Cơ quan An ninh quốc gia (SSSA) là cơ quan an ninh tối cao của Triều Tiên, có chức năng đảm bảo an ninh đối nội và đối ngoại. Là cơ quan chính phủ, nhưng SSSA chịu sự kiểm soát chặt chẽ ở mọi cấp của Đảng Lao động Triều Tiên thông qua ủy ban an ninh và tư pháp trực thuộc Ban chấp hành Trung ương.
Với đội ngũ cảnh sát mật quy mô, SSSA thực hiện các nhiệm vụ phản gián và an ninh đối nội như phát hiện và quản lí các loại tội phạm có tổ chức; kiểm soát nhập cư, chống gián điệp; thanh trừng các phần tử, các nhóm chống đối; thu thập tin tình báo nước ngoài; giám sát các xu hướng tư tưởng của công dân...
SSSA chịu trách nhiệm phát hiện, xử lí các loại tội phạm chống nhà nước, bao gồm các hoạt động chống chính phủ, vu khống lãnh đạo, các hoạt động li khai, tội phạm kinh tế.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới thăm một cơ quan an ninh. Ảnh: KCNA |
Cơ quan này có quyền theo dõi thái độ chính trị, giám sát những người hồi hương; tham gia vào các nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia, kiểm soát cửa khẩu, hộ tống và bảo vệ các quan chức cao cấp nhà nước và chính phủ.
Tổng số nhân viên của SSSA khoảng 50.000 người. Giúp việc cho Giám đốc SSSA là các phó giám đốc phụ trách các lĩnh vực tổ chức, điều tra, kiểm duyệt, hậu cần và các nhiệm vụ chuyên môn khác. SSSA còn phụ trách, chỉ đạo các sở an ninh cấp tỉnh, thành phố. Nhân viên SSSA có ở cả những thị xã nhỏ nhất, có thể được biệt phái vào các tổ chức tư nhân hay công cộng.
Bộ Công an (MPS) là một trong những cơ quan đặc biệt thế lực ở Triều Tiên. Bộ này thực hiện chức năng an ninh đối nội, kiểm soát xã hội và cảnh sát. Với tổng biên chế khoảng 180.000 người, MPS có nhiệm vụ duy trì luật pháp và trật tự trị an; điều tra tội phạm, quản lí hệ thống nhà tù và kiểm soát buôn lậu; tiến hành các điều tra dân sự cơ bản, cấp các loại đăng kí dân sự...
Giúp việc cho bộ trưởng có các thứ trưởng phụ trách tổ chức, chính trị, pháp chế, an ninh, giám sát, các vấn đề nội bộ, hậu cần và 27 cục, vụ. Trong đó, cục an ninh chịu trách nhiệm tăng cường pháp luật và cảnh sát; Cục điều tra có nhiệm vụ điều tra các tội phạm hình sự và tội phạm kinh tế; Cục bảo vệ phụ trách cứu hoả, kiểm soát buôn lậu, y tế cộng đồng và hải quan; Cục đăng kí phụ trách việc cấp phát, lưu trữ thẻ căn cước, hồ sơ dân sự, hộ khẩu và hộ chiếu…
Cục trinh sát (RB), Bộ Tổng tham mưu là cơ quan hàng đầu của quân đội thực hiện nhiệm vụ thu thập tin tình báo chiến lược, chiến thuật và tác chiến phục vụ chiến đấu. Các nhân viên đặc biệt thuộc RB từng tiến hành các cuộc xâm nhập Hàn Quốc bằng đường biển hoặc lối ngầm dưới lòng đất khu phi quân sự. Cục trinh sát cũng nắm quyền kiểm soát, điều hành tác chiến các hoạt động thu tin tình báo quân sự và các hoạt động đặc biệt (tình báo cao sâu).
