Chống lũ lụt
Thời cổ đại, người Hán dựng nhà sinh sống và làm nông nghiệp dọc hai bên bờ sông Hoàng Hà. Bởi vậy, việc chống lũ lụt trở nên quan trọng. Vì cần công sức của cả cộng đồng trong công việc này nên cũng cần có tập thể người đứng đầu để chỉ huy. Đương thời, khi nước sông gây lụt, có không ít các bộ lạc hình thành liên minh bộ lạc nhằm chống lại nước lụt. Đó chính là hình thức sơ khai của nhà nước đầu tiên ở Trung Quốc.
Bấy giờ ở lưu vực Hoàng Hà lũ lụt mênh mông, người Hán chỉ biết chạy trốn mỗi khi nước dâng cao nên mức sản xuất thấp. Người cai trị lúc đó là Đường Nghiêu rất lo buồn về việc này. Có người giới thiệu Cổn với Đường Nghiêu. Đường Nghiêu lập tức hạ lệnh cho Cổn lãnh đạo việc trị thủy.
Xả nước ở đập nước Xiaolangdi nằm ở thượng nguồn sông Hoàng Hà năm 2013. Ảnh: Business Insider |
Cổn cùng với một số trợ thủ nghiên cứu ra cách dùng các tảng đất đá lớn để vây nước lại. Đây chính là các con đê sơ khai. Ròng rã suốt 9 năm, tổn hao nhiều sức người và của cải nhưng các con đê của Cổn cũng không chặn nổi dòng nước. Đê giúp ngăn ngập lụt, nhưng làm hẹp dòng chảy, khiến nước chảy nhanh hơn và dâng cao hơn. Khi vỡ đê, nước lũ lại tràn hai bên bờ dữ dội hơn. Đường Nghiêu thấy Cổn làm việc bất lực liền hạch tội Cổn và xử tử ông.
Vì công việc trị thủy rất quan trọng nên sau khi Ngu Thuấn lên làm thủ lĩnh thay Đường Nghiêu vẫn tin tưởng cử con trai Cổn là Vũ tiếp tục công việc của cha. Lần này Vũ rút kinh nghiệm nên thay cách “nút chai” của cha bằng cách “dẫn chảy chỗ trũng”. Thay vì trực tiếp đắp đê ngăn dòng chảy của sông, Vũ đã thực hiện một hệ thống kênh mương thủy lợi thuyên giảm nước lũ vào các cánh đồng. Bên cạnh đó, ông huy động nhân công trong nỗ lực nạo vét lòng sông. Dự án này được gọi trong lịch sử Trung Quốc là Đại Vũ trị thủy.
Vũ đã ăn ngủ cùng các trợ thủ, nhân công, dành hầu hết thời gian cá nhân hỗ trợ công tác nạo vét dải phù sa của con sông trong 13 năm cho đến khi dự án hoàn thành. Ngu Thuấn rất ấn tượng trước công việc của Vũ nên đã đưa ông lên ngôi thủ lĩnh. Vũ lúc đầu từ chối, nhưng được các thủ lĩnh địa phương ủng hộ nên ông đã đồng ý.
Tranh mô tả hình ảnh Đại Vũ trị thủy |
Việc trị thủy thành công cho phép nông nghiệp phát triển mạnh mẽ. Nhờ đẩy đủ lương thực, dân số người Hán tăng nhanh. Từ đó, văn hóa Trung Hoa cổ đại phát triển dọc theo sông Hoàng Hà. Bởi vậy, người Hán đời sau thường tự xưng là “Hoa Hạ”.
Dưỡng dân
Hữu Nhược (518 TCN-458 TCN), tự Tử Hữu, tôn xưng Hữu Tử, người nước Lỗ thời Xuân Thu (771 TCN-476 TCN). Là một học trò xuất sắc của Khổng Tử, Hữu Nhược trở thành một trong thất thập nhị hiền (bảy mươi hai người hiền) của Nho giáo.
Thiên “Nhan Uyên” của “Luận ngữ” ghi lại đoạn đối đáp giữa Hữu Nhược và Lỗ Ai Công. Ai Công hỏi Hữu Nhược: “Năm nay mất mùa, không đủ chi dùng, phải làm sao?”. Hữu Nhược nói: “Sao ta không thu thuế theo phép triệt (mười phần thu một)?”. Ai Công hỏi: “Mười phần thu hai phần còn không đủ, huống hồ lại thu theo phép triệt?”. Hữu Nhược đáp: Trăm họ no đủ thì làm sao vua thiếu được? Trăm họ thiếu thốn thì vua làm sao đủ được?".
Tư tưởng dưỡng dân của Hữu Nhược sau này được phát triển thành tư tưởng “trọng dân”. Sau này, Trung Quốc có câu: “Dân dĩ thực vi thiên” có nghĩa là “Dân lấy ăn làm trời” (nghĩa hẹp) và “Dân lấy miếng ăn làm trọng, nên muốn trị dân trước hết phải làm cho dân no ấm vì dân đói thì nước loạn” (nghĩa rộng).
Khởi nghĩa Khăn Vàng quy tụ 36 vạn quân nổi dậy ở 8 trên 12 châu lớn của lãnh thổ nhà Đông Hán là Thanh, U, Từ, Ký, Kinh, Dương, Duyện, Dự. Ảnh: Alchetron |
Trong lịch sử Trung Quốc, cứ mỗi lần mất mùa và triều đình tăng thuế là sẽ có khởi nghĩa. Cuối thời Đông Hán, triều chính mục nát. Nghe lời khuyên của các hoạn quan Trương Nhượng và Triệu Trung, Hán Linh Đế tăng thuế khóa thêm 10 đồng trên mỗi mẫu ruộng. Nhân dân đã vùng dậy phản kháng theo sự kêu gọi của anh em Trương Giác. Đó chính là cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng nổi tiếng.
Thời nhà Tùy, Tùy Dượng đế Dương Quảng sống rất xa xỉ và có thói quen đi tuần du. Mỗi lần tuần du đều dùng nghi lễ cung đình, hành cung dịch trạm xây dựng khắp cả nước. Mỗi lần tuần du, nếu thấy quan lại địa phương tiếp đón không bằng nghi lễ trong cung thì ông ta lập tức ghét bỏ, bãi chức. Do đó, các quan đua nhau chuẩn bị tốn kém và mọi gánh nặng đều đổ lên vai người dân. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo loạn cuối đời Tùy.
Diệt tham nhũng
Từ thời xa xưa, người Trung Quốc đã có thói quen gọi những tham quan ô lại là những con chuột lớn. Trong Kinh thi đã có bài thơ "Con chuột lớn", ví tầng lớp quan lại như loài chuột đục khoét, đồng thời bộc lộ khát vọng thoát khỏi quyền lực của những kẻ ăn trên ngồi trốc, sống tự do thanh bình.
Hòa Thân, đệ nhất tham quan trong lịch sử Trung Quốc. Ảnh minh họa |
Thi nhân Tào Nghiệp (816-875), giữ chức Thứ sử Dương Châu đời nhà Đường cũng có bài thơ “Con chuột trong kho nhà nước", nhưng tác giả chỉ mới dừng lại ở mức độ tố cáo bọn tham quan ô lại và chưa đưa ra được cách giải quyết vấn đề là làm thế nào để diệt được nạn tham nhũng.
Trong lịch sử Trung Quốc thì Hòa Thân xứng đáng là đệ nhất quan tham. Tổng gia sản của tên tham quan này do đục khoét mà có được ước lượng vào khoảng 1.100 triệu lạng bạc, tương đương với 15 năm quốc khố thu vào của nhà Thanh.
Nguyễn Văn Toàn
Cách Trung Quốc thần tốc xây đập thủy điện lớn thứ hai thế giới
Theo nhóm kỹ sư đứng đầu dự án xây đập Bạch Hạc Than, điều làm nên sự khác biệt là việc áp dụng rộng rãi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Những trận đại hồng thủy chết chóc nhất tàn phá Trung Quốc
Trung Quốc từng ghi nhận những trận đại hồng thủy kinh hoàng, làm chết hàng chục, thậm chí trăm nghìn người trong lịch sử.