những người bị lừa dối và phản bội, những người khao khát có một quê hương tốt đẹp hơn, đàng hoàng hơn, công bằng hơn… Những người lay chuyển vì khao khát công lý, vì họ phải chịu đựng sự bất công và bị khinh thường từ thế hệ này sang thế hệ khác…".

Trong suốt quá trình bào chữa, ông Fidel Castro không phủ nhận đã dẫn đầu cuộc tấn công.

"Những kẻ mị dân và chính trị gia chuyên nghiệp muốn làm nên phép màu là trở nên tốt đẹp trong mọi điều và với mọi người, nhất định phải đánh lừa mọi người trong tất cả mọi thứ. Những nhà cách mạng thì dám tuyên bố lý tưởng của mình, định rõ các nguyên tắc của riêng mình, và bày tỏ ý định của mình để không lừa dối ai, cả bạn hữu và kẻ thù".

Sau đó, ông giải thích sự cần thiết phải có một cuộc Cách mạng, lột tả tình trạng phân bổ đất đai quá bất công.

"Hơn một nửa diện tích đất canh tác có năng suất tốt nhất hiện nay đang nằm trong tay người nước ngoài... Có 200.000 gia đình nông dân không có đất để trồng cây lương thực cho những đứa con đói khổ của họ, nhưng một lượng lớn đất sản xuất vẫn bị bỏ hoang trong tay các nhóm lợi ích đầy quyền lực".

Ông Fidel Castro nêu ra những điều kiện kinh khủng mà người dân Cuba của ông buộc phải sống trong đó.

"Người ta chỉ có thể thoát khỏi khổ đau thông qua cái chết; và nhà nước tiếp tay cho điều đó: bằng cái chết. … Xã hội rúng động trước tin tức về vụ bắt cóc hoặc giết hại một đứa trẻ, nhưng lại thờ ơ với tội giết người hàng loạt nhằm vào hàng ngàn hàng ngàn trẻ em, những đứa trẻ thiệt mạng mỗi năm vì thiếu nguồn lực, vật lộn giữa đau đớn và những đôi mắt ngây thơ, vốn đã mang sẵn những tia chết chóc, dường như đang hướng về Thượng đề như muốn cầu xin tha thứ cho sự ích kỷ của con người".

{keywords}
Ông Fidel Castro bị thẩm vấn sau cuộc tấn công trại lính Moncada. Ảnh: BBC

Tiếp theo, ông Fidel Castro lên án các thẩm phán của tòa vì không thực thi công lý.

"Các ông đưa người đàn ông bất hạnh ăn trộm vì đói khát vào tù, nhưng không ai trong số hàng trăm tên trộm ăn cắp hàng triệu đôla của nhà nước phải trải qua dù chỉ một đêm sau song sắt: Các ông ăn tối với họ vào dịp năm mới, ở một nơi xa hoa nào đó, và các ông kính trọng họ".

Về Công lý cho các đồng chí của mình, ông Fidel Castro tuyên bố trước tòa:

"Các ông không thể trả bằng máu cho những mạng sống đã hy sinh vì hạnh phúc của một dân tộc; hạnh phúc của dân tộc đó là cái giá xứng đáng nhất có thể trả cho họ. Hơn thế nữa, các đồng đội của tôi sẽ không bị lãng quên và không chết; họ sống lâu hơn bao giờ hết, và những kẻ giết họ, trong nỗi khiếp đảm, sẽ nhìn thấy bóng dáng chiến thắng trỗi dậy từ thi thể anh hùng của họ".

Sau đó, ông Fidel Castro đặt câu hỏi về tính chính trực và dũng cảm của các quan tòa, nhắc nhở họ rằng khi còn trẻ, chính ông đã yêu cầu xét xử Batista về những tội ác chống lại nền Cộng hòa.

"Các ông sẽ nói với tôi rằng khi ấy, các thẩm phán của nước Cộng hòa không hành động vì bị vũ lực ngăn cản. Sau đó thì thú nhận: Lần này, vũ lực lại bắt buộc các ông phải kết án tôi. Lần đầu, các ông không thể trừng trị kẻ có tội; lần hai, các ông phải phạt người vô tội. Lưỡi hái công lý bị vũ lực xâm phạm hai lần".

Cuối cùng, ông Fidel Castro kết luận:

"Tôi kết thúc sự bào chữa của mình. Tôi sẽ không làm điều giống như các luật sư vẫn thường làm, yêu cầu tự do cho các bị cáo; Tôi không thể yêu cầu điều đó khi các đồng đội của tôi đang phải chịu cảnh tù đày ở Isla de Pinos. Hãy đưa tôi đến với họ để chia sẻ số phận của họ... Tôi biết tù đày sẽ khổ ải, lại đầy rẫy mối đe dọa cùng sự tàn ác khốn nạn và hèn nhát. Nhưng tôi không sợ điều đó, vì tôi không sợ cơn thịnh nộ của kẻ bạo ngược đáng thương, kẻ đã tước đi mạng sống của bảy mươi người anh em của tôi. Kết tội tôi, điều đó không quan trọng, lịch sử sẽ bào chữa cho tôi".

Phiên tòa sau đó khép lại với bản án 15 năm tù dành cho ông Fidel Castro. Sau 22 tháng trong tù, những người khởi nghĩa đã được trả tự do vì Batista ra lệnh ân xá chung trước sức ép của dân chúng.

Năm 1955, ông Fidel Castro đi lưu vong. Một năm sau, ông và 82 nhà cách mạng đổ bộ lên bờ biển Cuba. Hầu hết họ hy sinh trong một trận chiến với quân đội chính phủ. Các ông Fidel Castro, Raul Castro, Ernesto Guevara, Camilo Cienfuegos và một số người khác sống sót và phát động chiến tranh du kích chống lại chính phủ Batista. Cuối cùng, họ giành chiến thắng vào tháng 1/1959.

Thanh Hảo

'Tôi sẵn sàng chết đi', bài phát biểu để đời của Nelson Mandela

'Tôi sẵn sàng chết đi', bài phát biểu để đời của Nelson Mandela

"Tôi sẵn sàng chết đi" là tựa đề bài phát biểu dài 3 tiếng đồng hồ của Nelson Mandela ngày 20/4/1964, được xếp vào danh sách những diễn văn làm thay đổi thế giới.