Sau khi Liên Xô tan rã, chính Gorbachev đã thừa nhận và trợ lý của Gorbachev trong 10 năm (1981-1991) Valery Ivanovich Boldin cũng nhấn mạnh điều này.

Đứng sau lưng chồng

Mikhail Sergeyevich Gorbachev sinh ngày 2/3/1931 trong một gia đình nông dân tại làng Privolnoye, khu Starovpol. Gorbachev là con trai một công nhân cơ khí nông nghiệp Nga, ông Sergey Andreyevich Gorbachev và bà Maria Panteleyevna Gorbacheva.

Raisa Maksimovna Titarenko sinh ngày 5/1/1932 tại thành phố Rubtsovsk vùng Altai của Siberia. Raisa có bố là ông Maxim Andreyevich Titarenko, một kỹ sư đường sắt và mẹ là bà Alexandra Petrovna Porada.

Nếu Gorbachev được huy chương bạc học sinh giỏi cấp vùng thì Raisa lại đạt huy chương vàng học sinh giỏi cấp vùng, cùng vào năm 1950. Chính vì vậy, cả hai đều được tuyển thẳng vào Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow mà không cần phải qua thi cử. Gorbachev học ở khoa Luật, còn Raisa thì học khoa Triết.

Năm 1952, Gorbachev được xét kết nạp Đảng và được bầu là Phó bí thư Đoàn khoa trong thời gian ở trường đại học. Trong một đêm vũ hội do câu lạc bộ sinh viên tổ chức, Gorbachev đã bị Raisa hớp hồn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Sau một thời gian kiên trì theo đuổi, Gorbachev đã chinh phục được tình cảm của người đẹp đến từ vùng Siberia.

{keywords}
Gorbachev và Raisa lúc còn học ở trường Đại học Tổng hợp Lomonosov

Sau đó, Gorbachev đã về quê Privolnoye thúc ép cha bán hết số lương thực vừa thu hoạch cộng với số tiền tiết kiệm dành dụm được hơn 1.000 rúp - số tiền lớn vào thời đó để lên Moscow cưới Raisa. Ngày 25/9/1953, Gorbachev và Raisa tổ chức đám cưới trong ký túc xá đại học.

Việc này khiến bạn bè của cả hai bàn tán xôn xao. Lúc đầu cả hai chưa đăng ký kết hôn nên Gorbachev không được ở lại đêm ở phòng Raisa và ngược lại. Nhưng sau đó nhà trường đã cho phép Gorbachev và Raisa có một căn phòng riêng, sau khi cả hai đã đăng ký kết hôn.

Tháng 6/1955, Gorbachev tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Lomonosov với tấm bằng ngành Luật xuất sắc. Gorbachev được trường giới thiệu đến Viện Kiểm sát tối cao để nhận công tác. Nhưng Viện Kiểm sát tối cao cự tuyệt nhận Gorbachev vào làm việc. Viện Kiểm sát tối cao cho rằng, Gorbachev không thích hợp với các công việc giám sát các tổ chức an ninh của Nhà nước và phục hồi công bằng xã hội, các lĩnh vực nhạy cảm ở thủ đô vì “chưa đủ trình độ”.

Việc không được nhận vào Viện Kiểm sát tối cao đã làm cho vợ chồng Gorbachev phải nếm trải nhiều sự hụt hẫng. Raisa lúc này đang là nghiên cứu sinh triết học và đang khao khát được định cư tại Moscow để thoát khỏi cuộc sống khó khăn từng chịu đựng ở quê nhà Siberia. Ngược lại với tương lai tốt đẹp đó, Raisa phải bỏ lỡ việc học để cùng chồng về sinh sống tại Starovpol.

Sau đó, Gorbachev đã bị xúc phạm khi bố mẹ Raisa không chấp nhận đám cưới giữa cặp đôi, bởi họ tổ chức hôn lễ mà không cho bố mẹ Raisa biết. Bố mẹ Raisa quy kết Gorbachev là nguyên nhân khiến con gái Raichika (tên gọi thân mật của gia đình dành cho Raisa, có nghĩa là “một loại quả nhỏ trên thiên đường”) của mình phải bỏ lỡ cơ hội tiến thân ở Moscow.

{keywords}
Raisa thích trưng diện, công du cùng chồng khắp trong và ngoài nước

Thậm chí, họ cho rằng Gorbachev không xứng với Raisa và thẳng thừng nói rằng, nếu Raisa kết hôn với một công chức nhà nước cao cấp khác ở thủ đô thì có lẽ họ sẽ hãnh diện hơn về con gái của mình. Raisa sau đó đã xin dạy ở Học viện Nông nghiệp Stavropol.

Gorbachev, với tấm bằng Cử nhân luật xuất sắc tại trường Lomonosov, đã phải xin việc tại Viện Kiểm sát một vùng biên giới của Starovpol. Chỉ trong muời ngày, Gorbachev đã cảm thấy chán nản. Trong một lá thư gửi Raisa, Gorbachev thừa nhận mình “đang thực sự thất vọng”.

Để thoát khỏi vùng biên giới, Gorbachev đã xin chuyển sang làm công tác của Đoàn Thanh niên Cộng sản Lenin Starovpol. Gorbachev kể lại sự việc lần đó trong bức thư gửi cho Raisa như sau: “Lần nói chuyện với viên kiểm sát trưởng ở khu biên giới vừa dài lại không có chút hứng thú gì… Kiểm sát trưởng sau khi tìm anh mắng một trận thoả thích rồi cũng đồng ý để anh từ chức tới làm việc ở Ban Chấp hành Đoàn khu. Anh được bổ nhiệm làm Phó trưởng ban cổ động tuyên truyền”.

