Sabila Khan, ở thành phố New York, tâm sự cô đang rất thất vọng và mệt mỏi. Người phụ nữ này đã mất đi người cha thân yêu vì Covid-19 trong năm 2020 và giờ vẫn thường xuyên gặp ác mộng. Mất đi người thân giữa đại dịch là điều đau đớn, vì những hạn chế về thăm viếng và tang lễ đồng nghĩa với việc chẳng có cuộc gặp chia tay lần cuối nào.

Covid-19 đã gieo rắc mầm bệnh cho khoảng 70,5 triệu người và cướp đi sinh mạng của khoảng 884.000 bệnh nhân ở Mỹ, nhiều hơn so với bất kỳ nước nào khác trên thế giới. Đại dịch ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống và gây ra nỗi đau lớn về cả thể chất lẫn tinh thần của hàng triệu người.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ nỗ lực xử lý đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters 

Tổng thống Joe Biden nhậm chức ngày 20/1/2021 trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong liên quan đến virus SARS-CoV-2 ở Mỹ tăng vọt và các nguồn cung vắc xin vẫn còn thiếu hụt. Một năm sau, ông cam kết sẽ tiếp tục ứng phó với đại dịch và đưa đất nước "hướng tới thời điểm mà Covid-19 sẽ không còn làm gián đoạn cuộc sống thường nhật của chúng ta nữa".

Nhưng với nhiều người, vết sẹo Covid-19 vẫn in sâu.

Bước tiến của chính quyền Biden

Trong tuần này, Tổng thống Biden thừa nhận dịch bệnh đã gây nhiều đau đớn nhưng khẳng định Mỹ sẽ không quay trở lại với các đợt phong tỏa như trước, nhờ có năng lực xét nghiệm dồi dào và quy mô tiêm chủng rộng khắp (gần 210 triệu người đã tiêm phòng Covid-19).

"Đối với nhiều người trong chúng ta, nó quá sức chịu đựng", nhà lãnh đạo Mỹ phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng nhân kỷ niệm tròn 1 năm lên cầm quyền. "Tuy nhiên, giờ đây chúng ta đang ở một điểm khác; chúng ta có trong tay nhiều công cụ như vắc xin, khẩu trang, xét nghiệm và thuốc".

Thời điểm ông Biden nhậm chức năm ngoái, số ca nhiễm và tử vong liên quan đến Covid-19 ở Mỹ đang trên đà tăng còn vắc xin vẫn trong tình trạng thiếu thốn. Buổi lễ nhậm chức được tổ chức vào một buổi sáng lạnh ở Washington DC và không có nhiều người tới dự vì quy định hạn chế tụ tập. Khi đó, tân Tổng thống Mỹ cam kết sẽ xử lý đại dịch, đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng, giảm tỷ lệ lây nhiễm, và tái mở cửa các trường học và doanh nghiệp. 

Đến cuối tháng 6, số ca nhiễm giảm dần trong khi tỷ lệ tiêm vắc xin tăng lên. Các trường học mở cửa trở lại và nền kinh tế bắt đầu phục hồi dần. Nhưng biến thể Delta xuất hiện, tiếp đến là Omicron đã khiến hệ thống y tế trên toàn nước Mỹ quá tải.

Trong kỳ nghỉ lễ vừa qua, Chính phủ Mỹ hứng chịu nhiều chỉ trích vì không cung cấp đủ số bộ xét nghiệm tại nhà và tình trạng xếp hàng chờ xét nghiệm quá tải ở nhiều điểm. Hôm 19/1, Tổng thống Biden thừa nhận chính quyền của ông đáng lẽ phải làm nhiều hơn để tình trạng này không xảy ra. Ông cam kết sẽ cung cấp miễn phí 1 tỷ bộ xét nghiệm. Tuần này, Nhà Trắng đã mở một trang web cho phép người Mỹ có thể đặt bộ xét nghiệm nhanh gửi về nhà.  

