Trong những kỳ công của hệ thống đó phải kể đến xa lộ Seoul-Busan, công trình xây dựng cầu đường lớn nhất trong lịch sử nước này, được xây dựng cuối thập niên 1960. Đây là một trong những công trình đã giúp Hàn Quốc bứt phá ngoạn mục thành một trong những cường quốc thế giới.
Một phần xa lộ Seoul-Busan nhìn từ trên cao. Ảnh: Korea Expressway Corp. |
Vào thập niên 1960, đất nước non trẻ Hàn Quốc đang nếm trải đói nghèo và sự tàn phá của chiến tranh, không có tiền, không có công nghệ và chưa có phương pháp xây dựng cao tốc. Vì vậy, kế hoạch xây cao tốc bằng niềm tin và trên tinh thần "cứ làm thôi" của Tổng thống Park Chung Hee đã khiến nhiều người nghĩ ông ảo tưởng.
"Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất thời điểm đó là 'Tiền đâu?' Người ta cho rằng, nếu có tiền để trải đường thì trước hết nên ưu tiên dùng tiền để cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp nông thủy sản một cách ổn định cho người dân", kênh truyền hình KBS dẫn lời Tiến sĩ Cheon Kyu-seung thuộc Viện Phát triển Hàn Quốc. "Cũng có ý kiến rằng đường bình thường còn chưa có, nói gì đến đường cao tốc".
Mạng lưới các đường cao tốc của Hàn Quốc. Ảnh: ResearchGate |
Tuy nhiên, Tổng thống Park không lùi bước và quyết tâm huy động nguồn lực kỹ sư từ quân đội, bắt tay thực hiện dự án. Ông đặt ra hai mục tiêu: giải quyết giao thông cho phát triển kinh tế và đem lại cho người dân Hàn Quốc một niềm tin mới về khả năng xây dựng và sáng tạo của họ.
Khi nêu ra đề án xây dựng xa lộ với 4 làn xe chạy, vươn qua những rặng núi và địa thế hiểm trở, Park Chung Hee đã đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ở trong nước, Quốc hội phản đối thẳng thừng, và nhiều nhà lập pháp, kể cả các thành viên thuộc đảng cầm quyền, không tin dự án sẽ thành công. Họ cho rằng, chi phí xây dựng và bảo trì con đường sẽ đẩy Hàn Quốc tới bờ vực phá sản. Ở ngoài nước, Ngân hàng Thế giới (WB) cùng không ít thể chế tài chính khác cũng có nhận định tương tự.
Trước đó, vào năm 1964, Park Chung Hee đã tới thăm Tây Đức và ấn tượng rất lớn với hệ thống xa lộ Autobahn. Sau khi trở về từ hành trình này, ông đã coi việc xây dựng xa lộ là một vấn đề hàng đầu của đất nước.
Tổng thống Park Chung Hee đích thân chỉ đạo xây dựng xa lộ Seoul – Busan. Ảnh: JoongAng Ilbo |
Vấp phải sự phản đối nhưng Park Chung Hee vẫn đề cao quyết tâm. Ông tập hợp các báo cáo chuyên ngành và của cố vấn ở trong nước cũng như ngoài nước, thu thập tất cả những tài liệu về xây dựng xa lộ từ miền núi Andes ở Nam Mỹ tới Siberia của Liên Xô, rồi tự mình nghiền ngẫm. Sau đó, cùng với các kỹ sư xây dựng, ông đích thân đi trực thăng lên, xuống và lượn qua khắp những vùng núi non hiểm trở để khảo sát địa hình và ghi nhận thực tế.
Ngày 1/2/1968, Park Chung Hee ra lệnh khởi công dự án có độ dài 428km, băng qua hơn 200 cây cầu và 6 đường hầm chính. Đến hết tháng 6/1970, phần thi công cuối cùng ở đoạn Daejeon - Daegu hoàn tất và xa lộ lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc chính thức khai thông.
Các chuyên viên vận tải thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, với số tiền chỉ 330 USD xây dựng một km đường, đây là chi phí thấp nhất trong lịch sử xây dựng xa lộ loại này.
Hệ thống giao thông công cộng của Hàn Quốc được đánh giá thuộc diện tốt nhất thế giới về nhiều mặt. Ảnh: Tellerreport |
Và đúng như những gì Park Chung Hee kỳ vọng, trong 3 năm đầu, xa lộ Seoul - Busan đã được sử dụng hữu hiệu để phục vụ cho một khu vực tạo ra 70% tổng sản lượng quốc gia, và chiếm tới 80% lượng xe lưu thông trong nước. Con đường kết nối hiệu quả cả về địa hình lẫn thời gian giữa các nhà máy sản xuất và các khu vực tiêu thụ, góp phần giúp cho Hàn Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế như mong đợi.
Một kỹ sư thuộc Bộ Xây dựng Hàn Quốc đã làm việc trực tiếp 18 tháng ở Công trường Xây dựng Xa lộ đã mô tả về Park Chung Hee như sau: "Sau một thời gian, tôi thấy ông giống một nhạc trưởng. Với chiếc trực thăng và cây gậy, ông lên xuống, lần này với một toán nhà địa chất để tìm hiểu có gì trục trặc mà vách núi đã sập trên những người xây dựng đường hầm, lần khác với mấy nhà thủy học của Liên Hợp Quốc để kiểm tra các họa đồ viên đã ghi sai mực nước ngầm ra sao. Nếu ngày thứ Ba không có được câu trả lời thì ông sẽ trở lại với vấn đề này ngày thứ Năm hoặc thứ Bảy".
Coi việc hoàn thành con đường như là một nhiệm vụ lịch sử, Tổng thống Park Chung Hee đã đích thân làm lễ tuyên thệ cho những sĩ quan trẻ được tuyển chọn trong Đoàn Kỹ sư Công binh làm đốc công và chuyên viên sửa chữa máy móc, với lời thề: "Nguyện hiến thân cho Tổ quốc phồn vinh, cho Nhân dân hạnh phúc. Chịu bất cứ hình phạt gì nếu không làm tròn nhiệm vụ".
Biểu đồ Sự phát triển mạng lưới cao tốc của Hàn Quốc. Ảnh: Skyscrapercity |
Ngày nay, xa lộ Seoul - Busan được ca ngợi vì lý do lịch sử hơn là giá trị sử dụng, theo BBC. Sang cuối thập niên 1990 và đầu 2000, Hàn Quốc cho xây tuyến xe lửa siêu tốc Seoul – Busan, thể hiện một trình độ công nghệ thế hệ khác hẳn so với thập niên 1970. Khi đó, kinh tế nước này đã vươn lên vị trí thứ 27 trên toàn thế giới.
Thanh Hảo
Điểm danh những “đại gia” công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc
Nhờ áp dụng những tiến bộ công nghệ, đến nay, ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP) Hàn Quốc đã đủ khả năng sản xuất nhiều hệ thống vũ khí hiện đại.