Khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi cài đặt lại quan hệ song phương với Mỹ mới đây, một phát ngôn viên của Nhà Trắng trả lời rằng Washington coi mối quan hệ này là một trong những cuộc cạnh tranh mạnh mẽ đòi hỏi một vị thế sức mạnh. Rõ ràng, chính quyền của Tổng thống Joe Biden không đơn giản chỉ đảo ngược các chính sách của Trump.
Quan hệ Trung - Mỹ gặp nhiều sóng gió những năm qua. Ảnh: The ASEAN Post) |
Trong bài viết đăng trên trên trang Project Syndicate ngày 2/3, Giáo sư Joseph S. Nye, Jr thuộc trường Đại học Harvard cho biết ông không bi quan như vậy. Ông nêu nhận định của một số nhà phân tích tin rằng mối quan hệ Mỹ-Trung đang bước vào thời kỳ xung đột, với một bên là bá chủ vững chắc chống lại một bên đang gia tăng sức mạnh.
Theo ông, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và sinh thái khiến cho nguy cơ một cuộc chiến tranh lạnh thực sự giảm bớt, một cuộc chiến tranh nóng lại càng khó xảy ra hơn, bởi cả hai nước đều có động cơ hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Nhưng những tính toán sai lầm luôn có thể xảy ra, và một số người nhận thấy có nguy cơ "mộng du" vào thảm họa, như đã xảy ra với Thế chiến 1.
Giáo sư Joseph S. Nye chỉ ra rằng, lịch sử đầy rẫy những trường hợp ngộ nhận về việc thay đổi các cán cân quyền lực. Chẳng hạn, khi đến thăm Trung Quốc vào năm 1972, Tổng thống Richard Nixon muốn cân bằng những gì ông coi là mối đe dọa ngày càng lớn của Liên Xô đối với một nước Mỹ đang suy yếu.
Tuy nhiên, điều mà Nixon lý giải về sự suy yếu thực chất là sự trở lại bình thường của tỷ trọng sản lượng toàn cầu cao một cách giả tạo của Mỹ sau Thế chiến 2. Ông tuyên bố đa cực, nhưng những gì xảy ra sau đó là sự kết thúc của Liên Xô và thời kỳ đơn cực của Mỹ trong 2 thập niên.
Ngày nay, một số nhà phân tích Trung Quốc đánh giá thấp khả năng phục hồi của Mỹ, và dự đoán Trung Quốc sẽ thống trị, nhưng nhận định này có thể trở thành một tính toán sai lầm nguy hiểm. Việc người Mỹ đánh giá quá cao hoặc quá thấp sức mạnh của Trung Quốc cũng đáng sợ không kém. Và, Mỹ có nhiều tổ chức với các động cơ kinh tế và chính trị để làm cả hai điều này.
Tính theo đồng đôla, nền kinh tế Trung Quốc có quy mô bằng khoảng 2/3 nền kinh tế Mỹ, nhưng nhiều nhà kinh tế dự đoán quốc gia châu Á sẽ vượt Mỹ vào thập niên 2030, tùy thuộc vào những gì người ta giả định về tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và Mỹ.
Các nhà lãnh đạo Mỹ có thừa nhận sự thay đổi này theo cách cho phép một mối quan hệ mang tính xây dựng hay không, hay là họ sẽ khuất phục trước nỗi sợ hãi? Liệu các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ chấp nhận rủi ro nhiều hơn, hay nước này và Mỹ sẽ học cách hợp tác trong sản xuất hàng hóa công cộng toàn cầu dưới sự phân bổ quyền lực đang thay đổi?
Khi xưa, nhà sử học vĩ đại Thucydides cho rằng cuộc chiến chia cắt thế giới Hy Lạp cổ đại là do hai nguyên nhân: Sự trỗi dậy của một thế lực mới và nỗi sợ hãi mà thế lực này tạo ra ở thành trì sức mạnh cũ. Do vậy, Mỹ và Trung Quốc phải tránh những lo ngại bị phóng đại mà có thể sẽ làm bùng nổ một cuộc chiến tranh nóng hoặc lạnh mới.
