Tháng trước, Fazal đã nhận được khoản tiền hồi môn trị giá 3.000 USD sau khi gả hai cô con gái 13 tuổi và 15 tuổi của mình cho những người đàn ông hơn gấp 2 lần tuổi chúng. Fazal chua xót nói, nếu hết tiền, anh có thể phải gả bán cả con gái út mới 7 tuổi.
Một bé gái nhỏ tuổi bị gả bán cho người chồng đáng tuổi ông ở Afghanistan. Ảnh: CNN |
"Tôi không còn cách nào khác để nuôi sống gia đình và trả nợ. Tôi có thể làm gì khác đây?", người cha khốn khổ chia sẻ với Quỹ Thomson Reuters tại thủ đô Kabul.
Tảo hôn gia tăng
Các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ cho biết, tình trạng tảo hôn gia tăng song hành với nghèo đói leo thang ở Afghanistan, kể từ khi Taliban lên nắm quyền cách đây 100 ngày. Hiện có nhiều báo cáo về việc các gia đình nghèo khó thậm chí hứa sẽ cho các con gái vị thành niên của họ đi lấy chồng để lấy của hồi môn.
Các nhà hoạt động dự đoán tỷ lệ tảo hôn, vốn phổ biến ngay cả trước khi Taliban tái kiểm soát quốc gia Nam Á, có thể tăng gấp đôi trong những tháng tới.
"Trái tim tôi bị bóp nghẹt khi nghe những câu chuyện này ... Đó không phải là một cuộc hôn nhân. Đó là hiếp dâm trẻ em", Wazhma Frogh, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ nổi tiếng của Afghanistan bày tỏ.
Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết đã có những báo cáo đáng tin cậy về việc một số gia đình thậm chí trao các con gái sơ sinh mới 20 ngày tuổi cho nhà chồng tương lai để nhận của hồi môn.
Theo các cơ quan của Liên Hợp Quốc, Afghanistan sẽ trở thành nơi xảy ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Khi mùa đông bắt đầu, hàng triệu người dân tại đây đối mặt nạn đói và 97% hộ gia đình có thể rơi xuống mức dưới nghèo khổ vào giữa năm 2022.
Việc nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan bất ngờ trở lại nắm quyền hôm 15/8 đã khiến hàng tỷ đô la tài sản của Afghanistan bị đóng băng ở nước ngoài và hầu hết các viện trợ quốc tế bị đình chỉ. Giá lương thực tăng vọt và hàng triệu người thất nghiệp hoặc không có thu nhập.
Bà Frogh giải thích, các gia đình đang gả con gái để giảm số miệng ăn phải nuôi và để có được tiền hồi môn, thường dao động trong khoảng từ 500 - 2.000 USD. Trẻ gái càng nhỏ tuổi, số tiền hồi môn nhận được càng cao hơn.
Một số cha mẹ cũng dùng con gái để gán nợ. Bà Frogh trích dẫn một trường hợp, trong đó chủ nhà đã bắt một bé gái 9 tuổi, con của một khách trọ khi anh ta không thể trả tiền thuê nhà. Ở tây bắc Afghanistan, một người đàn ông khác đã bỏ lại 5 đứa con ở một thánh đường Hồi giáo vì không thể nuôi chúng. Ba cô con gái trong số đó, tất cả đều được cho là dưới 13 tuổi, đã làm đám cưới cùng ngày.
"Số hoàn cảnh như trên đã tăng lên rất nhiều vì nạn đói. Mọi người không có gì và không thể nuôi con mình. Việc gả bán con gái nhỏ hoàn toàn bất hợp pháp và bị cấm về mặt tôn giáo", bà Frogh, người sáng lập Tổ chức Nghiên cứu hòa bình & phụ nữ nhấn mạnh. Bà nghe tin về những vụ tảo hôn hàng ngày, thường liên quan đến các bé gái dưới 10 tuổi, mặc dù không rõ liệu các em có bị ép buộc quan hệ tình dục trước khi đến tuổi dậy thì hay không.
