Gần 9 tháng sau khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, Mỹ và Trung Quốc cuối cùng cũng có động thái cố gắng xoa dịu căng thẳng có từ thời ông Donald Trump, dù Washington vẫn than phiền đối với các chính sách của Bắc Kinh về thương mại cùng nhiều vấn đề khác.
Các nhân viên chỉnh cờ Mỹ và cờ Trung Quốc trước cuộc họp mở đầu đàm phán thương mại giữa các đại diện hai nước ở Bắc Kinh. Ảnh của AP, chụp ngày 14/9/2019. |
Hôm 6/10, cố vấn cấp cao về chính sách đối ngoại của Trung Quốc Dương Khiết Trì và cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan đã có cuộc gặp kín ở Zurich, Thụy Sĩ. Sau 6 giờ đàm phán, phía Mỹ đã tiết lộ một thỏa thuận trên nguyên tắc cho một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối năm nay. Kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 1, hai nhà lãnh đạo đã có 2 lần điện đàm nhưng chưa tổ chức một cuộc gặp chính thức nào.
Theo hãng tin AP, nhiều sự khác biệt lớn đang chia tách hai quốc gia hùng mạnh nhất thế giới theo nhiều cách, khi họ cạnh tranh nhau để giành lấy những gì mà mỗi bên coi là vị trí xứng đáng của mình trong trật tự thế giới. Một số khác biệt về an ninh khu vực, thương mại và công nghệ có thể rất khó hòa giải, nhưng đàm phán thành công sẽ giúp kiểm soát tình hình và ngăn chặn bất kỳ điều gì cản trở sự hợp tác trong các lĩnh vực, chẳng hạn như biến đổi khí hậu.
AP dẫn lời Drew Thompson, cựu quan chức quốc phòng Mỹ chuyên trách quan hệ quân sự với Trung Quốc, Mông Cổ... bình luận: "Tôi không nghĩ điều này đánh dấu một sự chuyển đổi tích cực, và bằng cách nào đó chúng ta sẽ có một kỷ nguyên vàng. Nhưng có thể chúng ta đã tìm thấy một tầng mà trong đó các mối quan hệ sẽ không chìm sâu hơn nữa".
Ông nhận xét thêm rằng, cuộc gặp ở Zurich tuần trước đã diễn ra "tốt đẹp một cách ngoạn mục" so với cuộc gặp hồi tháng 3 ở Alaska mà hai ông Dương Khiết Trì và Jake Sullivan đã tham dự, cũng như nhiều cuộc gặp song phương khác trong 3 năm qua.
Zhao Kejin, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, miêu tả đường hướng hiện nay là một nỗ lực để xoa dịu căng thẳng. "So với những sóng gió thời chính quyền Trump, quan hệ hiện thời đang dịch chuyển theo hướng giảm nhẹ. Nó sẽ dịch chuyển được bao xa thì chúng ta phải chờ xem".
Một cái gai trong mối quan hệ đã được gỡ bỏ hai tuần trước khi các công tố viên Mỹ đạt được thỏa thuận chấm dứt các thủ tục dẫn độ kéo dài ở Canada đối với Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu và cho phép bà trở về Trung Quốc. Ngay sau đó, hai người Canada mà Trung Quốc bắt giữ hơn 2 năm qua được trả tự do, và hai người Mỹ bị cấm rời khỏi Trung Quốc cũng đã được phép hồi hương.
Đầu tuần trước, báo chí Trung Quốc còn nêu bật nhận xét của Katherine Tai, quan chức thương mại hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Biden, rằng bà có kế hoạch trao đổi thẳng thắn với những người đồng cấp Trung Quốc về giải quyết cuộc chiến thuế quan.
Về an ninh khu vực, có rất ít dấu hiệu cho thấy Mỹ - Trung sẽ xuống thang. Trung Quốc đang có nhiều tham vọng về lãnh thổ và chiến lược ở Tây Thái Bình Dương, nhưng gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ cùng các đồng minh, trong khi mối quan hệ quốc phòng của Mỹ với đảo Đài Loan cũng rất nhạy cảm.
Chính quyền Biden cũng chịu áp lực lớn từ đảng Cộng hòa và các nhà hoạt động là phải duy trì một đường lối cứng rắn về Trung Quốc, bất kể mong muốn hợp tác với Bắc Kinh về biến đổi khí hậu và thúc ép Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio mới đây viết trên Twitter rằng, ông Biden "ảo tưởng" nếu nghĩ có thể đạt được thỏa thuận về khí hậu bằng cách hạ thấp "sự cạnh tranh cường quốc" với Trung Quốc.
Thanh Hảo
Loạt vấn đề hóc búa chờ đón thượng đỉnh trực tuyến Joe Biden - Tập Cận Bình
Cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến diễn ra trong năm nay là một phần nỗ lực song phương nhằm đảm bảo sự ổn định của một trong những mối quan hệ sóng gió nhất thế giới.