Jason Hague, 34 tuổi, người từng làm bác sĩ quân y phục vụ trong quân đội Anh và 2 lần tham gia sứ mệnh ở Iraq, đã bay đến Ukraine vào đầu tháng 2.
Jason Hague là một trong những người Anh đầu tiên tình nguyện đến Ukraine. Ảnh: The Sun |
Cựu quân nhân Anh chia sẻ với tờ The Sun: "Khi tôi nói với những người bạn của mình về quyết định đó, họ đều sửng sốt và hỏi liệu tôi có bị điên không. Tôi từng là một bác sĩ quân y trực chiến có trình độ và đã có 7 năm làm nhà thầu quân sự tư nhân. Tôi muốn đến Ukraine và làm việc gì đó tốt đẹp".
Hague tạo lập nơi ăn ở tại thủ đô Kiev của Ukraine và liên lạc với các tay súng ngoại quốc khác trước khi Nga mở chiến dịch tấn công quân sự vào nước này. Anh kể bản thân đang ngủ lúc một người bạn đánh thức anh vào sáng 24/2, khi binh lính và xe tăng Nga tiến sang nước láng giềng.
"Thế giới nổ tung. Bạn có thể nghe thấy tiếng các tên lửa đang bay vút qua các tòa nhà. Ở đằng xa có những ánh sáng chói lòa khắp thành phố, do cuộc oanh tạc của quân Nga tạo ra. Cảnh tượng trông hoàn toàn siêu thực", Hague nhớ lại.
Hague lao ra khỏi căn hộ ở trung tâm Kiev trong bộ giáp che phủ toàn thân và mang theo một khẩu AK-47. Nhóm của anh nhanh chóng gia nhập một đơn vị Ukraine được cử đến bảo vệ sân bay Hostomel ở vùng ngoại ô tây bắc thủ đô.
"Đó là một tình huống rất khó đoán định. Không ai thực sự biết chuyện gì đang xảy ra. Khi chúng tôi tiến vào bóng tối, tôi nghĩ chẳng có gì sai khi nói rằng tôi sợ hãi. Bất cứ ai vào vị trí đó mà không sợ hãi đều là kẻ nói dối. Khi chúng tôi đến, tất cả rất yên tĩnh. Nhưng đột nhiên, cánh cổng địa ngục mở ra trước chúng tôi”, Hague chia sẻ.
Theo lời Hague, một phi đội tiêm kích của Nga đã nã tên lửa trước khi một đội trực thăng tấn công tham gia. Tay súng người Anh cùng 10 binh sĩ thuộc Quân đoàn Gruzia tìm chỗ ẩn nấp trong rừng. Hague, người từng phục vụ trong Trung đoàn Mercia thú nhận: “Chúng tôi gần như kiệt quệ. Tôi chưa bao giờ đối mặt hỏa lực khủng khiếp đến như vậy, tôi không nghĩ bất kỳ ai thuộc thế hệ này từng trải nghiệm nó. Iraq và Afghanistan hoàn toàn khác. Người Nga có một đội quân hiện đại".
Video do Bộ Quốc phòng Nga công bố, ghi lại cảnh các lính dù nước này đổ bộ chiếm sân bay Hostomel của Ukraine.
Sau đó, quân tiếp viện Ukraine với tên lửa phòng không vác vai Stinger đã đến và cố gắng bắn hạ các trực thăng chiến đấu của Nga.
Tuy nhiên, Hague và một người bạn Mỹ về sau bị các mật vụ Ukraine bắt giữ vì tình nghi họ là "những kẻ phá hoại của Nga". Cả hai đã bị đưa đến một cơ sở của cơ quan an ninh và bị thẩm vấn trong 3 giờ đồng hồ.
"Một trong những lính canh đã đánh vào đầu tôi. Một người khác đến và dựa vào trang bị, tôi biết anh ta thuộc một đơn vị đặc nhiệm. Anh ta mang theo dây cáp và 2 cái mũ trùm đầu... Họ liên tục hét vào mặt tôi bằng tiếng Nga, nhưng tôi nói rằng tôi là người Anh. Họ đánh tôi khoảng 8 hay 9 lần. Tôi bị chấn động mạnh và chảy rất nhiều máu", cựu quân nhân Anh kể.
Hague cho biết thêm, các mật vụ Ukraine đã kiểm tra điện thoại của anh và đọc các tin nhắn trong đó. Đối với anh, giây phút này thực sự rất đáng sợ. "Tôi không sợ chết mà tôi sợ khi phải đặt gia đình và bạn bè vào nỗi đau khi biết mình ở trong tình huống ấy", anh giải thích.
Rốt cuộc, Hague và người bạn Mỹ được trả tự do. Anh đã cùng hàng trăm nghìn người lên đường đến Lviv. Tiếp theo, anh di tản đến biên giới Ba Lan trước khi lên tàu hỏa đến Warsaw, rồi bay về Anh và trở về nhà ở Kidderminster cuối tuần trước.
“Tôi không đến đó để chết. Rõ ràng là tôi đã nghĩ về điều đó nhưng tôi có một công việc phải làm", Hague thổ lộ.
Trận chiến Hostomel, hay còn được biết đến như trận chiến Antonov, là một trong những trận giao tranh lớn đầu tiên giữa các lực lượng Nga và Ukraine, khi các máy bay Nga tìm cách dập tắt sự kháng cự ban đầu. Quân đội Nga đã thành công nhưng họ cũng mất một số trực thăng.
Tuấn Anh
Vì sao chữ Z trở thành biểu tượng cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine?
Chữ Z xuất hiện trên vô số xe quân sự, áo vận động viên, các phương tiện giao thông trên đường phố Nga,... được coi là biểu tượng cho chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.