Kể cả khi Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, thu nhập quốc dân không phải là thước đo duy nhất cho sức mạnh địa chính trị. Trung Quốc vẫn xếp sau Mỹ về quyền lực mềm, và chi tiêu quân sự của Mỹ gần gấp 4 lần Trung Quốc. Tuy năng lực quân sự của Trung Quốc tăng mạnh trong những năm gần đây, giới phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ không thể đẩy Mỹ khỏi Tây Thái Bình Dương.
Mỹ từng là nền kinh tế thương mại lớn nhất thế giới và là người cho vay song phương lớn nhất. Ngày nay, gần 100 quốc gia coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của họ, so với 57 nước nhìn nhận như vậy về Mỹ.
Trong thập niên tới, Trung Quốc dự định cho vay hơn 1 nghìn tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng với Sáng kiến Vành đai và Con đường, trong khi Mỹ lại cắt giảm viện trợ. Trung Quốc sẽ có được sức mạnh kinh tế nhờ quy mô thị trường cùng các khoản đầu tư và hỗ trợ phát triển ở nước ngoài. Sức mạnh tổng thể của Trung Quốc so với Mỹ có thể sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, rất khó đánh giá được sự cân bằng quyền lực. Mỹ sẽ vẫn giữ một số lợi thế quyền lực lâu dài, tương phản với các khu vực mà Trung Quốc dễ bị tổn thương.
Thứ nhất là địa lý. Mỹ được bao quanh bởi các đại dương và có quan hệ tốt với các nước láng giềng. Trung Quốc có biên giới với 14 quốc gia, nhưng có tranh chấp lãnh thổ với nhiều nước như Ấn Độ, Nhật Bản... gây hạn chế cho quyền lực cứng và mềm của nước này.
Năng lượng là một lĩnh vực nữa mà Mỹ có lợi thế. Một thập niên trước, Mỹ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, nhưng cuộc cách mạng đá phiến đã biến Bắc Mỹ từ một nơi nhập khẩu thành nơi xuất khẩu năng lượng. Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng từ Trung Đông, mà nước này phải vận chuyển dọc theo các tuyến đường biển nhiều thách thức.
Mỹ còn có lợi thế về nhân khẩu học. Đây là quốc gia phát triển mạnh duy nhất được dự đoán sẽ giữ vững thứ hạng toàn cầu (thứ ba) về dân số. Mặc dù tốc độ tăng dân số của Mỹ đã chậm lại trong những năm gần đây, xu hướng này không chuyển sang trạng thái tiêu cực giống như ở Nga, châu Âu hay Nhật Bản. Trong khi, Trung Quốc đang lo sợ "sẽ già đi trước khi giàu lên".
Mỹ cũng vẫn đi đầu về các công nghệ quan trọng (sinh học, nano, thông tin), vốn là trọng tâm của tăng trưởng kinh tế thế kỷ 21. Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, đồng thời cạnh tranh tốt trong một số lĩnh vực. Nhưng 15 trong số 20 trường đại học nghiên cứu hàng đầu thế giới hiện nay là ở Mỹ; không có trường nào ở Trung Quốc.
Theo Giáo sư Joseph S. Nye, những người công nhận Pax Sinica (Hoà bình kiểu Trung Quốc) và sự suy tàn của Mỹ đã không tính hết tất cả các nguồn lực.
Ông chỉ ra rằng, sự kiêu ngạo của người Mỹ luôn là mối nguy hiểm, nhưng nỗi sợ hãi quá mức có thể dẫn đến phản ứng thái quá. Trong khi đó, chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc đang trỗi dậy, điều mà kết hợp với niềm tin vào sự suy giảm của Mỹ sẽ khiến Bắc Kinh phải chấp nhận rủi ro lớn hơn. Cả hai bên phải chú ý tránh những tính toán sai lầm.
Giáo sư Joseph S. Nye kết luận, sau tất cả, rủi ro lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt chính là khả năng mắc lỗi của chính chúng ta.
Thanh Hảo (dịch)
Ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc là 'phép thử địa chính trị lớn nhất thế kỷ 21'
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 3/3 nói quan hệ giữa nước này với Trung Quốc là “phép thử địa chính trị lớn nhất” trong thế kỷ 21.
Trung Quốc nói về đồn đoán lập liên minh với Nga chống NATO
Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng về các đồn đoán về việc nước này và Nga đang lên kế hoạch thành lập một liên minh chính thức chống lại tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu.