Chính phủ Indonesia bắt đầu bàn tính mời Nhật Bản tham gia dự án đường sắt cao tốc nối Jakarta với Bandung, với hy vọng đẩy nhanh tiến độ đối với công trình mà Trung Quốc trúng thầu này.

{keywords}
Ảnh minh họa: Reuters

Theo Nikkei Asian Review, đề nghị mới sẽ kết hợp dự án Jakarta - Bandung dài 140km với dự án nâng cấp tuyến Jakarta và Surabaya dài 750km mà Nhật Bản đang thực hiện. Tờ báo này dẫn lời Ngoại trưởng Retno Marsudi nói tại một cuộc họp trực tuyến tuần trước rằng, các cuộc thảo luận đang được tổ chức về việc mở rộng tuyến Jakarta-Bandung tới Surabaya và liệu có thể mời Nhật tham gia hay không. 

Nữ quan chức này chỉ ra rằng, Nhật Bản là một đối tác quan trọng trong quá trình phát triển hạ tầng của Indonesia, và sự hợp tác sẽ giúp kết nối các thành phố của Indonesia tốt hơn, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn.

Nhiều thành viên chính phủ lập luận, một tuyến đường sắt đơn lẻ chạy qua Bandung tới Surabaya sẽ hiệu quả hơn là xây các tuyến riêng rẽ từ thủ đô Jakarta tới phía đông và đông nam. Chi phí bị đội lên ở dự án Bandung càng tăng thêm sức mạnh cho quan điểm đó,

Bộ Các doanh nghiệp Nhà nước Indonesia dự kiến sẽ lập ra một kế hoạch mới, và chính thức đề xuất với Nhật Bản ngay khi hoàn thành.

Chậm tiến độ, đội vốn

Năm 2015, Trung Quốc trúng thầu dự án Jakarta-Bandung nhờ kế hoạch không cần Chính phủ Indonesia đóng góp tài chính. Lễ khởi công được tổ chức vào tháng 1/2016 và công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2019.

Tuyến đường sắt cao tốc dài 140km này là một trong những dự án chiến lược quốc gia của Indonesia, bao gồm 4 ga chính: Halim ở Jakarta, Karawang ở Tây Java và Walini, Tegaluar ở Bandung. Các con tàu sẽ di chuyển với vận tốc 350 km/h, cắt ngắn thời gian đi lại giữa hai thành phố từ 3 tiếng rưỡi đồng hồ xuống còn 45 phút.

Bắc Kinh coi dự án này là một phần quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường. Hồi tháng 6/2019, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại một cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo: "Chúng ta phải kiên định xây dựng và cải thiện chất lượng hợp tác theo Sáng kiến Vành đai và Con đường".

Nhưng tình trạng chậm trễ trong giải phóng mặt bằng - vốn là điều kiện để Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cấp vốn (75%) - đã khiến dự án bị chậm tiến độ, đẩy lùi mốc hoàn thành tới năm 2021. Gần đây, các hoạt động xây dựng còn tạm ngừng vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Airlangga Hartarto, Bộ trưởng phụ trách điều phối các vấn đề kinh tế, thừa nhận dự án sẽ bị trì hoãn thêm một năm nữa. Một bản đánh giá về các dự án phát triển hạ tầng của Indonesia chỉ ra, chi phí dự toán xây tuyến Jakarta-Bandung sẽ lên đến 6 tỷ USD, cao hơn so với mức 5,5 tỷ USD ước tính trước đó.

Kế hoạch mới của Indonesia

Thực trạng này đã khiến phía Indonesia tính toán mở rộng tuyến đường sắt cao tốc này tới Surabaya và cân nhắc mời Nhật tham gia vào dự án.

{keywords}
 

Đề xuất được đưa ra sau khi Tổng thống Widodo cùng các thành viên Nội các nhóm họp để đánh giá lại các dự án chiến lược quốc gia.

"Để nâng cao hiệu quả kinh tế, Tổng thống Widodo đã chỉ đạo dự án không dừng lại ở Bandung mà kéo dài tới Surabaya" và mời Nhật tham gia, tờ Jakarta Post dẫn lời ông Airlangga nói sau cuộc họp.

Sự thay đổi trong các kế hoạch của Indonesia gây khó cho phía Nhật, vì nước này đã tiến hành một nghiên cứu khả thi cho tuyến Jakarta-Surabaya nên sẽ vấp phải trở ngại khi thay đổi thiết bị. Thiết kế của Nhật sử dụng đường ray hiện có và có nhiều thông số khác với tuyến đường sắt cao tốc của Trung Quốc.

"Chúng tôi không thể tưởng tượng được" đề xuất mới của Indonesia sẽ như thế nào, Nikkei Asian Review dẫn lời một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Đề xuất mời Nhật Bản tham gia một dự án mà nước này từng thua thầu trước đối thủ Trung Quốc được đưa ra giữa thời điểm mà sự hợp tác Trung - Nhật về cơ sở hạ tầng ở các nước thứ 3 đang được thúc đẩy.

Thanh Hảo