Нợp đồng liên doanh ở Sakhalin
Từ năm 1925, Liên Xô đã ký với Nhật hợp đồng về việc thành lập Liên doanh khai thác dầu mỏ với công ty Nhật “Kita Karafuto Sekiu Kabusiki Kaisia”. Theo đó, phía Nhật được quyền khai thác 8 mỏ dầu nằm trên diện tích 5.252 héc-ta ở phía bắc Sakhalin thuộc Liên Xô. Từ năm 1935 đến khi kết thúc hợp đồng, sản lượng dầu khai thác hàng năm lên đến 200.000 tấn.
Một giàn khoan dầu ở Sakhalin. Ảnh: Word Press |
Đến năm 1936, khi những âm mưu bành trướng và sự gần gũi của chính giới Nhật đối với hệ tư tưởng phát xít đã trở nên rõ ràng, hợp đồng vẫn được gia hạn. Hoạt động khai thác vẫn được duy trì ngay cả khi quân đội hai nước giao chiến ở vùng hồ Khasan tháng 7/1938 và khu vực sông Khalkhin Gol từ tháng 5 - tháng 9/1939.
Năm 1939 - 1940, Đức ngày càng bành trướng qua việc xâm lược Ba Lan, Pháp và các nước Tây Âu. Liên Xô tìm cách lành mạnh hóa quan hệ với các nước ở Viễn Đông để bảo vệ biên giới phía đông và tập trung vào phía tây. Trong khi đó Nhật, do sa lầy tại chiến trường Trung Quốc và mối quan hệ với Mỹ ngày càng xấu đi, nên cũng có nhu cầu đảm bảo an toàn cho biên giới phía bắc (khu vực Mãn Châu) và cải thiện vị thế quốc tế của mình.
Trong bối cảnh đó, ngày 13/4/1941, tại Moscow, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô V. Molotov và Ngoại trưởng Nhật Yosuke Matsuoka thay mặt chính phủ hai nước đã ký kết Hiệp ước trung lập Xô – Nhật.
Hiệp ước khẳng định, hai bên cam kết duy trì quan hệ hòa bình, hữu nghị với nhau và cùng tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và bất khả xâm phạm nhau. Nếu một trong 2 bên ký hiệp ước tham chiến hoặc tuyên chiến với bên thứ 3, bên tham gia hiệp ước sẽ là bên quan sát với tư cách trung lập.
Từ đó, mọi quan hệ giữa hai nước kể cả quan hệ kinh tế đều được xác định bởi Hiệp ước này. Cùng với các yếu tố khác, Hiệp ước trung lập Xô – Nhật đã giúp Liên Xô vào giai đoạn căng thẳng nhất của Chiến tranh Vệ quốc tránh được đòn đánh sau lưng từ phía nước Nhật quân phiệt. Cũng để tránh nguy cơ bị tập hậu mà nhà lãnh đạo Stalin buộc phải chấp nhận việc Nhật từ chối hủy bỏ hợp đồng dầu khí mà nhẽ ra hết hạn vào tháng 12/1941.
Thế là, tại khu vực bắc Sakhalin đã diễn ra một quá trình thoạt nhìn có vẻ “kỳ quặc” khi hàng nghìn công nhân dầu khí Liên Xô và Nhật làm việc “vai kề vai”, đều với cùng một khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”. Tháng 10/1941, hợp đồng liên doanh được gia hạn đến năm 1943.
Đối với nước Nhật quân phiệt, những thùng dầu khai thác được ở Sakhalin thực sự đã trở thành những thùng vàng ròng, bởi tuyến đường cung cấp dầu cho Nhật từ các mỏ dầu ở Indonesia liên tục bị hải quân Mỹ và Anh tấn công. Chính vì vậy, nguồn dầu mỏ từ Sakhalin đã đáp ứng đến một nửa nhu cầu của hải quân Nhật.
Кết thúc hợp đồng
Ngày 7/12/1941, quân Nhật bất ngờ tấn công căn cứ Trân Châu cảng của hải quân Mỹ. Ngày 8/12, Mỹ và Anh tuyên chiến với Nhật. Ngày 11/12, Mỹ tuyên chiến với Đức và Ý. Cùng ngày, Đức và Ý tuyên chiến với Mỹ để thể hiện “tình đoàn kết” với Nhật.
Riêng Liên Xô vẫn im lặng. Hơn thế, Moscow vẫn chưa tính đến chuyện rút khỏi hợp đồng dầu khí với Nhật, động thái này có thể kích thích những hành động gây hấn thậm chí chiến tranh từ phía Tokyo.
Từ giữa năm 1943, sau khi diễn ra những thay đổi bước ngoặt trên mặt trận Xô - Đức với ưu thế chiến lược nghiêng về phía Hồng quân Liên Xô, phía Nhật cố tình bằng mọi cách kéo dài các cuộc đàm phán về hợp đồng dầu khí tại Sakhalin. Tuy nhiên, đến tháng 3/1944, hai bên đã có những cuộc trao đổi thẳng thắn về các điều kiện hủy bỏ hợp đồng. Cuối cùng, hai bên thống nhất chuyển giao toàn bộ các cơ sở dầu khí ở bắc Sakhalin cho phía Liên Xô, đổi lại, Liên Xô trả cho phía Nhật 5 triệu rúp trong vòng 5 năm, theo tỷ giá thị trường.
Ngày 5/7/1944, con tàu Fikio đưa đội ngũ nhân viên lãnh sự quán Nhật rời Sakhalin. Trong khoảng thời gian 2 tháng tiếp đó, hải quân Nhật lũ lượt chuyên chở thiết bị và công nhân Nhật về nước. Ngày 12/8, một trong những con tàu tham gia vào cuộc di dời khổng lồ này bị con tàu ngầm “Pompon” của Mỹ tấn công ở phía nam bờ biển Sakhalin, trong vùng lãnh hải Liên Xô.
Còn Liên Xô, phải sau 1 năm nữa mới chính thức tuyên chiến với Nhật và mở chiến dịch Mãn Châu đánh tan đạo quân Quan Đông của Nhật, kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Nguyên Phong
Vì sao Hồng quân Liên Xô thất bại trong giai đoạn đầu Chiến tranh Vệ quốc?
Ngày 22/6/1941, quân đội Đức phát xít bất ngờ tấn công Liên Xô. Trong vòng một tuần lễ, Phương diện quân (PDQ) Miền Tây, lực lượng chủ yếu phòng thủ tuyến biên giới phía tây Liên Xô bị quân Đức bao vây và tiêu diệt gần hết.
Những vũ khí giả của Liên Xô từng khiến phương Tây 'sập bẫy'
Trong cuộc chạy đua vũ trang vào những năm 1960, hai siêu cường Mỹ và Nga đã dùng mọi cách để hù dọa nhau. Song, vào thời điểm đó, ít ai biết, bằng vũ khí “giả”, Liên Xô cũng “ra đòn” rất lão luyện.