Trực thuộc RB có 4 lữ đoàn bắn tỉa và ít nhất 7 tiểu đoàn trinh sát độc lập. Mỗi lữ đoàn có khoảng 3.600-4.200 binh sĩ, gồm 10 đại đội trinh sát (không có cấp tiểu đoàn), các đơn vị bảo đảm và 1 đại đội thông tin. Các đại đội trinh sát được cấu thành từ các nhóm hành động có từ 2-10 người. Lữ đoàn bắn tỉa có thể thực hiện nhiệm vụ tác chiến tập trung, thống nhất. Tuy nhiên quy mô tác chiến chủ yếu là các nhóm hoặc các đại đội chiến đấu độc lập.
Chức năng chính của các lực lượng trinh sát trực thuộc RB là hỗ trợ các mục tiêu quốc gia, với các nhiệm vụ đột nhập hậu phương địch để thu thập tin tình báo chiến lược và chiến thuật; thực hiện “phá hoại quốc phòng” trong lòng đối phương; lập ra mặt trận thứ hai trong hậu phương địch; cản trở có chiều sâu hoạt động trợ giúp hậu cần của đối phương trong xung đột vũ trang…
Cục quân huấn lục quân nhẹ (LITGB), thực chất là cục tác chiến đặc nhiệm, có 14 lữ đoàn lục quân và bắn tỉa (gồm 6 lữ đoàn lục quân, 6 lữ đoàn không quân đánh bộ và 2 lữ đoàn hải quân đánh bộ).
Mỗi lữ đoàn thuộc LITGB có quân số khoảng 5.000 người chia làm 10 tiểu đoàn. Mỗi tiểu đoàn có khoảng 400 người biên chế trong 5 đại đội. Trong số 14 lữ đoàn LITGB, được đánh giá cao nhất là 2 lữ đoàn hải quân đánh bộ chuyên thực hiện các nhiệm vụ mang tính chiến lược. Binh sĩ của 2 lữ đoàn này đều được huấn luyện làm người nhái.
Trong chiến đấu, các đơn vị lục quân nhẹ thường hành động theo quy mô đại đội hoặc tiểu đoàn, nhằm vào các mục tiêu quân sự, chính trị và kinh tế.
Chức năng chủ yếu của các đơn vị LITGB là hỗ trợ các mục tiêu thuộc bộ các lực lượng vũ trang và hỗ trợ chiến thuật, với nhiệm vụ do thám và xâm nhập các điểm trọng yếu của hệ thống quốc phòng đối phương; cắt đứt các đầu mối chỉ huy, điều khiển và liên lạc; đe doạ các tuyến thông tin và tiếp tế của đối phương; trinh sát bắn tỉa; vô hiệu hoá các mục tiêu và phá hoại hậu phương địch, cùng các nhiệm vụ bổ sung khác...
Khi thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị thuộc RB và LITGB có thể cải trang làm quân nhân hoặc dân thường nước mục tiêu. Các nhân viên, sĩ quan, binh sĩ thuộc hai cục này được trang bị tốt, hưởng chế độ đãi ngộ, chế độ huấn luyện tốt nhất, đồng thời cũng là những quân nhân có kỉ luật, kĩ năng và tinh thần chiến đấu cao nhất so với các đơn vị chính quy khác của quân đội Triều Tiên.
Theo đánh giá của một số chuyên gia quân sự nước ngoài, với các phương tiện hiện có, Triều Tiên cùng một lúc có thể đưa 12.000 người bằng đường biển hoặc 6.000 người bằng đường không xâm nhập lãnh thổ đối phương. Hầu hết các lực lượng thuộc RB và LITGB cũng có thể xâm nhập bằng đường bộ để thực hiện nhiệm vụ.
Nguyên Phong
Hơn 2.000 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam nửa đầu 2020
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, tính đến tháng 6/2020, tỷ lệ nhóm chủng loại sản phẩm an toàn thông tin nội địa đã đạt 63,6%, tăng gần 14% so với cuối năm ngoái.
Những ngày cuối cùng của trùm an ninh Liên Xô Beria
Ngày 5/3/1953, I. V. Stalin từ trần. Beria đề nghị dành cho G. Malenkov chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng.