Năm 1976, một phi công Liên Xô lái chiếc chiến đấu cơ tối mật hạ cánh xuống Nhật để xin tị nạn tại Mỹ. Vụ việc khiến Liên Xô tức điên nhưng lại khiến Mỹ bất ngờ.
Siêu máy bay bí ẩn xuất hiện
Ngày 6/9/1976, một chiếc máy bay lộ ra khỏi các đám mây gần thành phố Hakodate, phía bắc đảo Hokkaido. Đó là một chiếc máy bay hai động cơ, không phải loại máy bay bay chặng ngắn mà hãng hàng không Hakodate vẫn sử dụng. Chiếc máy bay này to, thân màu xám và có các ngôi sao đỏ của Liên Xô. Không ai ở phương Tây từng thấy máy bay này.
Máy bay lạ hạ cánh xuống đường băng bằng bê tông và nhựa đường của Hakodate. Tuy nhiên, đường băng quá ngắn và chiếc máy bay phải chạy hàng trăm mét trên mặt đất rồi mới dừng lại ở cuối sân bay. Phi công trèo khỏi buồng lái và bắn hai phát súng cảnh cáo. Chỉ vài phút sau, các quan chức sân bay từ trong nhà ga lái xe ra và gặp phi công trên. Đó là trung úy Viktor Ivanovich Belenko, 29 tuổi, thuộc không quân Liên Xô và người này thông báo nguyện vọng đào tẩu.
Mỹ lầm tưởng không một máy bay nào của Mỹ có thể theo kịp máy bay bí mật của Liên Xô |
Đây không phải là một cuộc đào tẩu thông thường. Belenko không đi vào đại sứ quán nào đó hay nhảy khỏi tàu khi cập cảng ngoại quốc. Chiếc máy bay mà phi công này lái đến Nhật là chiếc Mikoyan-Gurevich MiG-25. Đây là chiếc máy bay bí mật nhất mà Liên Xô từng chế tạo.
Mỹ mòn mỏi hóng thông tin chiến đấu cơ Nga
Phương Tây bắt đầu nắm được thông tin về chiếc MiG-25 vào năm 1970. Các vệ tinh do thám sân bay Liên Xô đã ghi được hình ảnh một loại máy bay mới đang được bí mật thử nghiệm. Máy bay này giống như một chiếc chiến đấu cơ cực lớn và quân đội phương Tây rất lo lắng khi phát hiện ra một đặc điểm: đó là cánh máy bay cực lớn.
Máy bay chiến đấu nếu có đôi cánh lớn thì rất hữu dụng, nó giúp cất cánh nhanh và giảm trọng lượng phân bố trên cánh, giúp máy bay hoạt động linh hoạt và chao lượn dễ hơn. Chiếc máy bay Liên Xô này dường như còn có thêm hai động cơ cực lớn. Vậy, nó sẽ bay nhanh tới mức nào? Liệu có máy bay nào của Mỹ hay của quân đội các nước khác theo kịp được không?
MiG-25 |
Khi Liên Xô bắt đầu đưa chiếc MiG-25 (còn gọi là Foxbat) vào sản xuất hồi những năm 1960, giới chức Mỹ gần như phát điên. Theo Washington, loại máy bay này bay nhanh hơn, hiện đại hơn và có khả năng đánh chặn tốt hơn bất cứ máy bay nào khác được sản xuất. Mỹ lo sợ nước này đang tụt xa so với Nga trong cuộc đua kiểm soát bầu trời.
Tháng 3/1971, Israel phát hiện một chiếc máy bay lạ có thể tăng tốc lên tới Mach 3.2 (gấp 3 lần tốc độ âm thanh) và lên tới độ cao gần 20km. Israel và các cố vấn Mỹ chưa từng thấy một máy bay nào như vậy. Vài ngày sau, chiến đấu cơ Israel lại bắt gặp máy bay trên và cố chặn nó lại nhưng không thể vì không làm cách nào tiến gần máy bay này.
Tháng 11/1971, chiến đấu cơ Israel đã phục kích một trong những máy bay xâm nhập bí mật, nã tên lửa dồn dập. Tuy nhiên, cuộc tấn công không thành công khi mục tiêu lạ tăng tốc lên tới gần gấp 3 tốc độ âm thanh. Chiếc máy bay lạ mau chóng thoát khỏi khu vực nguy hiểm trước khi tên lửa nổ.
Lầu Năm Góc đã ráp hai sự kiện với nhau và họ cho rằng chiến đấu cơ của Liên Xô có thể bay nhanh hơn và vượt qua bất kỳ mọi máy bay thuộc không quân Mỹ. Đầu thập niên 1970, giới chức quân sự Mỹ không biết gì về năng lực của Mig-25 dù đã gán bí danh Foxbat cho nó. Mỹ chỉ có thể thu thập thông tin về chiếc máy bay tối mật của Liên Xô qua các tấm ảnh nhòe chụp từ ngoài không gian và từ các đốm sáng trên màn hình radar ở trên Địa Trung Hải. Trong lúc chưa có được một máy bay bí mật trên thì MiG vẫn là một mối đe dọa bí ẩn.
