Theo phân tích từ trang tin USA Today, trong tổng số 324 vụ bắt giữ liên quan đến cuộc bạo động ở đồi Capitol, có tới 43 trường hợp đã và đang làm trong các cơ quan thực thi pháp luật hoặc các cựu quân nhân. Ít nhất 4 sĩ quan và 3 cựu sĩ quan cảnh sát phải đối mặt với các cáo buộc cấp liên bang. Bên cạnh đó, 2 sĩ quan đã bị sa thải, 1 người đã từ chức và 1 người khác bị đình chỉ công tác không lương.

Sự dính líu từ cả phía lực lượng an ninh đến một cuộc bạo loạn khiến 3 sĩ quan thiệt mạng và 140 sĩ quan khác bị thương, khiến các nhà lập pháp phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng cực đoan hóa đang âm ỉ bên trong các lực lượng này.

{keywords}
Lực lượng cảnh sát bảo vệ lối vào Quốc hội Mỹ khỏi sự xâm nhập của người biểu tình hôm 6/1. Ảnh: New York Times

“Một liên minh đường phố giữa các lực lượng bán quân sự cánh hữu, cơ quan thực thi pháp luật và các chính trị gia đã trở thành tiền đề cho chủ nghĩa phát xít tại Mỹ suốt một thế kỷ qua”, Hạ nghị sĩ Jamie Raskin cho biết với USA Today. “Do đó, sự tham gia của nhiều nhân viên thực thi pháp luật trên khắp nước Mỹ trong cuộc bạo loạn ngày 6/1 tại Quốc hội là một dấu hiệu cảnh báo về mối nguy hiểm đối với nền dân chủ của chúng ta”.

Những kẻ cực đoan khoác áo cảnh sát

Sự xâm nhập chủ nghĩa thượng tôn da trắng vào lực lượng cảnh sát Mỹ vốn là điều gây quan ngại suốt nhiều năm. Một ghi nhận năm 2006 của FBI cho biết, “sự hiện diện của chủ nghĩa thượng tôn da trắng trong số các nhân viên thực thi pháp luật là điều lo ngại. Do họ có thể kiểm soát những khu vực bị hạn chế, các quan chức được bầu cử hoặc những người được bảo vệ mà họ có thể xem là những mục tiêu gây bạo lực”.

Theo Jamie Raskin, sự hiện diện của họ trong các cơ quan thực thi pháp luật đã gây cản trở các phản ứng đối với chủ nghĩa khủng bố cánh hữu, đặt các sĩ quan chân chính vào tình thế nguy hiểm, và khiến các cộng đồng dễ bị tổn thương phải hứng chịu thứ bạo lực vô pháp từ “những kẻ cực đoan khoác áo cảnh sát”.

“Điều đáng báo động là FBI cũng không sẵn sàng chia sẻ với công chúng và Quốc hội về mức độ toàn diện của mối đe dọa từ những phần tử cực đoan đang thâm nhập vào các cơ quan cảnh sát địa phương”, hạ nghị sĩ cho biết. “Không có lý do gì để bào chữa cho sự thụ động và phủ nhận sự đồng lõa giữa các sĩ quan cảnh sát và những lực lượng dân quân tự phong".

{keywords}
Thomas Webster, cựu cảnh sát thành phố New York, là một trong những người bị bắt giữ vì tham gia cuộc bạo động hôm 6/1. Ảnh: FBI

Phát biểu trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ hôm 2/3, Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết cơ quan của ông đang làm việc với các bộ phận địa phương để giải quyết những điều bị FBI xem là "mối đe dọa từ bên trong", khi nhắc đến các trường hợp bị điều tra và kỷ luật ở các cơ quan thực thi pháp luật cấp địa phương.

“Trong quá trình điều tra cuộc bạo loạn hôm 6/1, chúng tôi đã phát hiện một số trường hợp là cựu quân nhân hoặc nhân viên thực thi pháp luật”, ông Christopher Wray nói. “Và chúng tôi sẽ xử lý những trường hợp này một cách quyết liệt như những thành phần khác”.

