World Friends Korea là một phiên bản tương tự tổ chức tình nguyện Đoàn hòa bình của Mỹ. Tổng thống Lee và đệ nhất phu nhân tươi cười đứng giữa các tình nguyện viên trẻ, những người đang sẵn sàng lên đường thực hiện sứ mệnh ở nước ngoài để xây dựng "làng toàn cầu tốt đẹp hơn".
Vợ chồng Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak (giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng các tình nguyện viên trẻ thuộc chương trình “Hàn Quốc,người bạn của thế giới” (World Friends Korea) tại Nhà Xanh ngày 7/5/2009. Ảnh: Korea Times |
Cảnh tượng hoàn toàn khác những ngày đầu khi người Hàn Quốc phải phụ thuộc vào viện trợ của nước ngoài để giúp họ thoát khỏi tình trạng kiệt quệ, đổ nát sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953).
Khởi đầu khó khăn
Trong một bài viết đăng tải trên trang web của Viện nghiên cứu, tư vấn chính sách Brookings, chuyên gia người Mỹ gốc Á Kongdan Oh đã nhớ lại khoảng thời gian khốn khó, khi gia đình bà còn sống ở Hàn Quốc vào những thập niên 50 - 60 của thế kỷ trước. Chiến tranh đã tàn phá Hàn Quốc một cách nặng nề, khiến hàng triệu người thiệt mạng và bị thương, làm những người sống sót hoảng sợ và vô số gia đình phải ly tán hoặc tha hương như gia đình bà Oh.
Khi cuộc chiến kết thúc, nhiều thành phố Hàn Quốc chỉ còn là đống tro tàn, trong khi các vùng nông thôn cũng không còn đủ lương thực, thực phẩm cho người dân, khiến nạn đói hoành hành. Nền kinh tế lạc hậu, chủ yếu dựa vào nông nghiệp với thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 67 USD/năm và mãi tới năm 1961 vẫn ở mức dưới 80 USD/năm, tương đương các nước nghèo nhất Nam Á và châu Phi hiện nay.
Tuy nhiên, chỉ hơn bốn thập niên sau, Hàn Quốc đã vươn lên thành một nước công nghiệp phát triển thuộc tốp đầu châu Á và được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới xét về GDP vào năm 2016. GDP bình quân đầu người của nước này năm 2018 đã vượt ngưỡng 30.000 USD/năm.
Kỳ tích sông Hàn
Hàn Quốc đã có sự chuyển biến mau lẹ mà hầu hết các quốc gia khác phải mất gần một thế kỷ mới đạt được và trở thành hình mẫu thành công cho nhiều nước đang phát triển học tập. Vậy, những yếu tố chính nào đứng sau câu chuyện mà thế giới vẫn ngợi ca là "Kỳ tích sông Hàn"?
Báo Korean Times trích dẫn lời các nhà nghiên cứu cho hay, thành công của Hàn Quốc do sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến "ppalli ppalli" (có nghĩa là "nhanh lên" trong tiếng Hàn), một nét văn hóa quan trọng của người dân xứ sở kim chi.
Sau khi thoát khỏi chiến tranh, người Hàn Quốc đã bị thôi thúc bởi quan niệm rằng "Ta đang bị chậm trễ". Họ tin mình phải nỗ lực để bắt kịp các nước khác trên thế giới. Ppalli ppalli bắt nguồn từ thái độ cạnh tranh và cả tính cần mẫn của người dân địa phương.
Giai đoạn chuyển mình của Hàn Quốc bắt đầu từ thập niên 1960, khi nước này bắt tay thực hiện một loạt kế hoạch kinh tế 5 năm do Tổng thống Park Chung-hee, vị tướng lên nắm quyền từ năm 1963, đề ra. Không chỉ dựa vào viện trợ của Mỹ và các tổ chức quốc tế, ông Park đã cho thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng rất hà khắc, mọi người dân "phải làm việc nếu muốn sống còn" nhằm huy động toàn bộ sức dân vào công cuộc phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, chính quyền ông Park cho xúc tiến hàng loạt chính sách đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng tối đa nguồn lao động giá rẻ; mở cửa thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài; tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp nặng (ví dụ như đóng tàu, sản xuất ôtô, máy phát điện, máy móc hạng nặng, máy móc diesel) và tăng tốc hiện đại hóa đất nước.
