Biến thể Delta nguy hiểm hơn cùng với việc thiếu vắc xin và triển khai tiêm chủng chậm chạp được tin là những nguyên nhân chính dẫn đến đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất từ trước đến nay khắp Đông Nam Á. Indonesia, nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực, hiện có số ca tử vong hàng ngày cao nhất thế giới, trung bình 1.466 ca/ngày trong một tuần trở lại đây.
Quan tài chứa thi thể một bệnh nhân tử vong vì Covid-19 ở Bali, Indonesia được đưa đi an táng. Ảnh: NurPhoto |
Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) trích dẫn dữ liệu của Đại học Johns Hopkins cho biết, chỉ trong vòng 2 tuần qua, số bệnh nhân Covid-19 không qua khỏi ở Đông Nam Á là 38.522 người, cao hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới và gần gấp đôi Bắc Mỹ. Cùng thời gian, châu Âu ghi nhận 22.102 ca tử vong, Nam Mỹ là 19.356 ca, Trung Đông và châu Phi là 21.216 ca.
Alexander Matheou, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) hôm 18/8 bày tỏ với báo The Guardian rằng, tổ chức này lo ngại số ca tử vong ở Đông Nam Á sẽ tiếp tục tăng lên, đặc biệt ở những người chưa được chủng ngừa.
"Việc chủng ngừa đang diễn ra với tốc độ kỷ lục ở một số nước, nhưng nhiều quốc gia Đông Nam Á có tỷ lệ tiêm phòng đầy đủ cho dân thấp và đang kém xa so với Tây Âu và Bắc Mỹ. Trước mắt, chúng ta cần những nỗ lực lớn hơn của các nước giàu có hơn để khẩn trương chia sẻ hàng triệu liều vắc xin dư thừa của họ với các nước ở Đông Nam Á. Chúng ta cũng cần các công ty sản xuất vắc xin và các chính phủ chia sẻ công nghệ cũng như mở rộng quy mô sản xuất", ông Matheou nhấn mạnh.
Các nước châu Âu như Anh, Tây Ban Nha, Đức và Italia đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 cho ít nhất 57% dân số, theo thống kê của dự án Our World in Data thuộc Đại học Oxford. Ngược lại, tại Đông Nam Á, tỷ lệ dân số được chủng ngừa đầy đủ ở Thái Lan là 7,5%, Indonesia 10,5% và Philippines 11,6%. Malaysia đã tiêm đủ liều cho hơn 1/3 dân số, trong khi chiến dịch chủng ngừa quốc gia của Myanmar gần như sụp đổ sau cuộc chính biến đầu tháng 2.
Phần lớn Đông Nam Á đã tìm được cách tránh được hậu quả tồi tệ nhất của đợt bùng phát dịch hồi năm ngoái, thông qua kiểm soát chặt biên giới, các biện pháp phong tỏa và truy vết tiếp xúc. Song, biến thể Delta đã chứng minh khó khống chế hơn nhiều, trong khi một số chính phủ trong khu vực không muốn áp tái áp phong tỏa toàn diện vì lo ngại các tổn hại kinh tế.
Ví dụ, Thái Lan từng ghi nhận chưa tới 100 ca tử vong liên quan Covid-19 trong năm 2020. Tuy nhiên, kể từ tháng 4 năm nay, số bệnh nhân thiệt mạng đã tăng vọt lên gần 8.000 người. Số ca mắc mới và tử vong ở nước này cũng tiếp tục leo thang bất chấp các biện pháp phong tỏa, khiến hầu hết các doanh nghiệp phải đóng cửa hơn một tháng.
Hôm 17/8, Thái Lan thông báo ghi nhận thêm 312 ca bệnh thiệt mạng, mức tăng kỷ lục trong ngày. Trong 50.151 trường hợp xét nghiệm có tới 20.515 ca dương tính. Trong tuần này, Chính phủ Thái Lan đã phải gia hạn các biện pháp hạn chế ở nhiều nơi trên toàn quốc, kể cả thủ đô Bangkok để ứng phó diễn biến dịch phức tạp.
Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng gia tăng ca mắc khiến các hệ thống y tế khắp khu vực quá tải và một số bệnh viện thậm chí không còn giường để tiếp nhận bệnh nhân nặng.
Tuấn Anh
>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất
Cách Singapore thích ứng với sự thay đổi của dịch Covid-19
Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta khiến ngay cả những quốc gia được bảo vệ tốt nhất với các chiến dịch tiêm chủng tiên tiến như Singapore cũng bị bất ngờ.
Israel, Nhật nhận tin buồn, Mỹ báo động số trẻ nhập viện vì Covid-19
Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, khiến số ca mắc mới tại Israel đang tăng mạnh trở lại và số trường hợp trẻ em Mỹ phải nhập viện vì virus cao đáng báo động.