Trang Worldometers thống kê, trong 24 giờ qua, toàn khối ASEAN ghi nhận gần 35.000 ca mắc mới, bao gồm 405 trường hợp tử vong. Kể từ đầu dịch, tổng số ca bệnh trong khu vực đã lên tới xấp xỉ 12,8 triệu, trong đó hơn 272.000 bệnh nhân không qua khỏi.

{keywords}
  Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, dịch có dấu hiệu bớt nghiêm trọng ở ASEAN khi nhiều nước đang chứng kiến số ca mắc mới và tử vong hàng ngày giảm mạnh so với trước.

Thái Lan hôm 17/10 đứng đầu khu vực về số ca mắc mới với 10.863 người, nâng tổng số trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 kể từ đầu dịch trên toàn quốc lên gần 1,8 triệu ca. Các nước có số ca mắc mới trong ngày cao thứ 2 và thứ 3 lần lượt là Philippines (6.913 ca) và Malaysia (6.145 ca).

Về số ca tử vong trong ngày, Philippines đứng đầu khối với 95 ca, tiếp đó là Thái Lan với 68 ca.

Để sớm khống chế dịch, các nước ASEAN đang nỗ lực tăng tốc chủng ngừa Covid-19 đại trà. Theo báo New York Times, nước có tỉ lệ tiêm phòng đứng đầu khu vực là Singapore với 83% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin, 82% đã hoàn thành tiêm chủng và 9,7% được tiêm liều tăng cường (liều vắc xin thứ 3). Campuchia xếp thứ 2 với 82% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin, 75% được tiêm đủ liều và 7,8% đã tiêm mũi nhắc lại.

Số ca mắc mới ở Anh tăng vọt

Anh hôm 17/10 ghi nhận thêm 45.140 ca mắc mới, mức tăng cao nhất trong ngày kể từ giữa tháng 7. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ tại xứ sở sương mù vượt mốc 40.000 người.

Theo báo Guardian, dữ liệu đã nâng tổng số ca nhiễm mới trong 7 ngày qua tại Anh lên 300.081 người, tăng 15,1% so với một tuần trước đó. Số ca mắc mới từng giảm nhẹ hồi đầu tháng 9, nhưng có xu hướng liên tục tăng trở lại từ giữa tháng trước.

Thêm 57 trường hợp tử vong trong vòng 28 ngày có xét nghiệm Covid-19 dương tính đã nâng tổng số bệnh nhân thiệt mạng trong 7 ngày qua lên 852 người, tăng 8,5% so với tuần trước.

Cho đến hiện tại, Anh vẫn là "ổ dịch" lớn nhất châu Âu và xếp thứ 4 thế giới với hơn 8,4 triệu ca mắc, 138.584 trường hợp tử vong. 74% dân số toàn quốc đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin và 67% hoàn thành tiêm chủng.

Nhằm làm chậm lại đà lây lan của virus, nhà chức trách dự kiến sẽ tổ chức các trạm tiêm chủng lưu động dành cho trẻ từ 12 - 15 tuổi ở khu vực England trong vòng vài tuần tới, sau khi triển khai ở Scotland. Nhóm trẻ trong độ tuổi này đang có tỷ lệ mắc SARS-CoV-2 cao nhất so với các nhóm tuổi khác.

Thành phố Đức cân nhắc cấm người chưa tiêm phòng đi siêu thị

Nhà chức trách ở thành phố Frankfurt và các khu vực lân cận thuộc bang Hesse, Đức đang cân nhắc áp quy định chỉ cho phép những người đã tiêm phòng Covid-19 hoặc hồi phục sau khi mắc bệnh đến các siêu thị và những địa điểm đông người khác.

Quy định 2G nói trên đã được triển khai tại các địa điểm công cộng như nhà hàng, rạp chiếu phim, quán bar và câu lạc bộ. Chính quyền Hesse thông báo đã quyết định mở rộng phạm vi áp dụng quy định này đối với hệ thống siêu thị và cửa hàng, để có thể bỏ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách trong các không gian này.

