Cuộc Chiến tranh Lạnh kết thúc, song tình báo vẫn là phương tiện quan trọng đảm bảo an ninh quốc gia mỗi nước. Kỹ thuật số đang đóng góp một phần rất lớn vào hoạt động thu thập tin tức, phản gián của tình báo trong thời kỳ hiện đại.

Cách đây 4 thập kỷ, chương trình vệ tinh Keyhole của Mỹ đã đi vào hoạt động, theo dõi gần như mọi biến cố trên lãnh thổ đối phương. Đến nay, sự phát triển của camera hồng ngoại, kính viễn vọng tối tân còn giúp cho các “điệp viên trên không” thu thập thông tin một cách chính xác cả ngày và đêm, trong mọi điều kiện thời tiết.

{keywords}
Chương trinh Keyhole của Mỹ chụp trạm phóng vệ tinh Iran. Ảnh: Wikipedia

Bạn đang thực hiện một cuộc nói chuyện bằng điện thoại di động hay đang trao đổi dữ liệu qua máy tính xách tay… tất cả những hoạt động thông tin như thế đều có thể bị các vệ tinh tình báo trên trời thu nhận hết.

Điều đáng nói là các vệ tinh ăn cắp này vẫn được bọc dưới cái tên hiền lành như vệ tinh khí tượng “vẽ bản đồ”, “nghiên cứu khoa học”… Hỗ trợ chúng là những máy bay tàng hình điều khiển bằng vi tính có thể xâm nhập vào lãnh thổ đối phương một cách bí mật để chụp ảnh, nghe lén, thu thập tình báo.

Sự ra đời và phát triển của xa lộ thông tin Internet được các cường quốc tình báo reo mừng bởi sự tập trung tin tức trong đó.

Sherman Kent, một cựu nhân viên CIA, tác giả cuốn “Chiến lược tình báo toàn cầu Mỹ” hồ hởi: “Có những thông tin mà tình báo nỗ lực trong 50 năm chưa được biết, thì nay đã lộ cả ra rồi. Không cần phải đào tạo điệp viên và phái họ đến các nước đối tượng làm gì, các nhân viên tình báo vẫn có thể ngồi một chỗ điều khiển chương trình vi tính thông minh xâm nhập vào kho dữ liệu thông tin của địch thủ qua Internet một cách rất hiệu quả”. Phần mềm vi tính đôi khi cũng là phương tiện đánh cắp thông tin của tình báo.

Vận chuyển thông tin

Kỹ thuật truyền thông tiên tiến tạo điều kiện thuận tiện cho các điệp viên vận chuyển thông tin thu thập được. Tuy nhiên, nó chẳng khác nào con dao hai lưỡi, do nhờ nó mà lực lượng phản gián có thể phát hiện được các điệp viên dễ dàng hơn – nhiều điệp viên từng bị phát hiện, bắt giữ do sơ suất trong quá trình vận chuyển thông tin. Do vậy, điều quan tâm của các cơ quan tình báo là truyền thông như thế nào để tránh bị lộ.

Với Internet, các điệp viên có vẻ chuyển tải thông tin nhiều hơn, dễ dàng hơn. Internet là cả một "đại dương" mênh mông thông tin mà lực lượng phản gián không dễ gì lần mò được. Đó là chưa kể đến những thông tin đã được mã hoá ra dạng thông điệp bình thường mà người ngoài cuộc không dễ gì hiểu được.

Mặt khác, khi phải thu nhận quá nhiều thông tin để phân tích thì thường hiệu quả lại rất thấp. Đơn cử, thời kì Chiến tranh Lạnh, Bộ An ninh CHDC Đức từng có một phòng thu nhận ảnh chụp các bức thư từ nước ngoài gửi về và các băng ghi âm ghi hàng trăm ngàn cuộc nói chuyện điện thoại mỗi ngày. Kết quả là cơ quan này trở nên khủng hoảng thừa thông tin, không đủ nhân viên phân tích và cuối cùng đành chịu cảnh “chìm trong đại dương thông tin của chính mình”.

Mã hoá được thông tin mới là điều cốt lõi của sự thành công. Điệp viên hoạt động ở nước ngoài có thể qua Internet gửi lên cấp trên trong nước mình một mẩu tin thời tiết hoặc tin mùa màng, nhưng thực chất đó có thể là một chủ trương, một chính sách đối ngoại mới nào đó…

Vỏ bọc

Trang bị đầu tiên và quan trọng nhất cho một điệp viên là vỏ bọc. Vỏ bọc không tốt thì không những dễ bị lộ mà còn ảnh hưởng tới chính tính mạng điệp viên hoặc là kẽ hở để phản gián đối phương khai thác.

Trước kia, nhân viên tình báo hoạt động ở nước ngoài thường chỉ cần một lý lịch ghi nhà ở, nghề nghiệp và bằng lái xe giả. Ngày nay qua Internet, phản gián có thể rà soát nhân thân điệp viên qua thẻ cử tri, sổ tính thuế, thẻ hội viên nào đó (nếu có)…

Do vậy, các cường quốc tình báo rất chú trọng phát triển lực lượng tình báo thông tin vi tính điều khiển từ xa. Ngồi một chỗ an toàn trong nước, nhân viên tình báo có thể điều khiển chương trình của mình vào kho thông tin của đối phương để thu nhận hoặc phá hoại thông tin. Vỏ bọc lúc này chỉ còn là kỹ thuật xâm nhập.

Bên cạnh những cách thức hoạt động “cổ truyền” như ám sát, phá hoại kinh tế, kích động bạo loạn… những tiến bộ từng ngày của kỹ thuật vi tính đang trở thành cơ sở cho các cơ quan tình báo hoạt động an toàn, hiệu quả cao hơn. Vấn đề đặt ra với các nhà lãnh đạo, các cơ quan an ninh, phản gián là phải có biện pháp phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hoá và triệt phá thủ đoạn hoạt động của tình báo đối phương.

>>> Đọc tin thế giới 24h trên Vietnamnet

Nguyên Phong

Bí mật hoạt động tình báo sử dụng tin công khai của Mỹ

Bí mật hoạt động tình báo sử dụng tin công khai của Mỹ

Bài viết dưới đây sẽ hé lộ những hoạt động tình báo sử dụng nguồn tin công khai của Mỹ.

Bí mật hoạt động trước đây của CIA ở Philippines

Bí mật hoạt động trước đây của CIA ở Philippines

Từ giữa những năm 1950, các căn cứ Mỹ ở Philippines nằm dưới sự chỉ đạo của các Đại tá CIA Edward Lansdale và Lucien Conein.