Nếu các cuộc đàm phán thành lập chính phủ mới diễn ra sau cuộc bỏ phiếu ngày 26/9, Angela Merkel có thể vượt qua Helmut Kohl trở thành nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất của nước Đức hiện đại.
Những người yêu mến Merkel ca ngợi bà ở mọi phương diện, từ người lãnh đạo của thế giới tự do đến một Joan of Arc (nữ anh hùng xứ Arc) đương đại. Bà nhiều lần được xướng tên trong số những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi bà là nhà lãnh đạo chính trị xuất sắc trên toàn cầu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AP |
Dù vậy, Angela Merkel vẫn hứng chịu những nhận xét trái chiều. Trong khi nhiều người yêu mến phong thái chính trị khiêm tốn và dựa trên sự đồng thuận của bà, một số khác cho rằng ở bà thiếu vắng sự táo bạo.
Năm 2015, Angela Merkel mở cửa đón hơn 1 triệu người tị nạn, chủ yếu đến từ đất nước nội chiến Syria. Tuy nhiên, dưới thời của bà, nước Đức cũng chứng kiến chủ nghĩa dân tộc gia tăng mạnh mẽ.
Được mệnh danh là "Thủ tướng khí hậu" cho những cam kết về môi trường, Angela Merkel rời khỏi ghế Thủ tướng và để lại một nước Đức là nhà sản xuất than nâu lớn nhất thế giới.
Giới sử gia sẽ đánh giá ảnh hưởng của Angela Merkel trong những năm sắp tới. Nhưng theo Washington Post, điều chắc chắn là sự ra đi của bà sẽ để lại khoảng trống sau một sự nghiệp chính trị kéo dài hơn 3 thập niên, khởi đầu từ những năm tháng Chiến tranh Lạnh sắp kết thúc.
Bức tường Berlin
Sự sụp đổ của Bức tường Berlin vào năm 1989 đã mở ra thế giới chính trị cho Merkel - con gái của một mục sư ở Đông Đức. Trong một bài phát biểu tại Đại học Harvard năm 2019, bà hồi tưởng những ngày đi bộ qua bức tường mỗi khi đi làm về. Khi đó bà đang công tác tại một viện khoa học.
"Bức tường Berlin đã bó buộc các cơ hội của tôi. Nó thực sự cản đường tôi", bà nói.
Bức tường sụp đổ khi Merkel ở tuổi 35, và bà bỏ dở công việc của một nhà khoa học để tiến sang lĩnh vực chính trị. "Đó là khoảng thời gian thú vị và kỳ diệu", bà nhớ lại.
Theo nhiều cách, lịch sử đó đã định hình sự nghiệp chính trị của Angela Merkel khi bà nỗ lực định vị nước Đức và châu Âu, như một cầu nối giữa Đông và Tây.
Ngôi sao sáng trên chính trường
Khi Angela Merkel tiến vào chính trường, bà nhanh chóng nổi lên như một ngôi sao sáng.
Bà gia nhập đảng Dân chủ Cơ đốc giáo truyền thống vốn gồm đa phần là nam giới, rồi được bầu vào Quốc hội Đức (Bundestag) vào năm 1990. Là người ủng hộ Thủ tướng Đức Helmut Kohl khi đó, bà được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Phụ nữ và Thanh niên vào năm tiếp theo, và cũng trở thành Phó Chủ tịch đảng.
Trong động thái khiến nhiều người trong giới chính khách Đức ngạc nhiên, Angela Merkel quay lưng với Kohl trong một bài báo vào tháng 12/1999, kêu gọi ông từ chức với lý do uy tín của ông đã bị tổn hại trong một vụ bê bối quyên tặng.
"Đảng phải học cách bước đi. Nó phải tin tưởng vào bản thân mình để tham gia cuộc chiến với đối thủ chính trị trong tương lai ngay cả khi không còn ngựa chiến cũ, như Helmut Kohl thường thích tự gọi mình như vậy".
Những bước nhỏ bé
Chiến thắng bầu cử đã đưa Angela Merkel lên vị trí Thủ tướng Đức năm 2005. Rất ít người cho rằng bà sẽ tạo ra những thay đổi sâu rộng, và phe chỉ trích cũng không nghĩ nữ chính trị gia có thể trụ được lâu.
"Nhiều người sẽ nói: Liên minh này đang có nhiều bước đi nhỏ và không có bước đi lớn nào. Tôi sẽ trả lời họ: Vâng, đó chính xác là cách mà chúng tôi làm", bà nêu trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị mới.