Quy định 2G lâu nay vẫn gây tranh cãi ở Đức vì nhiều người cho rằng, nó gây mất bình đẳng với cả những người không thể tiêm chủng vì lí do sức khỏe. Trước đó, nhiều dịch vụ chăm sóc khách hàng và giải trí đã gặp rắc rối khi áp dụng quy tắc 3G (viết tắt của 3 chữ Geimpfte - người đã tiêm chủng, Genesene - người đã khỏi bệnh và negativ Getestete - người đã xét nghiệm có kết quả âm tính), cho phép phục vụ cả những người có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính ngoài 2 đối tượng như quy định 2G.

Trước nguy cơ dịch có thể tái bùng phát vào mùa đông sắp tới do hàng triệu người trưởng thành vẫn chưa tiêm vắc xin, nhà chức trách Đức đang tìm mọi cách thúc đẩy tiêm chủng đại trà. Kể từ ngày 11/10, nước này đã chấm dứt việc xét nghiệm miễn phí cho người dân, trong khi 8 bang cho phép các doanh nghiệp và nhà tổ chức sự kiện áp dụng quy định 2G.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

- Theo trang Worldometers, tính đến sáng sớm 18/10 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 221 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 241,4 triệu người, hơn 4,9 triệu ca tử vong. Song, xấp xỉ 218,7 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.

- Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với gần 45,8 triệu ca mắc, 744.541 bệnh nhân không qua khỏi. 57% người dân ở xứ sở cờ hoa đã hoàn thành tiêm chủng và 2,9% đã được tiêm mũi vắc xin bổ sung, theo báo New York Times. 

- Một cuộc thăm dò dư luận gần đây của Đại học Suan Dusit Rajabhat cho thấy, nhiều người Thái Lan (59,86% số người tham gia khảo sát) phản đối tái mở cửa biên giới vào thời điểm hiện tại vì lo sợ du khách quốc tế sẽ mang theo mầm bệnh nhập cảnh, giữa lúc tỷ lệ tiêm phòng Covid19 của nước này còn thấp. Cho đến nay, 53% dân số Thái Lan đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin, 36% hoàn thành tiêm chủng và 2,7% được tiêm bổ sung liều thứ 3.

- Ai Cập vừa công bố các yêu cầu mới về phòng chống dịch đối với các lao động làm việc trong khu vực công. Theo đó, kể từ ngày 15/11, những người làm việc trong các tòa nhà của chính quyền sẽ bắt buộc phải tiêm vắc xin Covid-19 hoặc xét nghiệm kiểm dịch hàng tuần.

- Tổ chức cứu trợ World Vision cảnh báo, các tác động của đại dịch có thể làm gia tăng tình trạng thấp còi ở trẻ em tại Thái Bình Dương, do tình trạng mất việc làm và giá lương thực tăng cao đe dọa gây suy dinh dưỡng ở trẻ trong khu vực.

Tuấn Anh

>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

 

Indonesia giảm thời gian cách ly người nhập cảnh, Brazil vượt mốc buồn Covid-19

Indonesia giảm thời gian cách ly người nhập cảnh, Brazil vượt mốc buồn Covid-19

Bộ trưởng Du lịch và kinh tế sáng tạo Indonesia thông báo, nước này sẽ giảm thời gian cách ly sau khi nhập cảnh đối với du khách quốc tế từ 8 ngày xuống còn 5 ngày.

Mỹ dỡ hạn chế với khách ngoại đã tiêm chủng, 43.000 người Anh bị sai kết quả xét nghiệm

Mỹ dỡ hạn chế với khách ngoại đã tiêm chủng, 43.000 người Anh bị sai kết quả xét nghiệm

Chính phủ Mỹ thông báo sẽ dỡ bỏ các hạn chế đi lại đối với những du khách quốc tế đã tiêm phòng Covid-19 đầy đủ từ ngày 8/11.