Theo hãng thông tấn Reuters, động thái trên diễn ra sau khi ông Kyaw Moe Tun, đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc, bị sa thải vì đã thúc giục tổ chức này sử dụng "mọi biện pháp cần thiết" để chấm dứt cuộc đảo chính hôm 1/2.
Đài truyền hình nhà nước Myanmar MRTV cho biết, đại sứ Kyaw Moe Tun bị sa thải theo quy tắc công vụ vì đã “phản bội tổ quốc” và “lạm dụng quyền lực và trách nhiệm của một đại sứ”.
Trả lời các phóng viên Reuters tại New York, ông Kyaw Moe Tun khẳng định "vẫn sẽ phản kháng chừng nào còn có thể".
Lực lượng an ninh Myanmar được điều động tới Yangon để đối phó người biểu tình. Ảnh: Reuters |
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội lên nắm chính quyền, bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi cùng nhiều lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, với cáo buộc bà Suu Kyi và đảng của bà đã gian lận trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 năm ngoái.
Cuộc đảo chính đã khiến hàng trăm nghìn người Myanmar xuống đường biểu tình và bị các nước phương Tây lên án. Một số nước đã áp đặt một số biện pháp trừng phạt hạn chế đối với chính quyền quân sự ở Myanmar.
Hôm 27/2 đã chứng kiến tình trạng hỗn loạn ở các thị trấn và thành phố trên khắp Myanmar, khi lực lượng an ninh đã có các động thái mạnh tay trấn áp người biểu tình. Đài MRTV cho biết hơn 470 người đã bị bắt giữ, còn theo báo 7Day News và một nhân viên cấp cứu Myanmar, một người phụ nữ đã bị trọng thương trong một cuộc biểu tình tại thành phố Monwya ở miền trung nước này.
Liên Hợp Quốc hiện vẫn chưa chính thức công nhận chính phủ quân sự mới của Myanmar. Tom Andrews, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc, cho biết ông đã "choáng ngợp" trước “hành động can đảm” của đại sứ Kyaw Moe Tun, đồng thời viết trên Twitter rằng: “Đã đến lúc thế giới phải đáp trả lời kêu gọi can đảm đó bằng hành động”.
Việt Anh
Myanmar sa thải đại sứ tại Liên Hợp Quốc
Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Kyaw Moe Tun hôm 27/2 đã bị sa thải với lý do “phản bội đất nước”.
Biểu tình tiếp diễn căng thẳng ở Myanmar
Lực lượng an ninh Myanmar triển khai lực lượng và hành động quyết liệt nhằm giải tán những đám đông biểu tình ở nước này.