Luật pháp Malaysia quy định ai phạm tội giết người trên lãnh thổ nước này đều phải đối mặt án tử hình. Nhưng có một số trường hợp được ân xá.

Hệ thống tòa án ở Malaysia chia làm nhiều cấp. Cấp thấp nhất là tòa án hình sự địa phương, tiếp đến tòa thượng thẩm và tòa phúc thẩm, và cao nhất là tòa tối cao liên bang.

{keywords}

Tòa án Liên bang Malaysia. (Ảnh: WikiMedia)

Với một vụ án giết người, tòa hình sự địa phương sẽ thụ lý đầu tiên và tại đây, công tố viên đọc cáo trạng kết tội bị cáo.

Nếu bị cáo bị kết tội giết người, tòa địa phương không thể tuyên án tử hình vì cấp này chỉ có quyền xét xử sơ thẩm. Do đó, vụ án được chuyển lên tòa thượng thẩm, cấp có quyền tuyên án tử hình.

Sau khi có phán quyết của tòa thượng thẩm, vụ án được chuyển sang tòa phúc thẩm, nơi các thẩm phán sẽ xem xét lại bản án đã được tuyên.

Nếu có kháng cáo, vụ án được chuyển lên tòa tối cao, cơ quan có thẩm quyền xét xử cao nhất ở Malaysia. Đây là cấp tòa có quyền giải quyết các vấn đề thuộc về hiến pháp, tranh chấp giữa các bang hoặc giữa chính phủ liên bang và bang.

Án tử hình tại Malaysia là hình thức trừng phạt bắt buộc cho tội giết người và một số tội khác như buôn bán ma túy, phản quốc, khủng bố và tài trợ khủng bố, hiếp dâm trẻ em và hiếp dâm gây chết người...

Quy định này áp dụng với mọi vụ án xảy ra trên lãnh thổ Malaysia, không có ngoại lệ, kể cả trong trường hợp người gây án không phải là công dân Malaysia.

Điều 281 Bộ luật hình sự Malaysia quy định mọi án tử hình được thi hành bằng cách treo cổ.

Một số trường hợp được ân xá, gồm bị cáo chưa đủ 18 tuổi ở thời điểm phạm tội; Phụ nữ mang thai ở thời điểm bị kết tội, án sẽ chuyển thành tù chung thân. Bị cáo mắc chứng tâm thần ở thời điểm phạm tội.

Liên quan đến vụ ám sát một công dân Triều Tiên được cho là anh trai Chủ tịch Kim Jong Un ở sân bay Kuala Lumpur, nghi phạm Đoàn Thị Hương đã ra tòa địa phương Sepang.

Nếu bị kết tội, Hương phải đối mặt án tử hình và vụ án dự kiến được chuyển lên tòa Thượng thẩm Shah Alam. Phiên xử tiếp theo diễn ra vào ngày 13/4.

Thanh Hảo