Trang tin POLITICO, dẫn nguồn tin từ giới chức ngoại giao của 3 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, mới đây đã tiết lộ một thông tin đáng chú ý: 15 nước thành viên của Hội đồng trong tuần này đã có các cuộc thảo luận kín xung quanh việc đưa ra một tuyên bố kêu gọi kiềm chế giữa các bên ở Dải Gaza. Tuy nhiên, Mỹ là nước duy nhất sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn sự đồng thuận về tuyên bố này.

Dù nhiều nước thành viên của Hội đồng đã đề xuất chuyển sang một cuộc tranh luận mở về vấn đề Gaza vào hôm 14/5, thì Mỹ lại đưa ra phản đối vào phút chót ngay trong hôm 13/5. Điều này đồng nghĩa với việc một cuộc tranh luận tiếp theo sẽ không thể diễn ra, ít nhất là từ giờ cho đến hôm 18/5.

Vốn là đồng minh lớn nhất của Israel tại Liên Hợp Quốc, Mỹ đã liên tục hậu thuẫn nước này qua nhiều đời tổng thống, bất chấp sự phản đối của nhiều cơ quan toàn cầu về cách quản lý các vùng lãnh thổ của người Palestine.

Song với sự đảo chiều trong diễn biến của các cuộc thảo luận vừa qua, nhiều nhà ngoại giao ở Liên Hợp Quốc phải tự hỏi chính sách của Mỹ đã thay đổi nhiều đến mức nào kể từ sau thời Tổng thống Donald Trump. Richard Gowan, người điều hành Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế tại Liên Hợp Quốc, cho biết: “Nếu chính quyền Tổng thống Biden đang có một tuần trăng mật tại Liên Hợp Quốc, thì nó đã chấm dứt”.

{keywords}
Liên Hợp Quốc giờ không còn là nơi dễ thở đối với Mỹ và Tổng thống Joe Biden?. Ảnh: AP

Cũng theo Richard Gowan, một cuộc tranh luận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đều mang tính lợi ích lâu dài đối với Mỹ. Ông cho rằng việc ngăn chặn các tuyên bố và tranh luận kể trên “giống như một món quà dành cho Trung Quốc và Nga, những nước sẽ lấy Gaza làm cái cớ để gây bất lợi đối với Mỹ, bất cứ khi nào Washington lên tiếng về các vấn đề liên quan đến Bắc Kinh hoặc Moscow”.

Theo POLITICO, dự thảo về tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có nội dung kêu gọi các bên “kiềm chế, hạn chế các hành động và luận điệu gây khiêu khích, đồng thời duy trì và tôn trọng hiện trạng lịch sử tại các thánh địa.” Dự thảo cũng ghi nhận "sự quan ngại nghiêm trọng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về khả năng bị trục xuất của các gia đình Palestine tại những khu vực Sheikh Jarrah và Silwan ở Đông Jerusalem. Nhiều người trong số họ đã sống ở đây suốt nhiều thế hệ".

Tuyên bố cũng nhấn mạnh sự ủng hộ lâu dài đối với giải pháp “Hai Nhà nước” của Liên Hợp Quốc, “nơi hai quốc gia, Israel và một nhà nước Palestine độc ​​lập, dân chủ, nằm tiếp giáp và có chủ quyền, chung sống hòa bình với nhau giữa các đường biên giới an toàn và được công nhận".

Hai nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu nói với POLITICO rằng, nếu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không thể có sự đồng thuận, thì cơ hội sẽ mở ra đối với Thổ Nhĩ Kỳ cùng các đồng mình thuộc khối Ả-rập trong việc triệu tập một cuộc họp ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về vấn đề này. Nếu cuộc họp, do đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Liên Hợp Quốc Volkan Bozkır làm chủ trì, được diễn ra, thì Mỹ và Israel rất có thể sẽ bị tới 190 quốc gia biểu quyết chống đối.

Tuy nhiên, một quan chức tại phái đoàn Mỹ nói rằng, nước này vẫn đang hỗ trợ một cuộc họp mở tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Gaza vào đầu tuần tới, nhiều khả năng sẽ diễn ra vào hôm 18/5. Đại sứ Linda Thomas-Greenfield được cho là đang tiến hành các cuộc thảo luận hàng ngày với các đại sứ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 12/5 đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng có cuộc trao đổi với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas để tìm lối thoát cho tình hình căng thẳng hiện tại giữa hai nước. Cùng thời điểm này, Hady Amr, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Israel và Palestine, đang có mặt tại Israel để tiến hành các cuộc thảo luận với nội dung tương tự.

Giới ngoại giao Mỹ cho rằng, việc trì hoãn các cuộc trao đổi ở Liên Hợp Quốc là điều cần thiết, để các bên có thêm thời gian cho các cuộc thảo luận cấp cao trong khu vực, nhằm giảm bớt căng thẳng và tiến tới một lệnh ngừng bắn toàn diện ở Dải Gaza.

Việt Anh

Bạo lực bùng phát thử thách cách tiếp cận Israel của ông Biden

Bạo lực bùng phát thử thách cách tiếp cận Israel của ông Biden

Tổng thống Mỹ Joe Biden không muốn bị cuốn vào cuộc xung đột kéo dài giữa Israel và Palestine mà định dựa vào các đối tác khu vực để chấm dứt tình trạng bạo lực tồi tệ nhất kể từ năm 2014.