Ngày 15/8/1955, Gorbachev chuyển đến làm việc ở Đoàn Thanh niên Cộng sản Lenin khu Stavropol với chức vụ Phó trưởng ban cổ động tuyên truyền.

V.I.Boldin, trợ lý của Gorbachev, đã nhận xét về ảnh hưởng của sự kiện này đối với Gorbachev như sau: “Không tìm được cho mình một chỗ ở Viện Kiểm sát tối cao, sự thất bại đó đã để lại vết xước đáng kể trong lòng Gorbachev. Ông ta thường xuyên nhớ lại điều đó, thậm chí khi đã trở thành Tổng Bí thư. Theo quan điểm của tôi, đó là thời gian ít có ý nghĩa đối với ông ta. Có lần ông nói rằng, khoảng giữa những năm 1970, người ta bổ nhiệm ông làm Viện trưởng Viện Công tố Liên Xô, nhưng dường như ông đã từ chối”.

Nhận thấy con đường thăng tiến trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin chỉ là “bước đà”, Raisa đã khuyên Gorbachev học thêm chương trình khoá học hàm thụ của khoa Kinh tế - Học viện Nông nghiệp Stavropol, nơi mình đang giảng dạy. Gorbachev đã nghe lời vợ và đã tốt nghiệp khóa học vào năm 1967. Trước đó, Raisa cũng đã thi tuyển nghiên cứu sinh và năm 1967 bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ ở trường Đại học Sư phạm Mosocw với đề tài “sự hình thành nhân cách mới của nông dân tập thể”.

Vì là người tốt nghiệp bằng đại học Luật ở thủ đô và lại đang theo học Khoa kinh tế - Học viện Nông nghiệp Stavropol nên sự nghiệp của Gorbachev lên như “diều gặp gió”. Năm 1956, Gorbachev được bầu làm Bí thư thứ nhất Khu Đoàn Thanh niên Cộng sản Lenin Stavropol nhiệm kỳ 1956-1958. Gorbachev cũng được bầu vào chức vụ này lần thứ hai trong nhiệm kỳ 1961-1962. Vào ngày 26/9/1966, Gorbachev được bầu làm Bí thư thứ nhất của Đảng ủy thành phố Stavropol, khu Stavropol.

Kể từ đây, Gorbachev thăng tiến nhanh chóng trên con đường sự nghiệp. Vào tháng 4/1971, Gorbachev đã được giới thiệu với Bộ Chính trị và được làm Bí thư thứ nhất Khu ủy Đảng ở Stavropol. Một năm sau, Gorbachev được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Tháng 11/1978, Gorbachev được điều đến Moscow làm Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng phụ trách nông nghiệp. Raisa cũng trở thành giảng viên Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow. Sau đó, Gorbachev được bầu làm Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị vào năm 1979 và tháng 11/1980, trở thành Uỷ viên Bộ Chính trị.

Khi Chernenko mất vào 10/3/1985 thì vào ngày hôm sau, Gorbachev được bầu làm Tổng Bí thư. Ngày 15/3/1990, Gorbachev được bầu làm Tổng thống Liên Xô nhưng sau đó từ chức vào ngày 25/12/1991. Ngày 31/12/1991, Liên Xô biến mất trên bản đồ chính trị thế giới.

Lãnh đạo chi bộ gia đình

Năm 1987, trong chuyến công du cùng chồng đến Mỹ, Raisa đã gần như thuyết trình đủ thứ đề tài. Khi đó bà Nancy Reagan, phu nhân Tổng thống Ronald Reagan đã tỏ ra khá khó chịu và nói với những người thân cận rằng “không hiểu bà ấy nghĩ mình là ai nhỉ?”. Sau này, khi Liên Xô tan rã, Gorbachev thừa nhận Raisa đã “lãnh đạo chi bộ đảng gia đình chúng tôi”.

Nhưng Boldin thì cho rằng, “không chỉ lãnh đạo, mà bà còn là tâm hồn, ngọn cờ tư tưởng của chi bộ. Và bà ta không chỉ vạch ra chính xác ở mức độ chi bộ đảng gia đình mà đề nghị những nghị quyết sao cho đảng viên chi bộ gia đình (M.S.Gorbachev) thực hiện đường lối đã vạch ra ở mức toàn Đảng Cộng sản Liên Xô. Đây không phải là điều cường điệu quá đáng.

Tôi đã phải chứng kiến, khi Raisa Maksimovna hết ngày này sang ngày khác cương quyết và không lùi bước nhắc đi nhắc lại mỗi ý tưởng của bà ta cho đến khi đạt được sự đồng ý của chồng. Vì tính cách tương đối mềm mỏng của mình, không có khả năng giữ theo ý kiến của mình, Gorbachev thường bị ảnh hưởng bởi các quyết định của vợ”.

{keywords}
Raisa qua đời ngày 20/9/1999 ở tuổi 67 tuổi vì bệnh ung thư máu

Bản thân Gorbachev cũng từng bày tỏ: “Tôi bàn hết thảy mọi việc với Raisa, kể cả những việc hệ trọng của chính quyền Xô viết”.

Valentin Sergeyevich Pavlov, cựu Thủ tướng Liên Xô cũng đã chua xót nhận xét rằng: “Sau này, khi đã leo lên được quyền lực thì Gorbachev luôn tỏ ra là một người chấp hành và truyền dẫn điển hình cho các tư tưởng của người khác mà bản thân chỉ có khả năng tiếp tục và cố gắng với khả năng của mình, thực hiện những ý định của người khác… luôn là người thứ hai trong suy nghĩ, là người do dự trong công việc, rất dễ bị ảnh hưởng và áp lực của người khác”.

Nguyễn Văn Toàn