Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm ngày 28/7 (theo giờ Việt Nam), gần 16,6 triệu người trên toàn cầu đã nhiễm bệnh, với ít nhất 655.137 trường hợp trong số đó đã tử vong. Tuy nhiên, thế giới cũng chứng kiến hơn 10,1 triệu bệnh nhân được chữa khỏi.
Người dân Hong Kong (Trung Quốc) bắt buộc phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Ảnh: AP |
Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với tổng số ca nhiễm (hơn 4,4 triệu người) và tử vong (hơn 150 người). Brazil với hơn 2,4 triệu ca nhiễm, gần 88.000 người thiệt mạng và Ấn Độ với xấp xỉ 1,5 triệu trường hợp dương tính, hơn 33.000 tử vong lần lượt là các "ổ dịch" lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới.
Covid-19 gây tình trạng khẩn cấp y tế nghiêm trọng nhất
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 27/7 ở Geneva, Thụy Sỹ, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Khi tôi tuyên bố tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế vào ngày 30/1... mới có chưa đầy 100 ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc và chưa có trường hợp nào tử vong. Covid-19 đã thay đổi thế giới của chúng ta. Nó đưa các dân tộc, cộng đồng và quốc gia sát lại gần nhau và cũng đẩy họ ra xa nhau. Đây là lần thứ 6 tình trạng khẩn cấp quốc tế được công bố theo các tiêu chuẩn y tế, nhưng dễ dàng trở thành nghiêm trọng nhất".
BBC dẫn lời lãnh đạo WHO nhấn mạnh, đại dịch đang tiếp tục tăng tốc, với tổng số ca nhiễm đã tăng gần gấp đôi trong vòng 6 tuần qua. Mặc dù thế giới đã nỗ lực rất lớn trong cuộc chiến chống mầm bệnh nguy hiểm nhưng "vẫn còn một con đường dài khó khăn phía trước".
Ông Ghebreyesus nói sẽ tái triệu tập ủy ban khẩn cấp WHO trong tuần này để xem xét lại cách đánh giá về đại dịch. Trước Covid-19, WHO từng 5 lần công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu khác đối với các dịch gồm Ebola (2 lần), Zika, bệnh bại liệt và cúm H1N1.
Cũng tại cuộc họp báo ở Geneva, Mike Ryan, Giám đốc chương trình các vấn đề khẩn cấp WHO cho rằng, việc giới hạn đi lại không phải là câu trả lời cho cuộc chiến chống Covid-19 về dài hạn. Ông Ryan kêu gọi các nước phải hành động nhiều hơn để ngăn chặn sự lây lan của virus bằng cách thực thi những chiến lược đã chứng minh hiệu quả như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.
Âu - Á vật lộn chống làn sóng lây nhiễm mới
Tại châu Âu, dù số ca dương tính với Covid-19 trong ngày đã giảm mạnh ở một số quốc gia từng là điểm nóng như Italia, Tây Ban Nha hay Nga nhưng các nước khác như Bỉ, Ba Lan... lại đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới gia tăng.
Bộ Y tế Bỉ ngày 27/7 thông báo, số ca nhiễm của nước này trong tuần qua đã tăng hơn 70% so với tuần trước đó, ở mức đáng lo ngại. Tính đến sáng sớm ngày 28/7, Bỉ ghi nhận 66.026 ca dương tính, với 9.821 bệnh nhân đã tử vong. Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmès vừa công bố một loạt biện pháp giới hạn nghiêm ngặt hơn, kể cả quy định cấm tụ tập quá 5 người ở ngoài phạm vi gia đình kể từ ngày 29/7. Bà Wilmès cảnh báo có thể áp dụng "phong tỏa hoàn toàn" lần hai nếu tốc độ lây lan virus không được khống chế.
Để đối phó với dịch, tại Pháp, nhà chức trách đã ra lệnh giới nghiêm vào ban đêm tại các bãi biển ở khu nghỉ dưỡng Quiberon. Trong khi, Đức cân nhắc thực thi xét nghiệm kiểm dịch bắt buộc với những người vừa đi du lịch ở các vùng nguy cơ cao về, còn Anh xem xét đưa Pháp và Đức vào danh sách các quốc gia có công dân phải cách ly 14 ngày khi nhập cảnh vào xứ sở sương mù. Chính phủ Romania cũng để ngỏ khả năng phong tỏa diện rộng khi số ca nhiễm tăng cao kỷ lục ngày thứ hai liên tiếp.
Tương tự, diễn biến dịch hết sức phức tạp buộc các nước ở châu Á phải phải siết chặt các hạn chế.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 (61 người hôm 27/7) cao nhất trong vòng 3 tháng qua, Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành lấy mẫu xét nghiệm 6 triệu dân sinh sống ở thành phố Đại Liên thuộc tỉnh đông bắc Liêu Ninh để truy vết các ca nhiễm trong cộng đồng.
Tại đặc khu hành chính Hong Kong, chính quyền địa phương thông báo sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp phòng chống dịch bổ sung và nghiêm ngặt hơn sau khi trải qua 6 ngày liên tiếp có số ca bệnh mới trong vòng 24 giờ vượt mức 100 người. Quy định mới cấm các hoạt động tụ tập trên 2 người và việc ăn uống tại các nhà hàng. Mọi người dân trong thành phố cũng bắt buộc phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng, kể cả các địa điểm ngoài trời.
Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Indonesia có thêm tới 1.525 ca nhiễm mới Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên vượt mốc 100.000 người với 4.838 trường hợp đã tử vong. Tổ chức Chữ thập đỏ khuyến cáo, dịch bệnh tại nước này có nguy cơ "vượt ngoài tầm kiểm soát" nếu các quan chức và người dân lơ là các biện pháp phòng chống sau khi nới lỏng việc hạn chế đi lại từ đầu tháng 7.
Tại Nhật, chính phủ kêu gọi các công ty cho phép 70% nhân viên làm việc từ xa và tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội để đối phó với tình trạng gia tăng lây nhiễm virus ở môi trường công sở. Các chuyên gia lo ngại, đất nước mặt trời mọc đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 2 khi số ca mắc tại thủ đô Tokyo và các thành phố khác tăng mạnh trong tuần qua. Tính đến hết ngày 27/7, hơn 29.000 người ở Nhật có kết quả xét nghiệm dương tính với mầm bệnh nguy hiểm với 996 trường hợp thiệt mạng.
Tuấn Anh
Hàn Quốc thông tin về ca nghi nhiễm Covid-19 ở Triều Tiên
Nhà chức trách Hàn Quốc vừa công bố các thông tin điều tra ban đầu về người đàn ông nghi mắc Covid-19 đã vượt biên trái phép từ nước này sang Triều Tiên.
Cố vấn an ninh của ông Trump nhiễm Covid-19
Một quan chức Mỹ cho biết, Robert O'Brien, Cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Donald Trump đã bị nhiễm Covid-19.