Tỷ phú Jeff Bezos, Michael Bloomberg, Warren Buffett và Elon Musk - những người thuộc hàng giàu nhất nước Mỹ và thế giới - đều được Sở Thuế vụ Liên bang Mỹ (IRS) soi xét kỹ hồ sơ. Dường như không ai trong số họ nộp thuế thu nhập liên bang trong nhiều năm, theo CNN.
“Người giàu càng giàu, vì họ không phải lúc nào cũng cần phải đóng một khoản công bằng vào chiếc rương chung của cộng đồng”, CNN nhận xét trong bài viết ngày 9/6, sau khi ProPublica công bố khai báo thuế của những người giàu nhất nước trong hơn 15 năm.
ProPublica, một tổ chức báo chí điều tra phi lợi nhuận, tổng hợp các thông tin trên từ một nguồn ẩn danh. Họ nói, đây chỉ là một phần trong các báo cáo thuế mà tổ chức này hứa hẹn sẽ tung ra thêm nữa.
Hai tỷ phú Elon Musk (trái) và Jeff Bezos. Ảnh: ABS-CBN |
“Đáng lo ngại”
Theo báo cáo, một số vị tỷ phú, trong một số năm nhất định, tuyên bố lỗ và điều này giúp họ không cần đóng thuế.
Trước đó, ông Bezos và ông Musk, người giàu nhất và nhì thế giới hiện nay, đã nói với chính phủ liên bang rằng họ không nợ thuế thu nhập.
Điều này hoàn toàn hợp pháp, nhưng CNN cho rằng đây là chuyện “đáng lo ngại”.
Cả ông Bloomberg và ông Buffett đều ủng hộ việc tăng thuế suất đối với người giàu. Thế nhưng họ đều có hóa đơn thuế thu nhập 0 USD trong một số năm.
Tuy nhiên, ông Buffett ít ra từ lâu đã thừa nhận điều này, cho biết ông từng trả một mức thuế thấp hơn thư ký của mình.
Chiêu trò "lách" thuế
Bài viết của ProPublica cũng phân tích lý do những tỷ phú giàu nứt vách không đóng thuế lại là điều hợp pháp.
Luật thuế của Mỹ tập trung vào thu nhập, và phần lớn tài sản được tính vào phần "siêu giàu" bị ràng buộc bởi cổ phiếu của công ty hoặc các khoản đầu tư khác có giá trị thực, nhưng không phải chịu thuế liên tục qua các năm.
ProPublica dẫn một số tính toán từ tạp chí Forbes, cho rằng ông Bezos đã kiếm được 99 tỷ USD tài sản từ năm 2014 đến năm 2018. Tuy nhiên, CNN cho rằng đây là con số không hoàn chỉnh, bởi thu nhập của nhà sáng lập Amazon có thể thấp hơn nhiều.
Trong khoảng thời gian đó, ông Bezos kê khai thu nhập 4,22 tỷ USD và nộp thuế thu nhập 973 triệu USD. Như vậy, số tiền thuế phải nộp chiếm khoảng 20% thu nhập của ông.
Tuy nhiên, tài sản của ông Bezos cũng tăng vọt trong cùng khoảng thời gian. Tại Mỹ, chủ sở hữu bất động sản hoặc chủ sở hữu quỹ hưu trí tư nhân sẽ không bị chính phủ liên bang đánh thuế hàng năm, dù giá trị tài sản của họ tăng lên.
Cách tính thuế đối với tài sản gia tăng của ông Bezos cũng tương tự.
Thuế suất trung bình mà ông Elon Musk, Michael Bloomberg, Jeff Bezos và Warren Buffett đóng trong giai đoạn 2014-2018. Ảnh: ProPublica |
Báo cáo cũng chỉ ra người giàu thường vay ngân hàng để chi cho bất động sản, hay cổ phiếu. Việc trả lãi suất ngân hàng sẽ thấp hơn so với trả thuế thu nhập cho nhà nước. Tuy nhiên, theo CNN, các khoản vay cũng được xem là thu nhập.
Ông Carl Icahn, nhà đầu tư cũng được nêu tên trong báo cáo, thẳng thắn trao đổi với ProPublica về các bản khai thuế của mình. Ông nói: “Người ta gọi nó là thuế thu nhập là có lý do. Bất kể anh là người giàu hay người nghèo, hay có là chủ Apple, nếu không có thu nhập, anh không phải đóng thuế”.
Ông nói thêm: "Các anh có nghĩ rằng người giàu thì nên đóng thuế bất kể thế nào đi chăng nữa không? Tôi thì không nghĩ thế”.
Một sự thật khác là các tỷ phú vẫn nộp thuế đầy đủ cho doanh nghiệp của họ. Tuy nhiên, mức thuế doanh nghiệp chỉ là 21%, thấp hơn rất nhiều so với mức cao nhất trong khung thuế thu nhập cá nhân - 37%. Mức này được áp dụng đối với các cá nhân có thu nhập hàng năm từ 523.000USD trở lên.
Tỷ phú Bezos từng ủng hộ việc tăng thuế doanh nghiệp (cựu Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa giảm thuế này vào năm 2017). Tuy nhiên, theo CNN, Amazon của ông Bezos rất có thể không nộp khoản thuế nào gần bằng với cả hai mức thuế suất trên (21% và 37%).
Ngay cả với phần thu nhập mà giới siêu giàu kê khai, thường ở dạng lãi vốn, họ cũng sẽ trả thuế ở mức thấp hơn người Mỹ bình thường, vốn cũng có thu nhập ít hơn hẳn.
Công bố khai báo thuế có bất hợp pháp không?
Về lý thuyết, việc công bố thông tin thuế của một cá nhân là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, ProPublica lập luận rằng hành động của họ liên quan đến lợi ích của công chúng.
Tỷ phú Warren Buffett từng thừa nhận rằng thuế thu nhập mà ông phải đóng thấp hơn so với thư ký của ông. Ảnh: CNBC |
Người phát ngôn của một trong những người bị ProPublica mổ xẻ thông tin thuế - tỷ phú Bloomberg - khẳng định sẽ có các hành động pháp lý. Nhưng tuyên bố này dường như nhắm tới các tổ chức hoặc cá nhân tiết lộ tài liệu, chứ không hướng vào ProPublica.
ProPublica có vẻ cũng không biết đích xác ai, hay tổ chức nào đã gửi các tài liệu này cho họ. Trang báo này còn gợi ý rằng đó có thể là một tác nhân nước ngoài, như Trung Quốc hoặc Nga.
Đáng chú ý, không ai trong số các tỷ phú bị nêu tên phủ nhận tính chính xác của các bản khai thuế. Một số người nói họ đã tuân theo đúng các quy tắc. Những người khác không phản hồi, theo ProPublica.
Khi được hỏi về báo cáo của ProPublica vào ngày 8/6, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với phóng viên: "Bất kỳ người nào có quyền truy cập mà tiết lộ trái phép thông tin mật của chính phủ đều là bất hợp pháp, và chúng tôi xem điều này là rất nghiêm trọng”.
Bà cho biết, ủy viên của IRS đã mở cuộc điều tra về rò rỉ thông tin thuế cho ProPublica.
Theo Zing
Thiên đường thuế, nỗi ám ảnh của các chính phủ
Thỏa thuận của nhóm G7 về thuế đối với các tập đoàn toàn cầu được coi là quyết định lịch sử, đánh dấu bước tiến gần hơn tới việc xóa sổ các “thiên đường thuế”.
Khối G7 đạt thỏa thuận lịch sử về thuế doanh nghiệp đa quốc gia
Nhóm các nước có nền kinh tế phát triển nhất, gọi tắt là G7, vừa đạt được thỏa thuận mang tính lịch sử nhằm đối phó tình trạng lách thuế của các tập đoàn đa quốc gia.