Angela Merkel nhậm chức trong bối cảnh tình hình tương đối ổn định, nhưng không lâu sau đó châu Âu bị tác động bởi một loạt các cuộc khủng hoảng liên tiếp.
Bà Angela Merkel rời khỏi một cuộc tranh luận trước bầu cử ở Berlin, tháng 9/2021. Ảnh: AP |
Cơn bão vùng Euro
Khi cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Euro Zone) bắt đầu nổ ra vào cuối năm 2009, Merkel đã đi đầu các nỗ lực cứu đồng tiền chung của lục địa này.
"Nếu đồng Euro thất bại, châu Âu thất bại", bà lập luận.
Với chủ trương thắt lưng buộc bụng, bà trở thành gương mặt đại diện cho sự tiết kiệm của Bắc Âu. Cũng vì thế, bà bị chỉ trích ở nhiều nước, chẳng hạn như Hy Lạp, khi họ buộc phải thắt chặt chi tiêu.
Rốt cuộc, Angela đã giúp Đức và khối đồng Euro đương đầu được với mối đe dọa hiện hữu. Mới đây, bà thừa nhận đó là một trong những thành tựu lớn nhất mà mình đã đạt được trên cương vị Thủ tướng Đức.
Làn sóng tị nạn
Có lẽ thời điểm quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của Angela Merkel là vào năm 2015 khi số lượng người tị nạn đến châu Âu bắt đầu tăng lên. Nhiều người chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở Syria và liều mạng vượt biển đến châu Âu.
Thủ tướng Merkel đã mở cửa nước Đức. Trong một bình luận được đưa ra sau khi thăm một trung tâm tị nạn hồi tháng 8 cùng năm, bà đảm bảo với công chúng Đức: "Wir schaffen das", nghĩa là "Chúng ta có thể làm được".
Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó đã bình luận: "Bà ấy đang ở lề phải của lịch sử về việc này".
Tuy vậy, lập trường thân thiện với người tị nạn của Merkel cũng khiến châu Âu bị chia rẽ.
Đại dịch Covid-19
Vào thời điểm thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế mang tính lịch sử, bà Merkel đã học được tầm quan trọng của thông tin một cách rõ ràng và thẳng thắn. Trong khi một số nhà lãnh đạo thế giới còn lúng túng ứng phó, nữ Thủ tướng Đức đã trở nên nổi bật với các tiếp cận dựa trên khoa học của mình.
Đại dịch Covid-19 đã làm cho nước Đức bộc lộ một số khiếm khuyết, trong đó có sự thiếu linh hoạt khiến chương trình triển khai vắc xin gặp trở ngại. Tuy vậy, đa số người Đức vẫn ủng hộ sự lãnh đạo của Angela Merkel trong thời kỳ đại dịch.
Đông và Tây
Thời gian 16 năm cầm quyền của Angela Merkel đã chứng kiến một sự dịch chuyển trong trật tự thế giới.
Washington đã gây áp lực buộc Đức phải có lập trường cứng rắn hơn đối với Nga và Trung Quốc. Nhưng từng là một đứa trẻ trải qua Chiến tranh Lạnh, bà Merkel đã nhấn mạnh tầm quan trọng phải tránh một cuộc chiến tranh lạnh khác.
Mối quan hệ của bà Merkel với Tổng thống Nga Vladimir Putin đôi khi bị kéo căng nhưng bà cho rằng cần phải giữ cho con đường đối thoại luôn rộng mở.
Là một vị thủ tướng đã trải qua 4 đời Tổng thống Mỹ, Angela Merkel vẫn cam kết trung thành với liên minh xuyên Đại Tây Dương, ngay cả khi các mối quan hệ trở nên đặc biệt căng thẳng dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Giờ đây ở tuổi 67, Angela Merkel cho biết sẽ không tìm kiếm một vai trò chính trị mới. Bà thường xuyên bác bỏ các câu hỏi về di sản của bản thân, khẳng định rằng phân tích lịch sử không dành cho mình.
Thanh Hảo
Người Đức đi bầu cử, bà Merkel ủng hộ 'người xây cầu'
Cuộc đua trở thành người kế nhiệm bà Angela Merkel, Thủ tướng lâu năm và được nhiều người yêu quý, diễn ra gay cấn đến phút chót khi người Đức đi bỏ phiếu bầu Quốc hội lần thứ 20 hôm nay (26/9).