Emanuel Pastreich, Chủ tịch Viện châu Á tại Washington (Mỹ) lưu ý, một bí quyết thành công của Hàn Quốc là dù khuyến khích vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhưng họ vẫn thận trọng, chỉ mở cửa cho các khoản đầu tư quốc tế phù hợp với mục tiêu tự cung khoa học của quốc gia. Cùng với đó, những tập đoàn gia đình trong nước như Hyundai, Samsung và LG ra đời và nhận được các ưu đãi lớn từ chính phủ như giảm thuế, cho vay giá rẻ, tạo điều kiện đẩy mạnh khai thác, phát triển để trở thành những doanh nghiệp đa quốc gia lớn.
Ngân hàng thế giới (WB) thống kê, với chiến lược đúng đắn, tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc tăng từ 32 triệu USD vào năm 1960 lên 10 tỷ USD năm 1977, và GDP tăng từ gần 4 tỷ USD lên xấp xỉ 38,5 tỷ USD trong cùng khoảng thời gian. Vào thời điểm ông Park qua đời năm 1979, GDP bình quân đầu người ở nước này đã tăng gần 19 lần lên hơn 1.500 USD/năm, với tốc độ tăng trưởng đạt mức kỷ lục 14,83% vào năm 1973.
Đổi mới để vươn lên mạnh mẽ
Các nhà lãnh đạo kế nhiệm ông Park tiếp tục theo đuổi những chính sách chú trọng xuất khẩu, đưa Hàn Quốc hiện trở thành một trong 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới, với tổng doanh thu từ lĩnh vực này cán mốc 494 tỷ USD vào năm 2016. Tỉ trọng xuất khẩu trong tổng GDP của Hàn Quốc tăng từ 25,9% năm 1995 lên 56,3% năm 2012.
Kể từ năm 1990, Hàn Quốc bắt đầu xúc tiến các kế hoạch chuyển hướng sản xuất sang các ngành công nghiệp công nghệ cao như điện tử, vật liệu mới, robot, công nghệ sinh học, hàng không vũ trụ; đồng thời điều chỉnh hệ thống chính sách xã hội cho phù hợp tình hình mới, nâng cao trình độ của lực lượng lao động trong nước thông qua chú trọng đào tạo, đưa người ra nước ngoài học hỏi kiến thức, công nghệ và phương pháp sản xuất tân tiến để mang về nước áp dụng một cách có chọn lọc.
Chuyên gia kinh tế Ana Maria Santacreu chỉ ra rằng, việc không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh và khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới sáng tạo là hai yếu tố khác giúp nền kinh tế Hàn Quốc tạo nên Kỳ tích sông Hàn. Nước này là một trong số ít quốc gia phát triển tránh được suy thoái kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và chỉ mất 1 năm để GDP bật tăng 6,2% sau khi lao dốc xuống 0,2% năm 2009 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đó.
Sự nỗ lực của nhiều thế hệ đã giúp Hàn Quốc vươn lên mạnh mẽ. Theo các dữ liệu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 15/3 vừa qua, GDP của Hàn Quốc trong năm 2020 ước tính đạt 1.620 tỷ USD, vượt Nga và Brazil trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới, tăng 2 bậc so với một năm trước đó.
Tuấn Anh
Kỳ tích ‘tay không làm cao tốc’ của Hàn Quốc
Hệ thống giao thông công cộng của Hàn Quốc được đánh giá thuộc diện tốt nhất thế giới về "tính hiệu quả, giá thành, độ tin cậy và đổi mới".
K-pop đã giúp Hàn Quốc phát triển kinh tế 'thần kỳ' thế nào?
Không chỉ mang lại doanh thu khổng lồ cho nền kinh tế, K-pop còn đóng góp lớn vào quảng bá du lịch và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng cho Hàn Quốc.