Xây dựng lòng tin

Theo các chuyên gia y tế, chính quyền Biden đã gặt hái được nhiều thành tích trong nỗ cung cấp vắc xin cho người Mỹ và giảm khoảng cách tiếp cận giữa các cộng đồng. Mỹ đã sản xuất và cho phép sử dụng 3 loại vắc xin: Pfizer-BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson.

Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, gần 75% số người trưởng thành ở nước này hiện đã được tiêm phòng đầy đủ và hơn 40% đã được tiêm nhắc lại. Trong những tháng gần đây, chính quyền cũng đạt bước tiến lớn trong chiến dịch chủng ngừa cho trẻ em. 

Tuy nhiên, theo ông Michael Wilkes, giáo sư y khoa và sức khỏe toàn cầu, chính quyền đã hành động kém hiệu quả trong việc truyền đạt hướng dẫn y tế cho người dân và xây dựng lòng tin. Ông nêu ví dụ CDC khuyến cáo công chúng nên sử dụng khẩu trang vải, nhưng ngay hôm sau, khi có thêm kết quả nghiên cứu, cơ quan này lại điều chỉnh khuyến nghị, khuyên sử dụng khẩu trang N95 và KN95 để bảo vệ mình tốt hơn.

Theo một cuộc thăm dò của CBS News/ YouGov được công bố hôm 17/1, 57% số người được hỏi cho biết thông tin về virus corona chủng mới mà các nhà chức trách cung cấp là "khó hiểu".  

Tín nhiệm sụt giảm

Những hệ lụy do Covid-19 gây ra đã ảnh hưởng lớn đến tín nhiệm của Tổng thống Biden trong năm đầu của ông ở Nhà Trắng. Kết quả thăm dò được CBS News/ YouGov công bố hôm 20/1 cho thấy, có tới 45% người Mỹ nói họ ủng hộ cách thức ông ứng phó với đại dịch, giảm mạnh từ con số 57% cách đây 1 tháng.  

Giới chuyên gia y tế nhận định, số ca Covid-19 tử vong sẽ tiếp tục tăng, đặt biệt ở những người Mỹ chưa tiêm vắc xin vì nhiều lý do, chẳng hạn như hiểu chưa đúng về Covid-19 và vắc xin, hoặc do niềm tin về tôn giáo và chính trị. 

Nỗ lực của Tổng thống Biden nhằm áp đặt các quy định bắt buộc tiêm vắc xin đã gặp phải sự phản đối gay gắt từ phe Cộng hòa. Ông muốn toàn bộ lao động của các tập đoàn lớn phải tiêm vắc xin ngừa Covid-19 hoặc phải tiến hành xét nghiệm hàng tuần, nhưng yêu cầu này đã bị tòa án tối cao bác bỏ.  

Trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020, ông Biden nhận được hơn 80% triệu phiếu bầu, nhiều hơn bất kỳ tổng thống Mỹ nào khác. Khi bắt đầu nhiệm kỳ, ông nhận được sự ủng hộ cao ở mức 56%. Một năm trôi qua, con số này giảm xuống còn 42%. 

Với biến chủng Omicron đang hoành hành dữ dội, nguy cơ sẽ có thêm nhiều biến thể nữa của virus SARS-CoV-2 ra đời, đại dịch sẽ chưa thể kết thúc sớm. Tổng thống Biden sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống Covid-19 trong năm 2022.

Đọc bình luận quốc tế trên VietNamNet

Phương Anh   

Áp lực không ngừng bủa vây ông Biden sau năm đầu nhiệm kỳ

Áp lực không ngừng bủa vây ông Biden sau năm đầu nhiệm kỳ

Tin xấu liên tiếp ập đến với Tổng thống Joe Biden. Ông đã kết thúc năm 2021 ở điểm thấp và hy vọng sẽ đảo ngược tình thế trong năm mới 2022.