Ngày này năm xưa: Sự kiện khiến Liên Xô tức điên, Mỹ hoan hỉ |
Giải mật siêu chiến đấu cơ thần thánh
Mãi cho tới ngày 6/9/1976, giới chức Mỹ mới được nhìn tận mắt, sờ tận tay chiếc máy bay bí mật của Liên Xô. Trong chuyến bay huấn luyện cùng đồng đội, phi công Belenko phá đội hình và chỉ vài phút sau, chiếc MiG-25 mà người này lái đã hướng về phía Nhật. Phi công Belenko năm 1996 nói với tạp chí Full Context rằng mình đào tẩu vì bị vỡ mộng với nhà nước và xã hội Liên Xô thời đó, theo BBC.
Để tránh radar quân sự của Liên Xô và Nhật, Belenko đã bay rất thấp, khoảng 30m trên mặt biển. Khi đã đi đủ sâu vào không phận Nhật, phi công này nâng độ cao lên 6.000m để radar Nhật có thể nhận biết được sự hiện diện. Phia Nhật đã cố ra hiệu cho máy bay song radio của Belenko bắt nhầm tần số. Sau đó, chiến đấu cơ Nhật xuất kích nhưng cùng lúc, Belenko lại hạ độ cao một lần nữa và chiếc MiG-25 biến mất khỏi màn hình radar Nhật.
Vào thời điểm đó, viên phi công Liên Xô bay theo trí nhớ, dựa trên bản đồ đã nghiên cứu từ trước khi cất cánh. Belenko định lái máy bay tới căn cứ không quân Chitose nhưng do nhiên liệu sụt giảm, phi công này buộc phải hạ cánh xuống sân bay gần nhất, và đó là Hakodate.
Sau khi hạ cánh xuống Nhật, Belenko bị cảnh sát Nhật bắt và tại đây, anh ngay lập tức xin tị nạn ở Mỹ. Các chuyên gia Mỹ đã mau chóng tới hiện trường để xem máy bay. CIA không thể tin tại sao họ lại may mắn tới vậy.
Liên Xô giận dữ, Mỹ vui và bất ngờ
Belenko đã được đưa tới Mỹ và tị nạn chính trị ở nước này sau khi đã trả lời đầy đủ các câu hỏi của giới chức Nhật và Mỹ. Chiếc MiG-25 được đưa tới một căn cứ không quân gần Hakodate rồi được tháo thành từng mảnh để các chuyên gia Mỹ nghiên cứu suốt nhiều tuần lễ.
Với Liên Xô, vụ việc về chiếc MiG-25 này là sự xấu hổ về ngoại giao và quân sự. Một trong những chiếc máy bay hiện đại nhất rơi vào tay kẻ thù là rất mất thể diện và được coi là bước lùi với chương trình vũ khí Liên Xô.
Trong khi đó, với Mỹ đây lại là niềm vui bất ngờ. Sau khi kiểm tra kỹ càng chiếc MiG-25, các chuyên gia nhận ra, chiếc máy bay này không như những gì họ vẫn nghĩ. Máy bay này bay khá nhanh nhưng gần như không có khả năng tham chiến ở cự ly gần. Ngoài ra, công nghệ điện tử của máy bay dường như còn kém xa so với máy bay Mỹ. Vụ việc về chiếc MiG-25 cho thấy, giới chức Mỹ đã đánh giá mối đe dọa từ Liên Xô quá cao nhằm thúc đẩy tăng chi tiêu quân sự.
Hoài Linh
Ngày này năm xưa: Thảm kịch trên tàu vũ trụ Liên Xô
Sáng sớm ngày 30/6/1971, ba phi hành gia Liên Xô được phát hiện đã chết trên tàu vũ trụ Soyuz 11 do tình trạng giảm áp khi tàu trở lại khí quyển trái đất.
Ngày này năm xưa: Kế hoạch ghê rợn Hitler định dùng cho Liên Xô
Kế hoạch ghê rợn mà trùm Đức Quốc xã Adolf Hitler định áp dụng cho Liên Xô khi xâm chiếm nước này vào năm 1943 có thể khiến hàng triệu người chết, Moscow bị san bằng.
Ngày này năm xưa: Cuộc chiến ít biết giữa Liên Xô và Trung Quốc
Cuộc xung đột giữa Liên Xô và Trung Quốc về Đường sắt phía đông Trung Quốc (CER) có thể được coi là liên quan tới biên giới.
Ngày này năm xưa: Tổng thống Mỹ thách thức lãnh đạo Liên Xô
Ngày 12/6/1987, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan thách thức lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev "kéo đổ" bức tường phân chia Đông Đức với Tây Đức ở Berlin.
Ngày này năm xưa: Đảo chính không thành tại Liên Xô
Ngày 19/8/1991, những người theo đường lối cứng rắn ở Liên Xô tiến hành một cuộc đảo chính chống nhà lãnh đạo thời đó là ông Mikhail Gorbachev.