Mất niềm tin vào lực lượng thực thi pháp luật

Cuộc bạo loạn trước trụ sở Quốc hội đã châm ngòi nhiều cuộc điều tra nhắm vào lực lượng cảnh sát trên khắp nước Mỹ. Tại bang Pennsylvania, 7 sĩ quan cảnh sát đã bị điều tra, trong đó có 2 sĩ quan bị đình chỉ không lương, vì tình nghi tham gia vào cuộc biểu tình tại thủ đô. Tương tự, 2 cảnh sát bị đình chỉ và 4 người khác bị điều tra.

Tại Trung tâm Công lý Brennan, một nhóm có tên gọi Các nhà lãnh đạo thực thi pháp luật để giảm thiểu tội phạm đã kêu gọi một cuộc điều tra đầy đủ vụ tấn công vào trụ sở Quốc hội Mỹ, do lo ngại nó có thể làm xấu hình ảnh của các lực lượng an ninh trong nước.

Ronal Serpas, cựu giám đốc Sở cảnh sát thành phố New Orleans, và Taryn Merkl, cựu trợ lý Văn phòng Công tố viên New York, đều cho biết: "Những hành động như vậy làm xói mòn lòng tin của nước Mỹ đối với các lực lượng thực thi pháp luật, và là một sự sỉ nhục đáng hổ thẹn đối với cam kết phục vụ và bảo vệ một cách chuyên nghiệp của chúng tôi".

Theo kết quả một cuộc khảo sát từ Gallup, lòng tin của người dân Mỹ đối với cảnh sát đã xuống mức thấp nhất mọi thời đại kể từ mùa hè năm 2020, thời điểm nổ ra các cuộc biểu tình đòi công lý cho George Floyd, Breonna Taylor và những người da màu bị cảnh sát giết hại.

{keywords}
Joseph Fischer, sĩ quan cảnh sát tại bang Pennsylvania, bị bắt vì cáo buộc tham gia cuộc bạo loạn hôm 6/1. Ảnh: Bộ Tư pháp Mỹ

Gia tăng nỗi lo phân biệt chủng tộc

Cũng theo ghi nhận của FBI, sự có mặt của các phần tử thượng tôn da trắng trong các lực lượng an ninh có thể dẫn đến "sự dung dưỡng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở chính các cộng đồng mà họ phục vụ".

Năm 2019, một nhóm nhà báo điều tra đã cùng tham gia một dự án có tên gọi Plain View. Dự án này đã thu thập tới hơn 5.000 bài đăng có chứa các thông điệp thượng tôn da trắng, bài ngoại, kỳ thị phụ nữ và cổ súy bạo lực trên Facebook từ các nhân viên cảnh sát ở 8 thành phố khác nhau trong hơn 1 thập kỷ qua.

Dự án Plain View đã xác định tổng cộng 169 nhân viên và cựu nhân viên lực lượng chức năng là tác giả những bài đăng truyền bá các tư tưởng cực đoan trên. Kết quả là, 60 sĩ quan đã bị bãi chức, trong khi những người còn lại phải chịu các hình thức kỷ luật khác nhau, từ cảnh cáo bằng văn bản cho đến đình chỉ công tác mà không được trả lương.

Heather Taylor, một cựu sĩ quan thuộc Sở Cảnh sát thành phố St. Louis, cho rằng Bộ Tư pháp và Quốc hội Mỹ cần hết sức lưu tâm tình trạng “cực đoan hóa” bên trong các lực lượng chức năng. "Điều này thực sự rất nghiêm trọng nhưng vẫn bị nhắm mắt ngó lơ. Tôi ước có thể nói với các bạn rằng tôi bị sốc như thế nào, song đã không thể làm điều đó", bà Taylor tiết lộ.

Việt Anh

Biểu tình rầm rộ khắp nước Mỹ phản đối kỳ thị người gốc Á

Biểu tình rầm rộ khắp nước Mỹ phản đối kỳ thị người gốc Á

Tuần hành kêu gọi chấm dứt bạo lực với người Mỹ gốc Á diễn ra khắp nước Mỹ sau vụ xả súng hàng loạt tại các tiệm mát-xa khiến 8 người thiệt mạng ở Atlanta. 

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật giấc mơ và lời hứa

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật giấc mơ và lời hứa

Hãng tin CNN cho biết, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật về vấn đề người nhập cư trong ngày 18/3.