Các phụ nữ và trẻ em xếp hàng nhận tiền cứu trợ do Chương trình lương thực thế giới phân phát ở Kabul, Afghanistan ngày 20/11/2021. Ảnh: AP |
Khủng hoảng vì đói nghèo, trường học đóng cửa
Trước khi Taliban nắm quyền, tuổi kết hôn hợp pháp tối thiểu đối với các cô gái ở Afghanistan là 16 tuổi, dưới mức tối thiểu 18 tuổi được quốc tế công nhận. Taliban tuyên bố chỉ công nhận luật Sharia của Hồi giáo, vốn không quy định độ tuổi tối thiểu.
Dữ liệu quốc gia mới nhất cho thấy, 28% phụ nữ ở Afghanistan kết hôn trước khi đến 18 tuổi và 4% trước khi bước sang tuổi 15. Song, bà Frogh và các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ khác dự đoán sẽ tới 1/2 các bé gái buộc phải lấy chồng trước tuổi 18 nếu cuộc khủng hoảng hiện thời tiếp tục.
Các trẻ em gái kết hôn sớm có nguy cơ cao bị cưỡng bức, ngược đãi trong gia đình, lạm dụng hoặc gặp biến chứng nguy hiểm khi mang thai.
"Nó hủy hoại cuộc sống của các em, cả về sức khỏe tâm lý, cảm xúc, thể chất và tình dục. Những cô gái này cũng thường bị đối xử như nô lệ hay người hầu", Jamila Afghani, Chủ tịch Liên đoàn quốc tế vì Phụ nữ và tự do, chi nhánh Afghanistan nói.
Bà Afghani tiết lộ, các nhà hoạt động gần đây đã can thiệp để chấm dứt vụ gả bán một bé gái 9 tuổi cho một nam giới ngoài 30 tuổi để lấy 50.000 Afghani (538 USD) tiền hồi môn ở tỉnh đông nam Ghazni.
Các nhà hoạt động nhận định, việc Taliban đóng cửa các trường trung học dành cho trẻ gái cũng đẩy các bậc phụ huynh đến quyết định gả con đi lấy chồng sớm. Theo bà Heather Barr thuộc Tổ chức giám sát nhân quyền, người đã làm việc với phụ nữ Afghanistan hơn 6 năm, 2 yếu tố nguy cơ quan trọng nhất thúc đẩy tình trạng tảo hôn là đói nghèo và thiếu tiếp cận giáo dục.
Hồi nắm quyền quản lý đất nước trong giai đoạn 1996 - 2001, Taliban cấm trẻ em gái đi học. Lần này, nhóm khẳng định rốt cuộc sẽ cho các em trở lại trường, nhưng không nói rõ trong những điều kiện nào.
Các nhà tài trợ muốn dùng viện trợ làm đòn bẩy để bảo đảm Taliban sẽ duy trì các quyền của trẻ em gái và phụ nữ. Tuy nhiên, bà Barr lưu ý, các biện pháp hỗ trợ cần ngay lập tức, vì việc trì hoãn sẽ khiến nhiều gia đình nghèo khó hơn và nhiều trẻ em gái có nguy cơ kết hôn hơn.
Theo UNICEF, cơ quan này đã bắt đầu một chương trình hỗ trợ tiền mặt để giúp cắt giảm nguy cơ đói nghèo và tảo hôn, đồng thời liên lạc với các nhà lãnh đạo tôn giáo để ngăn chặn các lễ cưới liên quan đến trẻ gái vị thành niên.
Tuấn Anh
>>> Đọc tin thời sự thế giới trên Vietnamnet
Taliban bất ngờ ra quy định cấm chiếu phim có diễn viên nữ
Chính quyền Taliban ngày 21/11 đã ban hành một loạt quy định mới, trong đó đề nghị các kênh truyền hình Afghanistan ngừng chiếu những bộ phim có diễn viên nữ.